
16:55 - 16/02/2024
NNC Bùi Văn Nam Sơn: Con người sẽ luôn ôn bài học của mình
Chúng ta đã bước sang thế kỷ XXI hơn hai thập niên. Để tiếp cận được cái mới và làm chủ công nghệ mới không gì bằng việc chúng ta mở lòng đón nhận nhiều nền giáo dục với những giá trị tốt đẹp đã được định hình, đồng thời học lại bài học của ông cha mình dưới ánh sáng của thời đại.

Không nên có một nền giáo dục hay một triết lý giáo dục duy nhất, mà nên có nhiều nền giáo dục, nhiều triết lý giáo dục đồng hành.
TGHN vinh hạnh giới thiệu với bạn đọc những trao đổi rất thiết thực về giáo dục với nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn.
– Thưa ông, gần đây với sự phát triển vô cùng nhanh chóng của công nghệ, những giá trị mới đang dần dần được hình thành nhưng bên cạnh đó, thế giới trở nên bất ổn với thiên tai, dịch bệnh và đặc biệt là chiến tranh lại nổ ra do sự khác biệt về ý thức hệ. Làm thế nào để con người có thể vẫn gìn giữ được những giá trị nhân bản bằng giáo dục trước thảm họa?
– Bùi Văn Nam Sơn: Giáo dục là một sản phẩm và kết quả của xã hội. Con người vốn đã chuyển biến hàng ngàn năm, trải qua rất nhiều giai đoạn. Mỗi một xã hội như vậy sẽ định hình một quan niệm và cách thức giáo dục khác nhau. Tùy thời đại lịch sử mà cách xử lý vấn đề do yêu cầu của chính thời đại đó đặt ra. Mỗi khi có những biến chuyển lớn trong xã hội sẽ làm đảo lộn những giá trị cũ. Rồi chính vì sự đảo lộn các giá trị đó (từng khiến người ta hoang mang) nó sẽ tự giải quyết vấn đề khủng hoảng của nó. Thực tế lịch sử là như vậy. Nếu nói rằng con người lo sợ trước sự phát triển quá nhanh của công nghệ thì cũng đừng quên rằng nhân loại đã có hàng vạn năm chưa từng có công nghệ mới mẻ cho đến khi máy hơi nước ra đời đánh dấu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ nhất. Ngay lập tức đã có nhiều người lo sợ rằng “cơ khí” sẽ biến thành “cơ tâm”. Họ nghi ngại sự phát triển của cơ khí vì cho rằng như vậy con người sẽ thành máy móc hết. Cuộc cách mạng này đã trải qua hơn hai trăm năm đến nay là lần thứ tư rồi. Mỗi lần như vậy chúng ta đều hốt hoảng, báo động. Nhưng chúng ta không thể cản được vì đó là quy luật của phát triển. Thay vì lo âu thì nên giải quyết những vấn đề của nó đặt ra chứ không thể tìm cách chặn đứng nó. Hết sợ “cơ khí” thành “cơ tâm” thì bây giờ lại sợ con người thành robot. Rồi nó sẽ đến thôi (cười). Vấn đề là anh sẽ xử lý thế nào chứ không thể ngăn cản được. Anh càng bảo thủ, càng kiềm chế xã hội phát triển thì càng đi ngược với quy luật tự nhiên dẫn đến sự đổ vỡ, lạc hậu và bị nghiền nát bởi lịch sử. Bao nhiêu lần người ta đã thử bế quan tỏa cảng không tiếp xúc với những nền văn minh để bảo vệ xã hội cổ truyền của họ. Kết quả là chính họ bị tụt hậu, bị chà nát, bị mất nước, bị làm thuộc địa, làm tay sai, làm nô lệ. Đó là bi kịch của những xã hội không có sự cởi mở. Đây không phải là đặt vấn đề một cách cực đoan mà cho chúng ta thấy rõ rằng chỉ có một con đường là đi theo sự phát triển một cách khôn ngoan để tiến lên.
Có một đặc điểm ở con người nói chung đó là con người vốn sinh ra không phải là một ông cụ già đã có một trăm nghìn tuổi! Chỉ chừng cách nhau một thế hệ đã hầu như là một loài người mới. Lại là đứa bé chập chững, bập bẹ năm ba câu nói, từ bài học vỡ lòng… và phải trải qua bao nhiêu thử thách để trưởng thành. Nói cách khác, con người luôn phải tự học lại và kế thừa những bài học của giống loài của mình và đó cũng chính là thành tựu vĩ đại nhất của giáo dục. Thành tựu giáo dục không được di truyền một cách tự động. Việc làm lại từ đầu trong quá trình hình thành từ một đứa trẻ lớn lên đến trưởng thành là một sự phát triển theo quy luật khách quan. Và vì thế nó chấp nhận việc trải qua khủng hoảng, đau khổ, thất vọng… để tìm đường vươn lên, xác định lại một cách thức sống cho phù hợp với thời đại của mình. Và giáo dục chính là phương tiện cơ bản để trợ giúp cho sự sinh tồn và phát triển trên cơ sở trải qua hết những kinh nghiệm của giống loài. Lịch sử giáo dục không là gì khác hơn con người học lại những bài học của giống loài mình trong điều kiện mới để cho ra một nhân loại mới.
