
09:19 - 17/01/2023
Nhà sản xuất bao bì thiết tha với môi trường
Anh Trần Việt Anh là kỹ sư cơ khí, tốt nghiệp đại học Bách Khoa năm 1963, được phân công về Bộ Lương thực và sau một thời gian, dù thuộc gia đình cách mạng lúc đó rất coi trọng truyền thống, anh cũng đã xin ra làm tư nhân.

Ông Trần Việt Anh (bìa trái) tại một hội thảo về đóng gói bao bì – thị trường nội địa và xuất khẩu tại TP.HCM ngày 22/12/2022.
Anh kể rằng anh bắt đầu mở công ty (Nam Thái Sơn) và bắt đầu xuất khẩu năm 2002, lúc đó ở Việt Nam vẫn dùng bao bì bình thường để bán hàng trong khi các nước Âu Mỹ đã chuyển qua hạn chế túi ni lông dùng một lần.
Tình hình sản xuất & sử dụng bao bì trong nước và xuất khẩu
Dù nhà nước bắt đầu có chính sách áp dụng thuế môi trường từ mùng 1 tháng 2 năm 2012 thì tình hình xây dựng, công bố và thực hiện các qui định, chính sách về sử dụng bao bì bền vững vẫn chưa đồng bộ, chưa được chú ý đúng mức. Cho nên sau một thời gian báo chí ca tụng bao bì không gây ô nhiễm (như ngợi khen các cửa hàng, siêu thị dùng lá chuối gói hàng) thì tình hình chung cũng chưa thay đổi bao nhiêu, mọi người đều dùng túi bình thường, nếu làm thêm kiểu sinh học tự hủy thì bị đắt thêm đến mấy ngàn đồng, nhưng khi chính sách đưa ra thì mình có thể ứng biến kịp thời.
Còn sản phẩm xuất khẩu thì mình đều làm theo yêu cầu và chỉ dẫn rất cụ thể. Tất nhiên mình cũng phải thay đổi, phải học hỏi rất là nhiều lúc đầu.
Ở thị trường trong nước, nhiều siêu thị tuân theo yêu cầu nhà nước là dùng túi tự hủy nên chúng tôi bắt đầu làm túi cho siêu thị. Còn khách hàng xuất khẩu thì họ giới thiệu với nhau tìm đến các công ty sản xuất bao bì phù hợp thông lệ quốc tế vì mình cũng vào loại công ty hiếm hoi có giấy phép của Bộ Tài nguyên Môi trường.
Sự lựa chọn đầu tư máy móc cho loại bao bì này là rất vất vả vì dễ cảm thấy sản xuất cái này thì lợi nhuận rất là thấp do giá thành rất là cao và nguyên vật liệu thì phải nhập và mỗi lần “test” thì chi phí đến hơn một tỷ cho một sản phẩm. Các công ty quốc tế lựa chọn chúng tôi với túi tự hủy sinh học là vì đúng chuẩn thân thiện với môi trường.
Việt Nam chúng ta hiện nay đang đi sau các nước về các qui định và chính sách về bao bì. Chúng ta chỉ tập trung vào mỗi cái TÚI XỐP còn hầu hết những vật phẩm tiêu dùng khác có hại hơn cho môi trường như các đồ vật bằng cao su, hộp cơm bằng mút xốp, ống hút, ly nhựa… thì chúng ta cứ để dùng tự do tức là qui định chúng ta không xuyên suốt. Mà những thứ như xăm lốp cao su hay hộp cơm có hại nhiều chứ.
Việt Nam chúng ta có khoảng 1.000 doanh nghiệp nhựa thì chỉ có khoảng 30 doanh nghiệp là được cấp phép sản xuất bao bì sinh học tự hủy thôi.
Và ở Việt Nam hiện nay chúng ta không làm tốt cái công tác phân loại rác thải tại nguồn và thêm nữa là việc tái chế gặp nhiều khó khăn vì các vật phẩm có nhiều thành phần nguyên liệu khác nhau không thể tái chế một lần được nên lại chẳng ai tìm cách tái chế nữa.
Cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu rất căng thẳng. Đối thủ lớn nhất là Trung Quốc, kế đó là Thái Lan, Mã Lai, Indonesia đi trước chúng ta từ lâu, tính chuyên nghiệp cao nên ta muốn xuất khẩu phải thông qua các công ty thương mại Singapore và vì vậy mình không biết người tiêu dùng muốn gì, cần gì. Dần dần cũng có khách hài lòng tìm đến mình nhưng cái GIÁ của TQ thấp quá, nó đè mình rất nặng. Mình cũng chú ý hơn những cái niche (ngách) mà có khi các nước chê nhỏ không làm và mình cũng giữ được khách với lượng lớn như bao bì đựng phân chó (đi dạo trên đường) hay bao bì nhỏ để phụ nữ bỏ các loại rác đặc biệt.
