12:57 - 16/06/2019
Giáo viên phải là người học suốt đời
Từng là cựu học sinh trường Amsterdam và hiện đang giảng dạy khoa tiếng Anh trường đại học Hà Nội, cô giáo trẻ Nguyễn Thanh Thuý chia sẻ với TGHN câu chuyện về “thân giáo” ngày nay.
Không chỉ quan tâm đến chuyên ngành mình theo đuổi, trên mạng xã hội, cô Thanh Thuý luôn cổ xuý cho tư duy giáo dục mới, mang tính phản biện và thấu hiểu thay cho bạo lực và áp đặt.
– Là một nhà giáo và cũng là một người mẹ, cô nghĩ gì về hai từ “thân giáo”?
– Thực ra đa số những kỹ thuật dạy học cơ bản đều bắt đầu bằng việc “làm mẫu” (modeling). Ngay trong nghiên cứu về não bộ, người ta cũng chỉ ra đặc tính sao chép (mirror) của các nơ ron thần kinh, giúp cho chúng ta học thông qua việc quan sát hành động của người khác. Rất nhiều cuộc phỏng vấn tìm hiểu ấn tượng còn lại về trường lớp sau bao nhiêu năm học đều nhắc tới thầy cô, bởi họ chính là những người tác động rất lớn tới việc học của một cá nhân.Tất cả những điều này nói lên rằng “thân giáo”, với hàm nghĩa người thầy cô phải tự tu thân trước khi dạy học trò, là một từdùng rất đúng và trúng.
Với trải nghiệm của tôi, “thân giáo” còn bao hàm cả việc giáo viên phải là người học suốt đời.Việc này có hai ý nghĩa quan trọng. Một là bản thân người thầy cô khi liên tục học tập, mở mang kiến thức cho bản thân mình, sẽ đồng thời hình thành được một nhân sinh quan phong phú, hiểu được rõ ràng hơn vai trò và vị trí của nội dung mình đang giảng dạy trong dòng chảy cuộc đời. Có hiểu sâu, nắm chắc kiến thức chuyên môn thì mới linh hoạt và chủ động trong quá trình tương tác, hỗ trợ học trò ở mọi trình độ đa dạng, chứ không áp đặt và hạn chế tiềm năng của học trò mình. Thứ hai, khi quay trở lại với việc học, người thầy cô ấy đồng thời chuyển vị trí, đổi góc nhìn, tự mình trải nghiệm lại từng bước của quá trình học tập, từ đó hiểu hơn khó khăn của học sinh, cũng như nhìn thấu được những nhu cầu chưa nói được thành lời của học trò mình. Trong bối cảnh xã hội biến chuyển không ngừng, nhu cầu thực tiễn của cuộc sống ngày một lớn hơn, đòi hỏi người học nhiều hơn, thì việc “tu thân” này của người giáo viên là một điều hết sức ý nghĩa.
– Theo cô, người lớn cũng từng là trẻ con và mắc rất nhiều lỗi lầm, làm sao để cha mẹ, thầy cô hiểu con trẻ?
– Đó là việc thường xuyên xảy ra trong quá trình tôi lớn, vì tôi vốn cũng là một đứa trẻ khá cá tính và bướng bỉnh, còn bố mẹ tôi cũng như bao nhiêu phụ huynh khác, sau bộn bề cơm áo gạo tiền, về đến nhà thấy mọi việc không như ý thì cũng rất khó kiềm chế được sự nóng giận. Ngay cả bản thân tôi bây giờ, cũng học hành đầy đủ về tâm lý và sư phạm, nhưng trong những hoàn cảnh nhất định khó tránh khỏi bột phát tính nóng.Chính vì thế, cá nhân tôi thấy vấn đề hiện tại nằm ở hai chữ “thông cảm”.Giữa người lớn và trẻ em, ai là người có thể suy nghĩ sâu sắc hơn, đầy đủ và toàn diện hơn về vấn đề, thì nên là người chủ động mở lòng mình trước.
Thực ra thay đổi người lớn rất dễ, đặc biệt là thái độ với con họ, bởi trong trái tim người cha người mẹ, đứa con cho dù có thế nào cũng vẫn là một đối tượng họ dành rất nhiều tình cảm, thậm chí, không quản ngại hy sinh thân mình để bảo bọc và nuôi dưỡng. Câu hỏi chỉ là: Vậy người lớn làm sao để thay đổi? Trong cuốn sách: Tuổi thơ qua nhiều thế kỷ (Centuries of Childhood) của Philippe Aries, ông đã chỉ ra rằng, vấn đề của người lớn là sau giai đoạn nuôi con ăn giặm, hầu hết đều quên mất là quá trình phát triển vẫn còn tiếp diễn. Điều này có nghĩa là còn rất nhiều khúc mắc, thiếu sót, băn khoăn…, mà người lớn nghĩ rằng “dễ mà” hoặc “đơn giản mà”, nhưng trẻ em lại không thấy như vậy. Điều này ngụ ý rằng việc hiểu đầy đủ quá trình phát triển này, những nhu cầu tâm lý, sinh lý, thể chất tự nhiên của trẻ diễn biến ra sao trong quá trình trẻ lớn, là một khối kiến thức cần thiết mà bất kỳ cha mẹ hay thầy cô nào cũng cần trang bị, để từ đó chủ động khoan dung, cũng như biết cách hướng dẫn cho trẻ vượt qua, từ đó học lấy những bài học sống quan trọng và ý nghĩa. Tôi tin là bằng cách tự thay đổi, chính cha mẹ đang đóng vai trò “làm gương” cho con mình, để dạy cháu phát triển những phẩm chất tốt, những kỹ năng tốt trong mối quan hệ với người khác.
– Có bao giờ cô tự hỏi: “Tại sao người lớn mắc lỗi mà họ không hề sửa chữa, trong khi với trẻ con họ lại không cho phép chúng sai?”
– Có điều gì rất tồi tệ trong hành động và suy nghĩ khi một đứa trẻ phản ứng với cha mẹ chúng?Tại sao người ta gọi đó là “trẻ hư”? Thực ra vấn đề này không chỉ người lớn mới mắc, mà đó là hạn chế chung của loài người vốn được chỉ ra bởi rất nhiều nghiên cứu tâm lý học trước đây. Căn nguyên của nó là góc nhìn của một người về những đặc điểm của bản thân cũng như so sánh với người khác, mà ở đó, hầu như chúng ta đều có thái độ thiên vị với bản thân mình và thành kiến với người khác (ví dụ: mình làm được là vì mình giỏi, còn người khác làm được tức là họ may mắn). Ngoài ra, văn hoá cũng đóng vai trò vào việc nhìn nhận này, khi một trong những đặc điểm điển hình của người Việt là trọng tôn ti trật tự, trao phần lớn quyền lực định đoạt “chuẩn” cho người “trên” (có địa vị xã hội cao hơn, hoặc lớn tuổi hơn). Khi một người lớn cho rằng mình biết nhiều (hơn trẻ), cho rằng mình đương nhiên có quyền tối thượng trong việc đưa ra quyết định cho một sự việc, hiện tượng nào đó, thì lẽ dĩ nhiên, phản ứng chống đối của trẻ sẽ trở thành một biểu hiện “lệch chuẩn”, cần phải điều chỉnh lại.
Ngân Hà thực hiện
Theo TGHN
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này