
09:50 - 29/01/2024
‘Vũ khí toàn năng’ của doanh nghiệp
Câu chuyện về thứ “vũ khí toàn năng” được tôi ấp ủ trước Covid, xuất phát từ nỗi trăn trở làm sao để hàng Việt Nam thâm nhập sâu hơn thị trường toàn cầu vốn vẫn là chủ đề nóng – điều mà “anh hàng xóm” Thái Lan có nhiều kinh nghiệm hơn ta.

Đầu bếp Trần Ngọc Nghĩa và “phụ bếp” Trần Bảo Quốc từ doanh nghiệp nước mắm truyền thống Khải Hoàn Phú Quốc chuẩn bị nguyên liệu cho món trà vải tại sự kiện Hương vị Việt Nam tại Bangkok hồi tháng 7/2023. Ảnh: Ricky Hồ.
Tôi có dịp tham dự buổi họp mặt cùng Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan, nhân kỷ niệm 10 năm dự án Khởi nghiệp xanh. Tôi nhận ra một điều – thế hệ doanh nhân trẻ khởi nghiệp hôm nay – chủ các tập đoàn mai sau vẫn còn mơ hồ về thứ “vũ khí toàn năng” quyền lực này.
Giữ lời hứa, đầu năm 2024, tôi gặp vị chủ tịch Hội DN.HVNCLC để chia sẻ về những dự án “vũ khí toàn năng” cùng nhóm cộng sự – những bạn trẻ với khát vọng đóng góp tâm huyết và kinh nghiệm vì lợi ích chung của cộng đồng.
Trong một thế giới phẳng, doanh nghiệp, dù ở bất cứ đâu, đều cần vũ khí để chiến thắng. Thứ “vũ khí toàn năng” mà tôi nói đến chính là thông tin – điều doanh nghiệp đều biết nhưng vẫn chưa khai thác và tận dụng được hết giá trị, biến nó trở thành vũ khí chinh phục thị trường quốc tế.
Tôi xin kể ba câu chuyện ngắn sau.
1. Bán hàng phải hiểu khách
Trong quý 3/2023, Hội đã phối hợp cùng Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan tổ chức hai hoạt động lớn. Đầu tiên là hội thảo “Tìm hiểu kinh nghiệm làm kinh tế xanh – xây dựng sản phẩm bền vững của Thái và xây dựng sức cạnh tranh cho sản phẩm xanh, bền vững của Việt Nam”, kế đến là sự kiện “Hương vị Việt Nam”. Qua hai sự kiện, tôi nhận thấy cách thức truyền tải và tiếp nhận thông tin giờ đã khác xưa nhiều. Câu chuyện kể dù hay nhưng không được khách hàng tiếp nhận cũng là sự lãng phí tài nguyên thông tin.
Câu chuyện QR của ông Chokchai Koisrichai, Giám đốc điều hành chợ đầu mối Talaad Thai quy mô nhất Thái Lan khiến tôi suy nghĩ về sức mạnh công nghệ cho phép người tiêu dùng theo dõi toàn bộ thông tin sản phẩm chỉ với thao tác quét mã QR.
Với sự kiện “Hương vị Việt Nam”, tôi càng thấm điều đã được học khi còn trên ghế giảng trường đại học – muốn “bán hàng” cần hiểu khách hàng. Những nhà thu mua từ các tập đoàn bán lẻ lớn dưới vai trò là những “giám tuyển” luôn muốn được lắng nghe những câu chuyện độc đáo về sản phẩm với chất lượng tốt nhất.
2. Rao hàng nơi đất khách
Trước thời điểm trái vải Bắc Giang lần đầu tiên lên kệ của hệ thống bảy trung tâm thương mại lớn nhất của Bangkok thuộc sở hữu của tập đoàn The Mall Group, Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan đã rất tích cực để tiếp cận các doanh nghiệp nhập khẩu bản địa. Tôi ngạc nhiên khi họ chưa biết đến trái vải của Việt Nam. Lâu nay, thị trường Thái Lan bị chi phối bởi vải Trung Quốc dù hình thức và chất lượng đều thua xa.
Điều này khiến tôi suy ngẫm nhiều – thực tế tồn tại nghịch lý bấy lâu nay, đặc sản vùng miền của Việt Nam dù luôn được truyền thông rầm rộ trong và ngoài nước nhưng vẫn xảy ra tình trạng đối tác nước ngoài không biết đến nhiều. Giữa chợ lạ, người bán lại càng phải rao hàng to hơn và nhiều hơn.
Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam lâu nay luôn bị rơi vào tình trạng “thị trường người mua chưa phải thị trường người bán”. Nói vậy không ngược lại với quy luật cung – cầu tự nhiên của kinh doanh. Chỉ có điều khi phụ thuộc quá vào người mua, doanh nghiệp sẽ bị bẫy “doanh thu lợi nhuận” và như vậy rất nguy hiểm. Cụm từ “giải cứu” vẫn luôn được nhắc đến vì thế.
Thiết nghĩ cần có cách tiếp cận chủ động hơn, thông tin cần hệ thống và chuẩn hóa để thế giới biết nhiều hơn đến những đặc sản vùng miền Việt Nam. Chỉ như vậy, nút thắt người mua – kẻ bán mới được giải quyết. Doanh nghiệp xuất khẩu cũng có thêm nhiều lựa chọn về đối tác và thị trường xuất khẩu.
3. Làm khách hàng thương, nhớ
Tôi luôn được hỏi một câu “Làm thế nào để xây dựng thương hiệu”. Bao lâu nay, câu chuyện thương hiệu vẫn luôn là đề tài nóng được bàn luận với nhiều ý kiến. Trong thời gian công tác tại Thương vụ, tôi cũng chủ động quan sát, tìm hiểu cách thức người Thái làm thương hiệu.
Tôi đúc kết một điều – mục tiêu làm thương hiệu đơn giản để người ta “thương” và “nhớ” đến mình. Thoạt nghe tưởng đơn giản nhưng để “gây thương nhớ” là cả nghệ thuật chứ không đơn giản. Xuất phát điểm của người Thái hơn ta; công tác truyền thông bài bản để quảng bá, xúc tiến, xuất khẩu rất đáng nể.
Tôi ngẫm cách họ làm và nghĩ về mình – doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mực thông tin, thiếu định hướng, nặng hình thức và dàn trải, vắng những điểm chạm cần thiết. Bản chất cốt lõi của thương hiệu là nội dung câu chuyện và cách truyền tải. Đó là lý do khiến sản phẩm của ta xuất hiện mờ nhạt, chưa kể được câu chuyện gây “thương nhớ”.
Cũng tới lúc cần nhìn nhận nghiêm túc về thông tin. Nếu không biết tận dụng thứ “vũ khí toàn năng” này, doanh nghiệp ta vẫn sẽ phải đối mặt với việc “con gà và quả trứng” để chinh phục thị trường quốc tế.
Nguyễn Thành Huy (theo TGHN)
———
(*) Nguyên phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Thái Lan.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này