Truyền thông cho hành động kinh tế xanh
Muốn đẩy nhanh việc nhận thức sự cần thiết và đồng tình việc sử dụng bao bì tự hủy hay bao bì bền vững là điều rất tùy thuộc vào ý thức của người tiêu dùng. Số đông người tiêu dùng Việt Nam vẫn còn chuộng cái gì có giá rẻ, tiện lợi chứ ít quan tâm đến tác hại lâu dài đến môi trường. Và khi chính sách chưa ép buộc và có chế tài thì họ vẫn cứ “tà tà” chẳng quan tâm gì khi sử dụng bao bì trong sinh hoạt hay thương mại.
Thực tế đã cho thấy: Ca tụng kinh tế xanh về lý thuyết là việc dễ, ai cũng có thể làm, nhưng xây dựng thói quen hành động hàng ngày là rất khó.
Truyền thông, giáo dục cho người tiêu dùng cùng tham gia bảo vệ môi trường, thực hành kinh tế tuần hoàn là chuyện vô cùng khó. Chọn sử dụng sản phẩm tái chế, ý thức đưa sản phẩm của mình đã sử dụng vào tái chế là chuyện phải đi từ giáo dục cho tuổi nhỏ, với nền giáo dục căn cơ từ tuổi nhi đồng mà hình thành nhận thức và thói quen. Ngoài giáo dục, chính sách, doanh nghiệp có thể thúc đẩy ý thức qua việc tặng quà khuyến khích hay hỗ trợ khi mua sản phẩm tái chế.
Về công nghiệp tái chế
Về tái chế, ở Việt Nam còn tùy thích nhưng ở Âu Mỹ, xuất khẩu hàng họ đã có qui định ép trong thành phần nguyên liệu phải có tỷ lệ phần trăm nguyên liệu tái chế mà nguyên liệu này phải có chứng nhận của một đơn vị tái chế, có nghĩa để giảm tỷ lệ nguyên liệu nguyên sinh được sử dụng. Rồi sẽ xảy ra tình trạng vui là các nước giàu thì đề cao sản phẩm dùng nguyên liệu tái chế còn nước nghèo thì cứ là toàn bộ nguyên liệu mới tinh. Ở ta còn chê nguyên liệu tái chế là xấu, là dơ, là hôi bốc mùi chứ thực tế thì những quần áo may bằng bã cà phê, sợi bạc hà, sợi sen… ở các nước đang là mốt, được ưa chuộng, tôn trọng hơn hàng mốt thượng lưu.
Mà nước mình, ngay cả ngành sản xuất cũng không được “hot” bằng các ngành hái ra tiền như bất động sản và chứng khoán. Nhiều năm, tôi xây dựng nhà máy, luôn đi thuê đất dành hầu hết vốn để mua máy móc thiết bị. Sau nhiều năm, giá trị nhà máy của tôi không sao bằng các bạn xây nhà máy nhưng máy móc vừa phải và quỹ đất xây nhà máy lại tăng giá vù vù. Người ta không đi làm sản xuất chân chỉ hạt bột, vừa cực khổ, vừa rủi ro và đầu tắt mặt tối. Khách hỏi tôi, tại sao không khi nào được một nhà sản xuất Việt Nam mời đi ăn lễ kỷ niệm trăm năm, hai trăm năm… thì đó là nền sản xuất của mình còn non trẻ mà tình trạng một gia đình truyền nhiều đời làm nghề sản xuất cũng hiếm khi có công ty kinh doanh hàng mấy chục, trăm năm cũng không bằng người ta đầu cơ vào đất, kiếm tiền gấp nhiều lần mà nhẹ nhàng. Bạn tôi làm ở một công ty du lịch kể rằng khách doanh nhân quốc tế đến Việt Nam làm ăn thì 7 đến 80% khách sau khi nhận phòng khách sạn xong là đi thẳng xuống các nhà máy xem hàng, đặt hàng, xem máy móc… hay về các khu VSIP của Singapore chứ có mấy ai tới Việt Nam đi coi bất động sản đâu?
Chính lực lượng lao động trong sản xuất là cái nôi đào tạo ra những công dân mang tính chất công nghiệp và tính kỷ luật rất cao của công nhân đứng máy, những người thợ sản xuất mới làm ra những sản phẩm có chất lượng cao, xuất khẩu, những thương hiệu lớn của đất nước.
Vũ Khánh (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này