
11:47 - 06/02/2025
Phụ huynh cùng con đồng hành khám phá tương lai
“Thầy ơi, với AI thông minh như vậy, sau này em… khỏi học được không?” Câu hỏi nửa đùa nửa thật của một cậu học trò lớp 10 trong lớp học về “Sử dụng AI trong học tập” mà tôi vừa giảng dạy đã khiến tôi phải dừng lại.

Sewell Setzer đã chọn rời xa cuộc sống sau nhiều tháng “phải lòng” một AI chatbot. Đó không chỉ là một hồi chuông cảnh tỉnh mà còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của sự đồng hành của cha mẹ với con cái trong thời đại số.
Đó không đơn thuần là một câu hỏi về sự cần thiết việc học, mà có thể là “lời kêu cứu” của một thế hệ trẻ đang loay hoay tìm kiếm định nghĩa về vai trò của mình trong thời đại mà ranh giới giữa con người và máy móc ngày càng trở nên mờ nhạt.
Một thế giới đang biến chuyển quá nhanh
Là một nhà giáo dục đã có gần 20 năm đồng hành cùng nhiều thế hệ học sinh và phụ huynh, cũng là người có cơ hội sử dụng và đào tạo sâu về vận dụng AI cho đa dạng học viên những năm gần đây, tôi nhận thấy chúng ta đang đứng trước một thách thức chưa từng có. Từ mô hình GPT-o3 mới công bố hôm 21/12 với khả năng tư duy và lập luận vượt trội, giải quyết được cả những bài toán khó nhất của nhân loại hiện nay, đến những công cụ AI có thể nhanh chóng thực hiện những bài nghiên cứu ở trình độ Tiến sĩ, giải quyết vấn đề, vận hành công ty, và thậm chí còn có thể thuyết phục con người thay đổi quan điểm một cách dễ dàng, chúng ta đang chứng kiến một sự tiến bộ thần tốc của công nghệ, với những bước nhảy vọt trong một năm còn nhiều hơn vài chục năm trước cộng lại. Năm 2025, ngân hàng Goldman Sachs dự báo đến năm 2030, AI có thể thay thế tương đương 300 triệu việc làm toàn thời gian, nhưng tôi ngờ rằng điều này còn có thể đến sớm hơn.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại hơn cả không phải là những con số thống kê, mà là cách thức AI đang thay đổi về bản chất cách chúng ta học, làm việc, và kết nối. Câu chuyện đau lòng về cậu bé Sewell Setzer – em đã chọn rời xa cuộc sống này sau nhiều tháng “phải lòng” một AI chatbot – không chỉ là một hồi chuông cảnh tỉnh, mà còn là lời nhắc nhở về tầm quan trọng của sự đồng hành giữa cha mẹ và con cái trong thời đại số.
Tại sao phụ huynh cần là người tiên phong?
Hai năm nay, tôi thường xuyên gặp những phụ huynh trăn trở với những câu hỏi như: “Con tôi dùng AI để làm bài tập, vậy có ổn không?”, “Làm sao để kiểm soát việc con sử dụng AI?” Nhưng có lẽ thay vì lo lắng về việc kiểm soát, chúng ta nên tự hỏi: “Làm sao để đồng hành cùng con trong hành trình khám phá này?”
Tôi vẫn nhớ câu chuyện của một người cha trong lớp học về AI dành cho phụ huynh. Ban đầu, anh rất lo lắng khi thấy con trai lớp 10 liên tục sử dụng ChatGPT. Nhưng thay vì cấm đoán, anh đã quyết định tự mình tìm hiểu và sử dụng AI trong công việc. Điều bất ngờ là việc này đã mở ra nhiều cuộc trò chuyện cởi mở và thú vị giữa hai cha con về công nghệ, về ranh giới giữa sự tiện lợi và sự phụ thuộc, về đạo đức trong thời đại số. Từ đó, anh và con có chung sở thích khám phá cách thức sử dụng AI sao cho hiệu quả mà vẫn không bị lạm dụng.
