
10:45 - 20/02/2024
Về nơi ánh trăng đi vắng
Mùa xuân tôi đi về nơi không chỉ có cồn cát đầy nắng gió ở gần thành phố Đồng Hới nơi phải đi mô tô địa hình, người xóc tung như trên lưng ngựa, khoảng mươi phút sau bạn sẽ tới đồi cát mênh mang, cảm giác cô quạnh như đang ở trên sa mạc Sahara hay sa mạc Qua Bích.
Về nơi có vườn quốc gia Kẻ Bàng, sông suối, hang động. Hang động trong núi vốn là nơi không có ánh trăng mà con người cứ lặn lội ngàn trùng tìm đến để khám phá một thiên đường có thật, động Phong Nha, Thiên Đường, có thể là sự bí ẩn của đá trên cạn, và đá dưới sông khác nhau. Đi thuyền thì tới động Phong Nha, Sơn Đoòng, về nơi không có ánh trăng mà đầy ánh sáng, sự huyền bí, vốn đã vang danh trong di sản thế giới, tại Việt Nam.
Dong thuyền xem động Phong Nha
Bạn hãy xuôi dòng sông Son, đôi bên bờ thẫm xanh mùa màng, chỉ thưa vắng những ngôi nhà dân cư một tầng, thi thoảng có dãy nhà xây hai tầng mới xây tựa bên vách núi. Thổ dân vừa làm nghề trồng khoai gieo, vừa nghề chài lưới, chèo thuyền cho bốn mùa du lịch. Đi thuyền trên sông Son để đến với động Phong Nha. Đang vào mùa xuân, khách quốc tế rất đông, chị chèo thuyền tự giới thiệu với tôi: “em tên Khoai”. Trong động không có ánh trăng, nếu đi thêm hơn hai cây số với ánh đèn rực rỡ chiếu sáng trên vách đá, sừng sững những điêu khắc do trời đất kiến tạo nên sự kỳ vĩ muôn hình muôn vẻ. Bạn vừa nhận ra một nhũ đá tượng phật bà Quan Âm, một bầu vú mẹ cho con bú, một thác nước trên bãi cát phơi hàng triệu năm không có dấu chân, một đầu kỳ lân hay sư tử, một cánh đồng lúa trổ bông bên hồ nước màu ngọc. Với rất nhiều thạch nhũ đủ màu với những pho tượng, hình khối, như từng có bàn tay của nhà điêu khắc tài hoa chạm khắc trên rong rêu dưới khe suối, tĩnh lặng. Bất chợt, bạn gặp một bãi cát phơi bên dòng suối nước xanh ngọc. Nếu đi qua vùng tối trong hang, dù không có ánh trăng thì vệt nước hắt sáng, hoặc cát trắng hắt lên đá trắng phản chiếu. Tự đá, tự nước suối và cát trắng tạo nên vẻ ánh sáng khác nhau làm thành bức tranh sơn thủy của họa sĩ Thiên Nhiên. Vẻ đẹp ánh sáng trong động thay đổi theo màu nước ban trưa, vệt đá có ánh đèn và nhũ xanh, người đến đây như bị lạc chân vào mê cung của thạch nhũ và đá xám. Không còn nhớ thời gian của ngày hay đêm. Người lái đò trên sông Son cứ lặng lẽ chèo thuyền nơi thiếu ánh điện, vùng hang tối càng đẹp, thuyền đi theo ánh sáng của nước và nhũ đá vào các khe sâu, khe sâu có vẻ rất thèm ánh mặt trời. Chị lái đò phá đi sự tịch mịch, chị giãi bày cái tên của mình, vì mẹ em đẻ rơi bên ruộng khoai gieo, thứ khoai dai và dẻo nổi tiếng xứ Quảng Bình trồng ở nơi khô cằn của vùng đất cát. Vị khoai ngọt và dẻo quánh hiếm nơi nào có khoai ngon như Quảng Bình.
Trong hang động Phong Nha bất chợt gặp một hồ nước ngầm trong vắt, có thể soi thấy bóng mình trên nước. Nơi có bãi đá ngầm, hình ảnh tráng lệ cho nhiều bạn trẻ check in và khám phá hang sâu trong lòng hồ, hồ trong động. Đi, về nơi không có ánh trăng trong hang động, vệt ánh sáng hắt lên của nước và cát trắng ngàn năm, từ khi còn chưa thấy dấu chân người, tôi đã tự vấn: “mình là ai, sao bây giờ mới đến chốn này? Có bao người ở Cực bắc trên thế giới, có bao người vượt qua Đại tây dương để đến nơi đây?”
