
09:55 - 08/02/2025
Nhìn mưa từ mái tranh ở Suối Trăng
Ở phố, ngoài trời đang mưa giọt gianh, mưa nặng hạt mà lại âm thầm nhớ mưa phùn gió bấc ở tận Suối Trăng.
Có rất nhiều chuyến đi trong đời một con người, và sau đó quên lãng. Nhưng nhìn mưa giọt gianh ở Suối Trăng tôi chợt nhớ nhà thơ dịch giả Tạ Minh Châu, khi còn sống, ông nói về sự khao khát được đi và ông đã đi tới đích, được hơn một trăm nước trên thế giới, ở những nơi đẹp nhất của góc biển chân trời, nhưng cuối cùng ông chỉ nhớ về cây rơm và bóng mẹ già ở góc hiên nhà. Rồi một lần khác tôi gặp bà cụ Dưa ở Suối Trăng chưa bước chân ra khỏi bản làng, bà cười hạnh phúc, chẳng kém gì một nhà thơ từng đi được hơn bà vạn dặm.
Tôi bị ám ảnh lúc tảng sáng, bởi câu hỏi rằng xê dịch và không xê dịch có hạnh phúc như nhau hay không.
Suối Trăng là một bản nhỏ heo hút vùng biên giới huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Chuyến đi, tôi phải vượt qua những con đèo Bụt, đèo Khe Vai, lắc lư ở đèo Kéo Thưa, Phai Tre, rồi nhắm mắt thở sâu ở Khuổi Luông, Đin Đeng. Nhìn dốc núi, phải nín thở để rồi cũng lên được bản Khuổi Trang, dân bản địa gọi là Suối Trăng. Chao ơi đẹp như Suối Trăng, là có thật. Một vệt rơm rạ bó như cái chiếu rơm vàng, dọc đường, hoa cái vàng bên bờ giậu thưa, mấy đám khói và mùi rượu ngô hắt lên. Một chị đang gánh lá dong trên đường núi. Lý do lấy lá dong mai gói bánh chưng, bánh giầy. Bản làng Suối Trăng còn đơn sơ, dân dã của lối sống người dân tộc Mông, Tày, Nùng di cư lên đây. Phên giậu của cửa ngõ biên giới là đây. Cạnh nhà đã là rơm rạ, củi khô, ngải cứu và ánh trăng như treo ở góc đống rơm. Chạm mắt ở cảnh này, nghĩ, ở phố tìm đâu ra? Tôi mê núi và hay lên núi, nên đêm về thức trắng trò chuyện với em Giàng Thị Thưa, ngồi bên bếp lửa và bó củi khô dự trữ. Nhà rộng vì chẳng có gì ngoài mấy bao thóc ở sát mé đầu hồi. Sáng sớm em đã dậy làm đậu phụ bán ở nhà. Ở bản Suối Trăng chưa có chợ, nơi còn thiếu từ cái kim sợi chỉ, thiếu lọ dầu xoa đến chai nước mắm, hạt muối. Muốn đi chợ phải đi bộ mất gần nửa ngày, đường núi mùa xuân bùn trơn trượt. Đời khó nhọc là thế mà em Thưa bảo không thể bỏ Suối Trăng. Vì ở đó còn có hai con thơ, dù chồng em mới mất vì cái bừa ở thửa ruộng trên rơi xuống người. Ruộng bậc thang đã cướp anh ấy đi rồi. Anh ấy bỏ em đi như một cơn gió: trước đó anh kêu em: “Mai ta không đi cày nữa đâu? Không gieo ngô mà trồng đậu đi”. Ngỡ rằng anh nói vui. Anh bỏ đi thật, không cày bừa nữa. Em phải nuôi con một mình. Vừa trồng đậu, mà năm đó đậu được mùa bội thu. Rồi hình như anh dắt tay chỉ giúp em làm đậu phụ, bán tạp hóa, bán dầu hỏa và hàng khô. Hôm nào đi núi về thì phơi hoa hồi, quế chi, cứ làm trăm thứ việc nuôi con. Nhà chẳng có đài đóm gì, chẳng có ti vi ngoài cái điện thoại cục gạch. Em có nuôi con heo và một con bê, chuồng tít tận trên đồi kia. Một ngày của Thưa từ sáng sớm đến tối khuya, chỉ để lo cho hai đứa con ăn học. Khi nào rảnh thì thêu thùa váy áo cho con.