Bước đầu dễ dàng cho phụ huynh
Hành trình làm quen với AI không cần phải bắt đầu từ những điều phức tạp. Tôi có thể khẳng định rằng AI là công nghệ dễ sử dụng nhất hiện nay với bất cứ ai. Chúng ta không cần phải trở thành kỹ sư ô tô mới có thể lái ô tô, và AI cũng giống như vậy. Để có động lực, chúng ta hãy khám phá cách dùng AI tương ứng với những nhu cầu thực tế trong cuộc sống hàng ngày của mỗi người:
Thứ nhất, hãy bắt đầu với những công việc quen thuộc. Ví dụ như sử dụng AI để lập kế hoạch công việc, tìm kiếm thông tin, hay viết email. Trải nghiệm một thời gian, chúng ta sẽ dần cảm nhận được cả tiềm năng và giới hạn của AI. Trong bài viết này, tôi cũng gửi tặng bạn đọc một chatbot AI miễn phí, chạy trên nền tảng ChatGPT, có thể gợi ý cho bạn các cách thức sử dụng AI trong chính công việc của bạn.
Thứ hai, chia sẻ hành trình khám phá của mình với con. Kể cho con nghe về những thành công và cả những sai lầm khi sử dụng AI của mình. Điều này không chỉ giúp con học hỏi từ kinh nghiệm của cha mẹ mà còn tạo ra không gian đối thoại cởi mở về công nghệ. Con cái nên được học từ cả thành công lẫn thất bại của người đi trước.
Thứ ba, cùng con thực hành tư duy phản biện và phản tư. Khi con sử dụng AI để làm bài tập, thay vì lo lắng về việc con “phụ thuộc”, hãy hướng dẫn con cách kiểm chứng, đánh giá thông tin từ AI, hoàn chỉnh và nâng cấp nội dung bằng tư duy của chính mình, và tự đánh giá sự phát triển của bản thân trong toàn bộ tiến trình đó.
Xây dựng môi trường học tập lành mạnh cùng AI
Và tất nhiên, trách nhiệm giúp con lớn lên cùng AI không chỉ thuộc về phụ huynh. Môi trường học tập trong thời đại AI cần được xây dựng trên nền tảng của sự cân bằng và tính nhân bản. Nhà trường cần tạo ra không gian cho cả học tập truyền thống, học tập cá nhân hoá, và tương tác xã hội; cần tận dụng tối đa hỗ trợ của công nghệ để thúc đẩy tối đa sự phát triển của các kỹ năng con người.
Một ví dụ sinh động là cách một số trường tại TP.HCM đã tổ chức những “Câu lạc bộ AI” cho học sinh. Tại đây, các em không chỉ học cách sử dụng AI, mà còn được khuyến khích thảo luận, tranh luận về các vấn đề đạo đức, chia sẻ những trải nghiệm cá nhân, và cùng nhau xây dựng những nguyên tắc sử dụng AI có trách nhiệm. Dù sao thì chính thế hệ trẻ mới là những người làm chủ tương lai, và các em cần được thực hành dần trách nhiệm đó.

Phụ huynh cần kịp thời đồng hành cùng con trong việc sử dụng các công cụ như chatbot trong khi chúng học tập.
AI càng phát triển, chúng ta càng cần phải trở nên Con Người hơn
Quay trở lại câu hỏi của bạn học sinh mở đầu bài viết này, câu trả lời của tôi luôn nhất quán: “Em không cần học để thông minh hay biết nhiều như AI, nhưng cần học để trở thành một con người trọn vẹn, đủ nhân tính để được là chính em khi sống chung với AI”. Trọn vẹn ở đây không chỉ là về kiến thức hay kỹ năng, mà còn là về khả năng cảm nhận, suy nghĩ độc lập, và kết nối sâu sắc với người khác – những điều mà cho đến nay, vẫn là năng lực độc tôn của con người.
Trong hành trình này, vai trò của cha mẹ quan trọng hơn bao giờ hết. Chúng ta không chỉ là người bảo vệ con khỏi những rủi ro của công nghệ, mà còn là những người đồng hành, những tấm gương về việc sống có ý thức và trách nhiệm trong thời đại số.
Thời đại AI không phải là thời đại của sự thay thế, mà là thời đại đòi hỏi chúng ta phải định nghĩa lại về giá trị con người. Hãy nhớ rằng: AI càng thông minh bao nhiêu, chúng ta càng cần trở nên người hơn bấy nhiêu. Và con cái chúng ta cần những tấm gương về việc làm người đó ngay từ chính gia đình mình.
Đây không phải là một hành trình dễ dàng, nhưng đó là một hành trình đáng để chúng ta dấn thân – vì tương lai của con cái chúng ta, và vì một thế giới nơi tiến bộ công nghệ và giá trị nhân bản có thể cùng tồn tại và phát triển.
Lương Dũng Nhân (theo Giai phẩm xuân TGHN)
Ngày đăng:
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này