Đi thuyền hơn hai cây số trong động luôn có ánh đèn, nếu lữ khách có nhu cầu khám phá mạo hiểm có thể đặt lịch đi hết 5 km đường sông, để đi tiếp. Còn hơn 5 cây số mạo hiểm đi thuyền không có ánh đèn, để khám phá ánh sáng bí ẩn khác của động Phong Nha. Nhìn thạch nhũ cộng với suối hồ trong bóng tối, giá vé của con đường mạo hiểm này cũng không quá cao, khoảng một triệu bảy trăm ngàn đồng một vé, bạn sẽ đi tới tận cùng của động Phong Nha. Đó là đích, đó là nỗi khát khao của số ít người dám chinh phục hang động Phong Nha trong bóng tối. Dù hiện tại du khách muôn phương chỉ dừng ở 2 km đường động có ánh sáng đèn rồi quay thuyền trở lại bến sông Son, kèm với một sự nuối tiếc, vì chưa đi tới đích, nơi không có ánh trăng dưới chân núi đá vôi.
Động Thiên Đường treo lưng núi
Khác hẳn với khám phá động Phong Nha, đi thuyền trên sông Son, chiêm ngưỡng thiên đường trên cạn. Để lên động Thiên Đường phải leo dốc hơn 500 bậc thang đường núi, tính nhẩm cũng mất nửa cây số leo dốc, khá mệt, bạn sẽ lên tới cửa hang. Nơi đây không đi bằng thuyền như động Phong Nha mà chỉ đi đường núi trên sàn lát gỗ dài, đi sâu hơn 2 km, để khám phá động Thiên Đường, người đi nhanh mất trọn một ngày. Mùa khô, dù mới sang xuân, hang động ẩm ướt vẫn rực rỡ ánh sáng, không gian rộng lớn chưa bao giờ vắng dấu giày của lữ khách quốc tế, và khách trong nước. Một lữ khách người Nhật nói ở chốn nghỉ chân: “Tôi đến đây nhìn thấy thiên đường lộng lẫy là có thật. Việt Nam của các bạn thật đẹp”. Vẻ huyền bí của hang động cho ta được sống thật với vẻ đẹp tự nhiên vốn có, thiên nhiên vốn dĩ không khoe mẽ, không PR. Đá núi vẫn có sức hút riêng của đá, nhũ, nham thạch ngàn đời đem lại sự ngạc nhiên sửng sốt cho con người. Mỗi vẻ đẹp của hang trên cạn khác hẳn với hang động dưới nước, đó là ánh sáng nơi không có ánh trăng. Nơi rất thèm ánh trăng để đẹp theo cách riêng của mình.
Động Thiên Đường có sự cuốn hút của cung thạch hoa viên, có hình Đức Mẹ Đồng trinh bế hài nhi; ở cung Giao Trì có vị Ngọc Hoàng giáng thế, nếu sang cung Quần Tiên có tượng phật A Di Đà. Đâu đó xa xa là hình ảnh ngôi nhà Rông bằng đá, mang dáng dấp của hơi thở Tây Nguyên. Mỗi vẻ điêu khắc tuyệt tác của thiên nhiên, có góc rêu phong đã phủ lên đá xám, khiến cho người xem nhìn đá liên tưởng vào quỹ thời gian sống của mình, mà cật vấn: “mình đã sống ra sao trước đá núi và hồ biếc?” Đã có những đôi vợ chồng trẻ người Nhật họ đã địu con bé tí hin vào hang để xem vẻ đẹp này, đã có đôi vợ chồng người Canada, vợ đang có mang, cũng đi dạo trong hang Thiên Đường. Quảng Bình đã cuốn hút không chỉ có hang động thạch nhũ, mê cung, rừng cây; riêng sản phẩm du lịch ở nơi hang Tối đã có thể tắm bùn trong bóng tối; hay bạn chọn sông Chày chèo thuyền Kayak, hay ra cửa bến thuyền Nhật Lệ nghe giọng hò khoan nhặt của xứ sở vùng khoai gieo, một thuở sử thi, nay có tượng đài Mẹ Suốt chèo đò bên sông Nhật Lệ. Để ghi nhớ một Thành cổ ở thành phố Đồng Hới, một nhà thờ đổ nghiêng bên sông, màu ám khói rêu phong vẫn nhòa nhạt ký ức ở thời hiện đại, thành phố Đồng Hới có nhiều địa chỉ để đi, vào những đêm trăng sáng.
Không chỉ mùa xuân, du khách có thể đi tiếp đường 20 thăm di tích lịch sử hang Tám Cô nằm trên con đường huyền thoại 20, từng có 20 ngàn người lính thanh niên xung phong nằm lại tuyến đường Trường Sơn này. Đến Quảng Bình, bạn nhớ dừng chân ven biển lớn, để thắp nén hương cho vị tướng Võ Nguyên Giáp, người hiền tài chọn chỗ nằm dưới cỏ, lưng tựa núi, mắt nhìn ra biển, xung quanh là rừng xanh. Người vẫn bình dị như ngàn cây trên núi thắm mà giá trị sống vẫn lưu danh muôn thuở.
Bài và ảnh Hoàng Việt Hằng (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này