Nhà bà ngoại ở cũng gần cách có vài ruộng rạ, bà cũng hay xuống nhà cho đỡ hiu vắng. Bà con ở núi sống đùm bọc nhau, nhà có tốc mái, hay cần lợp lại hiên nhà, đều nhờ được bà con lối xóm giúp đỡ. Ở đây phên giậu cuối cùng của huyện, nhìn đâu cũng rừng núi, không có đèn đường, thì có trăng. Bản làng, nhà ai liên hoan mừng nhà mới cơm mới thì chạy vào rừng bắt ngan vịt, hái rau rừng. Có thể nói người dân ở đây biết bảo vệ rừng vì rừng cưu mang họ từ đõ ong rừng, măng tre, hoa quế, hoa hồi đủ nuôi sống an cư ở Suối Trăng.
Bà cụ Dưa vừa đi hái rau cải về, vườn cách có mấy bước chân, bà cười móm mém tay che miệng rồi bảo: “Miệng chả còn cái răng nào, ăn trầu cũng phải giã mỏi tay mới ăn được”. Cả đời bà cụ Dưa, mẹ của Thưa chưa ra khỏi cái chợ huyện, chỉ lên núi trồng hoa hồi, bà ước đến mùa hoa, theo con hái cành thấp, vác về phơi phóng để dành bán giáp tết cho có giá hơn, mua sách vở áo váy cho cháu.
Bà Dưa cười, nhiều lúc ở trong nhà buồn thì ra cửa đứng trông xem có ai đi qua, chiều muộn cháu mới đi học về. Ở núi vẫn lạnh thấu xương, rời xa bếp lửa đứng ngóng cửa cũng lạnh, nhưng mà vui. Ở bản có người dưới xuôi lên đây xem bản thì cả thôn ra ngóng. Mặc áo đẹp ra đón khách, với đôi dép tổ ong sứt quai, cũng diện áo hoa ra đón khách. Họ lùi sắn, nướng ngô, nướng thịt cho khách ăn. Nhà của Giàng A Nhù, có con trai đang múa khèn mừng em vào cấp ba trường huyện. Con cái học hết phổ thông, là cả nhà ăn mừng. Ngả gà vịt ngan ngỗng, cả heo rừng liên hoan trong dịp tết. Thấy khách dưới xuôi lên bản thì cả làng mặc áo mới ra đón, vui như tết. Hạnh phúc bình dị lắm đâu có xa xôi gì ở nơi Suối Trăng. Đường đến bản đi qua con suối trong vắt, tre trúc phủ hai bên suối, gà gáy vọng ra ở một ngôi bếp nào đó. Ở một nơi chỉ nghe nước suối trong vắt chảy dưới đá xám, rồi tiếng gà trống đập cánh gáy vang, trên đầu chim ngũ sắc hót như dàn giao hưởng, hạnh phúc của Suối Trăng là đây chứ đâu. Cảm giác được tự do, vòm ngực nở ra, được thở với nước với cây và với núi, cơ thể không bị giam lỏng trong ngôi nhà chật bê tông, hơi thở giam cầm trong máy điều hòa như ở phố thị.
Tôi đã vượt qua nhiều ngọn đèo cao dốc sâu, ngược lên vùng đông bắc, lên núi, về với bản làng đơn sơ nhìn bếp lửa buổi tối để ký ức hồi sinh sau mỗi chuyến đi. Ký ức đem cộng cả đau khổ mất mát vào hạnh phúc đã là một gia tài cho kẻ “ngứa chân” hay đi gặp gỡ thiên hạ rồi kể lại câu chuyện vào mùa xuân.
Bài và ảnh Lộc Vừng (theo Giai phẩm xuân TGHN)
Ngày đăng: 8/2/2025
Có thể bạn quan tâm
Bodhgaya – thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa
Bùng nổ du lịch hè: ‘Nóng hơn gió Lào’
Khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 8 triệu lượt
Dọc đường gia vị miền Trung
Vơi chén quan hà nhớ Dương Quan xưa
Tags:Suối Trăng
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này