
09:14 - 02/02/2024
Thái Lan và Malaysia dẫn dắt làn sóng ‘quốc gia khởi nghiệp’ ở ASEAN
Làn sóng khởi nghiệp ở Đông Nam Á trong năm 2023 nổi bật với chiến dịch “toàn dân sáng tạo” của Thái Lan hay các quyết định cải tổ hệ sinh thái ở Malaysia.

Chương trình Mỗi gia đình là một quyền lực mềm (Ofos) sẽ đưa 21 triệu hộ gia đình Thái Lan tham gia ngành công nghiệp sáng tạo nội dung. Ảnh: The Nation.
Đầu tháng 11/2023, Thái Lan đã công bố kế hoạch đào tạo hơn 20 triệu hộ gia đình ở nước này tham gia chương trình “Mỗi gia đình, một quyền lực mềm” với tham vọng tạo ra nguồn doanh thu mới trị giá 4.000 tỷ baht (hơn 112 tỷ đô la) trong bốn năm tới.
Kế hoạch này chia làm ba giai đoạn. Chính phủ sẽ phân bổ kinh phí đến các làng xã và cộng đồng để đào tạo miễn phí 20 triệu người gồm trẻ em, người lớn và người cao tuổi trong các lĩnh vực ẩm thực, võ Muay Thai, nghệ thuật, biểu diễn, ca hát, thiết kế, thời trang, thể thao điện tử… Dân số Thái Lan hiện ở mức 71 triệu người, tức là mỗi gia đình đều có ít nhất một người tham gia ngành công nghiệp sáng tạo nội dung.
Hội đồng Phát triển quyền lực mềm quốc gia được trao quyền ra quyết sách hay sáng kiến về phát triển quyền lực mềm. Cơ quan Nội dung sáng tạo Thái Lan (THACCA) với kinh phí 7-10 tỷ baht mỗi năm sẽ hoạt động theo mô hình thành công của Cơ quan Nội dung sáng tạo Hàn Quốc (KOCCA) trong việc thúc đẩy làn sóng Hallyu lan ra toàn cầu thông qua điện ảnh, âm nhạc, ẩm thực…
Rất ít quốc gia đổ nhiều tiền vào hệ sinh thái khởi nghiệp như Malaysia. Hệ thống này tràn ngập các khoản tài trợ và ưu đãi nhằm thúc đẩy và phát triển hệ sinh thái. Tuy nhiên, ý tưởng tốt dường như rơi rớt khi thực hiện. Nguồn vốn đến từ các cơ quan chính phủ hoặc công ty đầu tư có liên quan, có hơn 27% đến từ các quỹ đầu tư quốc gia. Theo tờ DealStreetAsia, trong lĩnh vực hỗ trợ khởi nghiệp, Malaysia có một loạt cơ quan chính phủ với nguồn quỹ riêng. Nhưng đầu tư dàn trải, chồng chéo, khiến việc sử dụng vốn và nguồn lực kém hiệu quả hơn kỳ vọng. Vì thế, việc sáp nhập các cơ quan nói trên được kỳ vọng sẽ giải quyết được vấn đề này.
Giữa tháng 10/2023, Malaysia đã thông qua ngân sách quốc gia (Budget 2024) lên đến 394 tỷ ringgit. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ phân bổ 28 triệu ringgit (5,92 triệu đô la) để nâng cấp hệ sinh thái khởi nghiệp do Bộ Khoa học, Công nghệ và Đổi mới điều hành có tên MYStartup. Sáng kiến này nhằm mục đích tối ưu hóa việc sử dụng số tiền lên tới 200 triệu ringgit hiện do nhiều cơ quan tài trợ và công ty đầu tư mạo hiểm quản lý.
Sau Budget 2024, chính phủ bắt đầu quy các quỹ đầu tư của nhà nước về một mối, miễn giảm thuế cho vốn đầu tư vào startup, lập kế hoạch lên sàn chứng khoán cho các startup lớn và hoạt động hiệu quả, đầu tư vào các ngành “giá trị cao, tăng trưởng cao”. Đó là lộ trình mới của chính phủ Malaysia nhằm đưa nước này lọt vào danh sách 20 hệ sinh thái khởi nghiệp hàng đầu thế giới vào năm 2030.
Malaysia là nước có hệ sinh thái khởi nghiệp mạnh thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore. Nhưng nước này không nằm trong “tam giác vàng khởi nghiệp” gồm Singapore, Indonesia và Việt Nam theo cách gọi của các nhà đầu tư.
Các startup Singapore và Indonesia vẫn tiếp tục dẫn đầu ASEAN. Việt Nam đứng thứ ba, về số dự án và số vốn huy động được. Tuy vậy, sức khỏe của các kỳ lân có vấn đề. Mức định giá của VNG – kỳ lân đầu tiên của Việt Nam – hiện chỉ còn 364 triệu USD, xoay quanh mức 25% của mức đỉnh điểm 1,5-1,7 tỷ USD. VNG bị giáng cấp do kỳ lân mười tuổi vẫn chưa có lợi nhuận và chưa lên sàn Nasdaq như đã tuyên bố trong quá khứ.
Hãng sản xuất game lừng danh Sky Mavis vẫn duy trì được danh xưng kỳ lân. Nhưng nhà đầu tư âu lo sau vụ tin tặc tấn công và đánh cắp hơn 620 triệu USD trong năm 2022.
Song Hảo (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này