
09:40 - 08/02/2025
‘Thèo lèo cứt chuột’ trong cuộc marathon hiện sinh
Chỉ vài ba cục kẹo nhỏ giòn tan, ngọt ngào, béo, bùi… ăn là ghiền là nhớ tới nỗi thần thánh cũng thèm. Vậy mà lạ, tên gọi nghe sao kỳ quặc, phàm trần “thèo lèo cứt chuột”?
Có lẽ khó tìm xác thực căn nguyên cội rễ “thèo lèo cứt chuột” có tự bao giờ. Xem qua cách làm kẹo cũng không quá cầu kỳ nên gần như mặc nhiên nó dễ thành món ăn chơi dân dã bất luận giàu-nghèo.
Quanh quẩn gom chung đường trắng, đậu phộng, mạch nha, mè vàng, mè đen… Cách thức chế biến, dù cho biến tấu gia giảm cân lượng theo vùng miền, địa phương là làm ra món kẹo ngon lành. Còn ai kiểm chứng, hỏi anh Google sẽ dẫn ra cách làm rành mạch.
Tuy cùng làm ra kẹo khá giống nhau, ở miền Bắc gọi là kẹo lạc mè đen, kẹo lạc vừng. Giới trẻ bây giờ thẳng ngay tên kẹo đậu phộng, mè đen, lạc vừng. Cho dù gì đi nữa, gọi tên tộc quen thuộc “thèo lèo cứt chuột” như xưa nay thêm phần ngộ nghĩnh, ăn theo gốc gác khắp các xóm lò bánh bà con dân tộc người Hoa – từ Sài Gòn dài về các tỉnh, thành ở miền Tây.
Bước qua tháng chạp, có lần về Cần Thơ ghé bên sông Ô Môn hiền hòa – nơi có xóm lò bánh Ba Rích lâu đời đỏ lửa ngày đêm. Một ngày ở đây trôi qua thật nhanh. Chiều buông, khói sương hòa quyện hương hoa đồng nội như còn phảng phất trong làn gió mát một chút mùi vani ngạt ngào.
Cùng dòng sông này, cách xóm Ba Rích không xa, dừng chân ghé qua nhà ông Mậu Phát (Trương Mậu Phát), mùi Tết khẽ chạm cận kề. Lò bánh Hiệp Phát của ông nay đã có truyền nhân – anh Đạt là người con trai nối dõi. Ông Phát (sinh năm 1939) đã vào hàng cửu thập, thế hệ thứ ba người Việt gốc Hoa (Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc). Từ buổi đầu thập niên 60-70 thế kỷ trước, ông Phát là một trong “tứ trụ” lão làng người Hoa, cùng thời với các ông Hóa, ông Su, ông Lón làm nghề bánh kẹo phất lên thành xóm bánh kẹo Trí Cao – ngày nay là xóm lò bánh Ba Rích ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn (Cần Thơ).
Ông Phát kể 12 tuổi đã theo học nghề bánh kẹo. Ban đầu làm công cho tới khi thạo việc thành thợ giỏi nghề mới “ra lò” khởi nghiệp. Lò bánh Hiệp Phát do ông tạo dựng cho gia đình. Nói về nghề làm bánh của người Hoa không thể nào kể ra cho hết hàng trăm món bánh kẹo gia truyền. Dù khó khăn gì cũng có cách vượt qua, nhưng khó nhứt hạng trong nghề bánh kẹo là làm sao tìm ra khẩu vị số đông người ăn, để rồi chọn lọc mỗi loại bánh kẹo ra hàng, trúng chợ.
Mà đâu riêng ông Phát, giới chủ lò bánh người Hoa hay người Việt thừa nhận, từ hồi nào tới giờ “thèo lèo cứt chuột” vẫn là một trong những loại kẹo ngọt bắt mạch được thị trường lâu bền hơn hết. Lúc đầu còn dựa theo tục lệ nhằm ngày cúng đưa ông Táo, Tết cổ truyền “thèo lèo cứt chuột” là không thể thiếu được. Thời nay xu hướng tiêu dùng đổi thay. Kẹo thèo lèo thành món thông dụng bốn mùa. Hễ tới tiệc tùng, ma chay, giỗ chạp, cưới hỏi… lúc nào cũng sẵn có dĩa kẹo thèo lèo.
Bên tách trà nóng sóng sánh trong xanh ánh vàng, ngó ra bờ sông ông Phát chậm rãi nhớ chuyện, giải nghĩa: Hồi đó kẹo thèo lèo – gọi theo tiếng Tiều (Triều Châu) là tề léo. Trong bộ tề léo bốn món (bộ nguyên liệu bánh kẹo người Hoa hay dùng bên bàn trà), gồm: Thèo lèo (tề léo), kẹo mè đen (âu mùa téo), cốm nếp (bỉ bang), đậu phộng dâu (xốc xa). Còn kẹo mè đen sao gọi là cứt chuột, vì là khi nhìn vào cục kẹo mè đen có hình thù hao hao giống như cục phân chuột nên tự đặt ra cái tên mộc mạc, dân dã dễ kêu để bảo sắp nhỏ ra chợ nhớ mua mà thôi…
Một thời nghề làm bánh “ăn nên làm ra” nhiều năm cực thịnh dần qua. Giờ thì ông Phát dồn hết kinh nghiệm truyền lại cho anh Đạt – người con trai kế nghiệp. Ông dặn dò, cốt cách làm ra cho mỗi cái bánh thật ngon, kẹo thèo lèo phải phối lượng, sên đủ lửa cho đủ vị ngọt ngào, giòn tan mà giữ mối bạn hàng; chớ vì chạy theo kiếm lời mà đánh mất tiếng nhãn hiệu bánh kẹo của nhà mình.
Tết năm nay anh Đạt vẫn bền chí giữ lửa nghề, lấy món kẹo “thèo lèo cứt chuột” nằm trong nhóm hàng chủ lực bán tết. Những mối thân quen các tỉnh đã gọi đặt hàng.
Nhưng dường như nhìn vào cuộc chuyển đổi thời hội nhập, trước làn sóng công nghệ mới sẽ là cuộc đua của nhiều chủng loại sản phẩm mới, cạnh tranh với các nhãn hàng tiếng tăm của các nhà máy lớn sẽ vất vả vô cùng. Người kế nghiệp kịp nhận ra cuộc chuyển đổi có phần quá sức đối với những thợ thủ công phải chạy ma-ra-tông nước bền.
Hữu Đức (theo Giai phẩm xuân TGHN)
Ngày đăng: 8/2/2025
Có thể bạn quan tâm
Bò ăn kiến hay kiến ăn bò!
Trà chanh đáng yêu ở miền McLeod Ganj
Đi thăm làng nữ thợ lặn – ama – ở Nhật
‘Xoá mù’ cháo bò Tri Tôn
Lộng lẫy mù sương Pelling
Tags:Thèo lèo cứt chuột
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này