– Vậy mục đích của việc “học lại” ấy là gì?
– Mục đích của giáo dục suy cho cùng để cho người ta thấy rằng người có học thì có thể dùng lý lẽ để nói chuyện thay vì dùng bạo lực. Giáo dục giúp con người nhận ra rằng có nhiều cách để giải quyết xung đột như: đối thoại, tương giao, sử dụng lý trí, nhân tính của mình và những đặc điểm riêng có của con người để có thể tránh chiến tranh, đổ máu. Nhưng thực tế cũng cho thấy, đó là cái đóng góp căn bản của giáo dục chứ không phải là một phép màu, để ảo tưởng rằng qua giáo dục thì tất cả con người sẽ tử tế và tốt đẹp với nhau. Xét theo điều kiện khách quan, bên cạnh giáo dục để xây dựng, con người cá nhân còn phải sống trong một thế giới độc lập với ý muốn của mình. Cho nên chiến tranh, nghèo đói, bất công… vẫn diễn ra. Ta cũng không nên thất vọng vì giáo dục cũng không thể nào làm cho mọi người hòa hợp với nhau được mà cần thấy rằng mục đích của giáo dục là làm giảm sự xung đột chứ không thể xóa bỏ hoàn toàn. Vì trong thế giới con người, bên cạnh giáo dục còn bao nhiêu động lực khác như quyền lực, lợi ích kinh tế, địa chính trị…
– Tuy vậy, những giá trị giáo dục chuẩn mực liệu có giúp xã hội ổn định và phát triển hay không và đó là những mục tiêu gì?
– Trong xã hội hiện đại, theo tôi, có ba lãnh vực thật sự giúp cho việc phòng tránh bạo lực để bảo vệ và phát triển xã hội. Ba lĩnh vực này sát sườn với hiện thực đời sống con người. Một là sự an toàn cá nhân, giúp cho con người cảm thấy vững tâm, không phải sống trong “trạng thái tự nhiên” (“người là chó sói với người”, nói như Thomas Hobbes) trước một thế giới luôn có chiến tranh, nghèo đói, cái ác xấu… Chính vì vậy mà quyền dân sự cần phải được bảo đảm. Ở đây, vai trò của cảnh sát và tòa án là rất quan trọng. Để đảm bảo cho người dân quyền được sống trong một môi trường an toàn mà không bị đối xử bất công và tùy tiện thì các lực lượng bảo an và tòa án phải giữ được sự tôn nghiêm. Có thể không tuyệt đối được nhưng cần cố gắng giữ cho nó ít bị ô nhiễm chừng nào tốt chừng nấy. Giáo dục trước nhất là phục vụ cho vấn đề này, muốn vậy phải làm sao để những người làm công việc bảo an và tòa án được hưởng một nền giáo dục công chính.
Thứ hai là an toàn thân thể. Sức khỏe luôn là điều thiết thân của con người. Đây chính là vấn đề an sinh. Làm thế nào để y tế và dịch vụ an sinh xã hội trở thành lãnh vực tối hệ trọng bởi nó là vấn đề sống còn của con người cụ thể bằng xương bằng thịt. Hai lãnh vực trên đây mà không có nền giáo dục phù hợp để giữ gìn sự nghiêm minh của nó thì sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ đe dọa tính mạng con người hơn hết.
Thứ ba, là giáo dục theo nghĩa hẹp. Đó là nhà trường và các hoạt động giáo dục nói chung lại càng cần phải giữ gìn được sự trong sáng và cao cả của nó. Nếu nói hai lãnh vực kia là bảo vệ cho phần thân thể thì lãnh vực trí dục và đức dục này bảo vệ cho phần tinh thần, tâm hồn của con người. Trí dục và đức dục là hai lãnh vực cần phải được chú trọng hơn cả bởi chúng dễ bị xâm phạm và ô nhiễm nhất.
Nói một cách cụ thể, ta có thể thua thiệt lúc này về chính trị, thất bại về quân sự, kiệt quệ về kinh tế, bị thiên tai dịch bệnh… đó là những bi kịch nhất thời, song đều có thể khắc phục được. Nhưng ba lãnh vực trên mà bị xâm phạm, không còn giữ được sự trong sáng, tôn nghiêm thì đó mới là đại họa.
Cho nên, giáo dục không nên hiểu theo nghĩa hẹp mà nên hiểu giáo dục chính là bảo vệ và xây dựng xã hội an toàn. Việc bảo vệ một nền giáo dục công chính cũng không kém tầm quan trọng như bảo vệ an ninh quốc gia.
