
10:12 - 08/02/2025
Thư Paris cuối năm: Ăn, nói và đi chợ ve chai
Paris chớm đông, vừa báo hiệu bằng một ngày đêm tuyết rơi trắng xoá đất trời. Ẩm ướt và lạnh – nên thèm nhâm nhi chút gì đó với bạn bè, để kể nhau nghe vài chuyện xứ người.
Học ăn học nói
Lúc chuẩn bị đi Pháp, nhiều người băn khoăn giùm, kiểu như ông toàn kể chuyện ăn chuyện uống xứ mình, qua Pháp liệu có quen với đồ ăn Tây. Thực ra gia đình Việt nào trong kho dự trữ cũng đầy ắp đồ ăn Việt. Lâu lâu đi chợ Tàu quận 13 hay Thanh Bình Jeune là chở đầy xe gạo, nước mắm, bún, hủ tíu, mì gói, bánh tráng cuốn… Chưa kể ở các khu dân cư, tiệm tạp hoá Ấn Độ mở bán đủ các mặt hàng châu Á. Tôi mới ghé mua đòn chả lụa với chục nem của người Việt bên này làm, gu Bắc, có cảm giác ngon hơn nem chả phổ thông quê mình.
Tới bữa, người Việt thường nấu món Việt. Cơm gạo Thái tôi ăn mỗi ngày hột cơm dài đều, hội đủ các điểm ngon, là thơm-mềm và xốp. Hỏi con trai có ăn gạo ST 25 chưa, trả lời rồi, ngon, nhưng gạo ST vừa hiếm vừa mắc. Gạo bên này chủ yếu của Thái Lan và Ấn Độ, giá trung bình một ký 3 – 4 euro. Tấm, nếp, gạo lức, gạo đỏ gì cũng có.
Cháu tôi ăn món Tây ở trường, món Việt ở nhà, nhưng không phải gia đình người Việt trẻ nào cũng vậy. Phải kiên trì tập, không thôi mấy đứa nhỏ lớn lên chỉ biết McDonald’s, mê pizza với burger mà quên đồ ăn Việt. Nhìn cảnh cháu tôi khổ sở tập ăn mận, sầu riêng, nhãn… ông bà kỳ công đem qua mà thương. Ba mẹ tụi nó bắt phải tập ăn đồ Việt, cốt để biết sản vật quê nhà. Nó nói con không thích trái cây Việt Nam, nhưng con thích cơm cháy chà bông.
Nhắc chà bông mới thấy những gói chà bông Năm Thuỵ đem qua được bên này là món quà quí với nhiều người. Một dạo, bánh mì Việt tiệm Khai Trí dù đắt hơn Tang Frères vẫn được ưa chuộng do có chà bông heo rắc thêm hành phi.
Tập và giữ được chuyện ăn đồ Việt đã khó, nói tiếng Việt càng nhiêu khê hơn. May mà cháu tôi đã quen với qui ước về tới nhà là phải nói tiếng Việt; mỗi tuần dành hai tiếng đồng hồ học tiếng Việt online với cô giáo từ Việt Nam. Ăn món Việt phải tập, từ từ biết ăn rồi sẽ biết ngon. Tụi nó cũng đã biết thèm hủ tíu, bún bò. Chẳng qua là, nói tiếng Việt để giữ cội nguồn, ăn món Việt là hoài hương trong mỗi miếng ngon.
Học gói học mở
Nhân chuyện hủ tíu, bún bò, kể bạn nghe chuyện làm thêm của tụi nhỏ. Thỉnh thoảng vợ chồng con tôi nấu bún bò bán online cuối tuần. Tụi nó nấu ngon nên hễ rao trên Facebook là có khách đặt hàng. Tôi đã tham gia một lần để biết chuyện bán buôn xứ người. Cũng vui, nhưng quá cực. Gần một ngày cả nhà lái xe ra quận 13 đi chợ, mua từ thịt, bún, rau cho tới hộp nhựa, bọc xốp. Thêm một đêm trắng, cũng cả nhà, quần thảo với nồi niêu xoong chảo, luộc bún hầm thịt. Sáng hôm sau hai cha con lái xe đi giao tới chiều, mỗi chỗ vài phần, mỗi phần 15 euro.
Sau lần đó tôi bàn với đầu bếp Phước Nguyễn, gởi nước cốt Ông Mập qua cho tụi nhỏ bán lẻ. Bún bò, phở, bún mắm, canh chua là 4 loại nước cốt bán chạy. Ngưng nấu bún bò, con tôi hướng dẫn khách cách nấu và cung cấp nước cốt, cũng tiện; vậy mà lâu lâu họ vẫn hỏi chừng nào nấu bán lại. Tây khoái ăn tiệm bởi muốn người khác nấu cho mình ăn.
Làm việc gì đó để kiếm thêm thu nhập ở xứ người không hề dễ. Chẳng qua tụi nhỏ mê nấu ăn, tập tành để lượng sức mở một nhà hàng nho nhỏ bán món Việt. Nhà hàng Việt bên này thường bán nhiều món, phở và bún thịt xào là hai món cả Ta lẫn Tây đều khoái.
Dạo chợ ve chai, uống café làng
Có những nếp không đổi mà tôi ưa thích ở Pháp là chợ đồ cũ nhóm cuối tuần, có tên brocante, bên mình kêu là chợ ve chai. Brocante được gắn sao tùy theo qui mô lớn nhỏ. Chợ lớn nhứt 5 sao, thường nhóm ở Paris và vùng phụ cận. Search internet, tôi tìm thấy brocante 3 sao cách nhà 25km.
Xuyên qua các cánh đồng, những khu rừng trụi lá xám xịt, chúng tôi tới làng Bouville lúc 10 giờ sáng. Tôi mê những phiên chợ ở làng. Chợ nhỏ, vắng, nhưng thân thiện, dễ gặp những ông bà già Tây lịch sự, kỹ tính, bán những món đồ xưa vừa đẹp vừa lạ.
Chợ nhóm ngoài trời, với những chiếc xe tải nhỏ quây quần trên bãi cỏ ướt sương, mỗi xe kê một dãy bàn dọn đồ bán.
Tôi mua được vài món, chủ yếu dạo lòng vòng ngắm nghía. Có vẻ như những ông bà da trắng lớn tuổi thường bán đồ của mình dư xài, bày biện ngăn nắp. Những anh chàng râu ria nhanh nhẩu là dân Đông Âu, bán đủ thứ, chất thành nhiều thùng lộn xộn, dễ nhận ra là đồ ve chai nhặt nhạnh khắp nơi. Dân da đen, da nâu đông, tỏ ra chuyên nghiệp, hàng hoá nhiều và chọn lọc. Brocante nào cũng có một quầy café lưu động, vài xe bán trái cây chở tới từ các trang trại, bán giá cũng mềm.
Bước qua tiệm bánh mì, 12 giờ trưa cũng phải xếp hàng. Toàn người trong làng, họ chuyện trò vui vẻ, niềm nở chào hỏi khách lạ. Bánh croissant ở tiệm bánh làng bao giờ cũng ngon với nụ cười hồn hậu của cô bán bánh xinh đẹp, chuyện hiếm thấy ở Paris phồn hoa đô hội.
Bài và ảnh Đỗ Khuê (theo Giai phẩm xuân TGHN)
Ngày đăng: 8/2/2025
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này