
22:16 - 07/02/2025
Thẩu dưa món của má
Các từ điển miền ngoài đều giải thích dưa món là dưa góp. Từ điển ông Paulus Của và ông Lê Văn Đức trong Nam không có từ “dưa món”.
Theo đó, tôi ngờ rằng “dưa món” là tiếng gọi miền Trung để chỉ “Kính thưa các món dưa”. Những ai từng là kẻ quê đều hình dung đó là món cây nhà lá vườn, món gì trong vườn nhà tết làm dưa được thì làm.
Tôi chỉ biết ăn dưa món lúc đã lớn lớn. Ban đầu chỉ biết ăn món dưa đu đủ, vì nó không cay hăng nồng như hành, kiệu. Rồi đến cà rốt. Thấy người lớn ăn nó với bánh tét cũng bắt chước ăn. Ăn riết rồi mới ngộ ra cái đẹp trong hợp món ấy.
Dưa món dường như không thể thiếu cà rốt, tức củ cải đỏ của người Pháp nhập vào gây giống ở xứ mình. Hổng lẽ lại suy ra tiếp dưa món chỉ có từ thời có cà rốt? Suy này chắc chắn là trật lất. Nhưng không thể không công nhận cà rốt, ớt đỏ và ớt xanh làm cho dĩa dưa món ngày tết có vẻ tết hơn. Nhứt là cà rốt và ớt đỏ. Chúng nó, tờ lịch, pháo và áo em ngang ngõ nhà tôi đều vui áo màu. Đều tết mà!
Lâu rồi, lại chiến tranh tang tóc, nên cây nêu biến mất vì ma quỷ nội nghe tiếng đạn bom đã chạy mất dép, còn cần gì dựng nêu treo tràng pháo (cũng đã bị cấm vì không quản lý được hay vì sợ tiếng súng núp lùm tiếng pháo?). Vậy nên, dưa món là tín hiệu tết sớm bửng tưng của nhà nhà, ngoại lệ là chuyện trồng mai trồng hoa ngày tết ở một số nhà vườn. Cũng phải nói, bây giờ sống ảo, sống photoshop, sống AI nhiều, nên những điểm trồng hoa tết hay lòng mấy nàng sống ảo đang tết sớm khó can, thực khôn nói nên lời.
Thuở nhỏ, tôi rất thích phụ má làm dưa món. Nhứt là được sử dụng miếng “dao” xắt đu đủ, cà rốt hình lượn sóng. Mỹ học thô giãn đó má không dạy thì ai dạy. Lúc đó, tôi cảm nhận được miếng dưa đu đủ, cà rốt, củ cải trắng, xu hào hình lượn sóng đẹp gì đâu. Sau này còn cảm thấy sóng đẹp hơn vì chúng biết ăn thịt người, chúng làm nên cứu tinh, chúng bi tráng của cả dân tộc.
Dưa món nhà làm đúng là mất công thiệt. Hành phải ngâm nước tro, cho bớt hăng. Củ kiệu cũng vậy. Trước đó, còn phải lột từng củ hành, cắt rễ, lột kiệu cắt vẫn giữ một phần rễ. Hồi đó, lúc mông muội, má tôi vẫn dùng hàn the giữ cho dưa món có độ giòn. Về sau, biết được tác hại của việc tích tụ mãn tính muối borax trong nội tạng làm thiệt thân, nên người không dùng nữa. Tôi tưởng tượng lan man, biết đâu ông Nguyễn Kim bị ngộ độc mãn tính hàn the vì thích ăn chả cá dai – ông nào chẳng khoái chả, bà nào chẳng khoái nem. Thời đó, còn lâu mới biết hàn the độc hại. Ông thầy nào đó của Trịnh Kiểm thiệt cao tay trong vụ mưu sát ông già vợ của chúa Trịnh.
Hồi đó, còn nhỏ, nhưng tôi vẫn nhận ra dưa món má làm chua hơn dưa món một số nhà mà ba má tôi dẫn tôi đi thăm thú ngày tết. Nói trắng ra, với tôi là đi kiếm phong bao lì xì màu đỏ. Nó có khác gì áo em một thuở đi chùa ngang nhà những ngày xuân. Nó cũng tết mà!
Thẩu dưa món của má ngày đó chỉ có đu đủ, cà rốt, hành và kiệu. Tuy nó không “kính thưa các món” nhưng nó đại biểu. Những đại biểu của má không biết đốt pháo tay – loại pháo duy nhất không nằm trong lịnh cấm thời lịnh còn mới rợi, ngay cả chữ “pháo” cũng không được nhắc tới trên phương tiện truyền thông.
Tôi vẫn nhớ một thời trong nhà không làm lúa, nhưng má có đủ mâm, sàng, dừng để tôi đem chúng đựng các món dưa của má leo lên phơi trên mái tôn căn nhà ở khu gia binh, cho gà khỏi ý kiến bằng đôi chân và cái mỏ của chúng. Gà không ăn hành, kiệu, nhưng khoái đu đủ. Dưa món của má có vị chua, có lên men. Sau này tôi mới hiểu, có trường phái dùng đường và mắm rặt để ngâm các món nên dưa của họ không thực sự là dưa, không lên men. Dưa của má có lên men, để lâu, không cho vào tủ lạnh, coi như chua quá hư, không ăn nổi. Dưa của má màu vàng lợt chớ không sậm như dưa thiếu lên men.
Nếu như dưa cải có nghĩa tào khang với thịt mỡ kho tàu, dưa món lại duyên tấm mẵn với bánh tét. Nếu đô của bạn là hai lát bánh tét đậu mỡ, nhờ dưa món đô ấy có thể lên ba hay bốn lát. Ông bà mình phải nói là trình độ piano cao khi dựng lên các hợp âm ẩm thực ngày tết. Nào dưa cải – thịt kho, dưa món – bánh tét, hột vịt kho cuốn bánh tráng rau sống,…
Dưa món còn là “sãi đò” khi cùng với tôm khô, trứng muối đưa ta qua hết một con sông “Đế Hà”, người Tàu gọi là Uy-sĩ-ký (威士忌). Nền văn minh miền Trung vào tới Sài Gòn hội nhập với tôm khô miền Tây, trứng bắc thảo Chợ Lớn làm thành bản lớn Nam-Trung-Hoa lý.
Nhắc đến dưa món tôi ước mời má về hai mẹ con lụi cụi lột hành, tỉa kiệu, tỉa đu đủ, cà rốt, đem phơi, pha nước giấm đường, cho vào thẩu. Hai má con và thẩu dưa món bất diệt, má ơi!
Trần Bích (theo Giai phẩm xuân TGHN)
Ngày đăng: 7/2/2025
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này