– Thế giới đã bước sang thập kỷ thứ ba của thế kỷ XXI, theo ông, chúng ta có thể giảm thiểu bạo lực bằng cách học hỏi lẫn nhau, tôn trọng sự phát triển của khoa học, phát triển tâm linh để con người có niềm an ủi và hy vọng cho một nhân loại thái bình mà con người có thể tìm thấy sự bình an trong tâm hồn ngay từ nhỏ bằng thiền định hoặc bằng một lý thuyết mới về đấu tranh bất bạo động hay không?
– Đây chính là điểm thứ tư, điểm cuối cùng tôi muốn nói tới: đó là không nên có một triết lý giáo dục duy nhất nào! Trải qua mấy nghìn năm, thử hỏi có nền giáo dục nào mà cuối cùng được đánh giá là đúng đắn hay anh minh nhất? Vì vậy không nên có ảo vọng về việc có một triết lý giáo dục “tuyệt hảo” thống nhất cho toàn xã hội, hay thậm chí cho toàn thế giới.
Theo tôi chính là càng có nhiều triết lý giáo dục cùng đồng hành, tịnh hành để cùng nhau phát triển thì giáo dục càng phong phú, đa dạng. Bạn vừa đưa ra câu hỏi liệu có thể có một nền giáo dục kết hợp khoa học và thiền định được hay không? Tại sao không? Có thể gọi đó là triết lý giáo dục Phật giáo được phép lưu hành công khai và được hoàn toàn tôn trọng bên cạnh nền Thần học và giáo dục Ki-tô giáo cùng với những đức tin khác hay bên cạnh nền giáo dục nhà nước phi tôn giáo… Còn cái gì phản nhân văn, phản con người thì tự động nó bị đào thải vì xã hội đủ ý thức để tự vệ.
Xã hội đa dạng, phong phú chừng nào thì nền giáo dục trưởng thành chừng đấy, bởi vì nó tin vào con người. Hiện nay trên thế giới có vô vàn các lý thuyết khác nhau về giáo dục. Và nếu ta chấp nhận sự chọn lọc tự nhiên thì chính cái chọn lựa tự nhiên này sẽ phù hợp với dân tộc, với xã hội và truyền thống của đất nước mình. Quốc gia nào cũng có chủ quyền về giáo dục bên cạnh chủ quyền về lãnh thổ, về tài phán… Nhưng cũng vì thế mà mỗi quốc gia cần có sự sáng suốt, khôn khéo để tạo điều kiện cho nhân dân mình mỗi ngày được tiếp cận nhiều chân trời để bước lên tầng cao hơn. Đó cũng chính là sự phát triển tâm thức của con người: Học bài học của giống loài mình và học bài học từ những cộng đồng khác. Nước nào mà nền giáo dục được đón nhận nhiều chân trời thì nước đó người dân trưởng thành, dày dặn kinh nghiệm và con cháu của họ sẽ luôn ôn lại bài học của tổ tiên họ. Xin được phép nhắc lại ở đây hai câu cổ thi: “Dục cùng thiên lý mục, cánh thướng nhất tằng lâu” (Muốn nhìn xa nghìn dặm, hãy lên một tầng lầu).
Vì thế việc thu hẹp chân trời là điều dại dột nhất của một dân tộc hay của một thời đại vì đó cũng chính là nguy cơ dẫn đến sự cực đoan, cuồng tín hay mù quáng mà gây ra bạo động. Một khi chỉ đi theo một con đường mà không biết những con đường khác dẫn đến chân trời khác thì chắc chắn sẽ xảy ra sự xung đột, dẫn đến việc bắt người khác phải phục tùng. Cái cuồng tín nguy hiểm nhất không phải nằm trong tôn giáo mà nó thể hiện rõ nhất trong giáo dục. Giáo dục cuồng tín dẫn đến tôn giáo cuồng tín dẫn đến chính trị cuồng tín dẫn đến bạo động… tất cả là do giáo dục mà thôi. Người ta thường bảo thật đáng buồn khi con người không hề đọc sách, nhưng càng nguy hiểm và đáng sợ hơn khi người ta chỉ biết đọc và tin một cuốn sách!
Tóm lại, không nên có một nền giáo dục hay một triết lý giáo dục duy nhất, mà nên có nhiều nền giáo dục, nhiều triết lý giáo dục đồng hành, cho phép cộng tồn, đó mới chính là ý nghĩa của giáo dục đích thực.
Với các bạn trẻ, mỗi khi mở ra một chân trời mới có thể gây ra hoang mang, nhưng đó là cái hoang mang cần thiết của giáo dục. Càng hoang mang càng cần phải khám phá và rồi sẽ vươn tới những chân trời mới. Và khi đã mở ra rồi các bạn sẽ tự vượt khỏi lũy tre làng, tự biết mình đang ở đâu. Mặt khác, cần mở ra cho thế hệ trẻ nhiều lựa chọn. Tôi nghe nói gần đây có chủ trương cho phép các trường tự lựa chọn sách giáo khoa, đó có thể là một lựa chọn đúng hướng. Tóm lại, như tôi đã nói, con người sẽ luôn học lại những bài học của giống loài, từ thế hệ này sang thế hệ khác một cách miên viễn.
Xin cảm ơn ông!
Ngân Hà (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này