
10:54 - 05/02/2025
Mùi phấn hương có mang nợ trần ai
Sân khấu Hoàng Thái Thanh dựng lại vở “Nửa đời hương phấn”. Nhắc đến tên vở diễn, tôi đã như nghe tiếng nức nở, những giọt nước mắt sa trên đời cô The trong tiếng vọng cổ mùi mẫn ngày xưa.
Dựng lại “Nửa đời hương phấn” trên sân khấu kịch thời nay là một sự dũng cảm và phải có khả năng tái tạo lại những kịch tác xưa mang màu sắc hiện đại, mới dám làm. Được biết từ năm 2015, sân khấu Hoàng Thái Thanh đã cho dựng lại vở này trên sân khấu kịch. Và “Nửa đời hương phấn” cũng đã từng được dựng thành phim “Bẽ bàng” do đạo diễn Thái Phúc Nha sản xuất năm 1961. Về sau năm 1989 lại được viết thành tiểu thuyết cho nhà văn Mạc Tuyền chấp bút. Để cho thấy “Nửa đời hương phấn” là một vở kinh điển của sân khấu miền Nam, nó đã trở thành một phần của đời sống nơi này.
“Nửa đời hương phấn” một lần nữa tái hiện trên sân khấu kịch với một số cải biên nhỏ về cái kết và lời thoại, nhưng giữ lại toàn bộ câu chuyện cuộc đời của một cô gái quê bị một tên ma cô lường gạt đưa lên thành phố để đẩy cô vào con đường làm gái bán hoa. Tuy xuất thân từ một gia đình gia giáo nhưng lại mang tính nho giáo khắt khe và lạc hậu, vốn ngây thơ lại nhẹ dạ cả tin, khi bị rơi vào hoàn cảnh bị chà đạp khốn cùng, The vẫn không làm gì hơn là chịu đựng chấp nhận thân phận khốn khổ của mình. Cô chỉ vùng lên khi người em gái của cô suýt bị tên ma cô hãm hại. Điều này có nghĩa là cô hoàn toàn phó mặc cho thân xác và cuộc đời của mình bị đưa đẩy vào đâu, miễn là người thân của cô an toàn. Nhưng cô không biết rằng một khi chính cô không an toàn thì không có ai an toàn cả, và vì thế cô đã để cho kẻ xấu bước vào phá nát đời mình và cả gia đình mình. Từ một người con có hiếu biến thành tội đồ. Nếu nói rằng Hương mang thân phận của kẻ “Mới hay trăm sự tại trời/ Trời kia mới bắt làm người có thân/ Bắt phong trần phải phong trần/ Cho thanh cao mới được phần thanh cao “(Kiều- Nguyễn Du) thì số phận của một người phụ nữ Việt Nam từ hơn 300 năm trước cho đến nay vẫn chỉ là “giữ lễ nghi gia phong” dù có bị đọa đày cỡ nào thì đó quả là một bất công tột cùng cho những thành quả cách mạng đấu tranh giải phóng phụ nữ nói riêng và con người Việt Nam nói chung.
Nhưng liệu ngày nay, ở những năm của thập niên 20 thế kỷ 21, còn có cô The nhẹ dạ, cô Hương chịu đựng nữa hay không? – Câu trả lời vẫn là: Có đấy! – Vì sao vẫn còn thì lại là một diễn giải khác mà có lẽ chúng ta, khi xem lại vở kịch này, sẽ có câu trả lời cho riêng mình.
Tôi thì có nghĩ thêm về điều này: Những bạn trẻ ngày nay, ở lứa tuổi đôi mươi, đang là những người tạo ra một tương lai mới cho xã hội Việt Nam, thì liệu những tên ma-cô chuyên lường gạt những cô gái quê ngây thơ khờ dại lại vướng vào lễ giáo gia phong kia sẽ tồn tại đối với họ dưới hình hài nào khác nữa?
Hương từ thập niên 50 xuất hiện trong một hình hài khá tân thời và sang trọng trong dáng vóc của Hồng Ánh. Về diễn xuất, Hồng Ánh được xem như là một “cây đa cây đề” trong sân khấu và điện ảnh VN, có lẽ vì vậy mà cô khá “căng thẳng” so với sự tung tẩy của Tú Vi trong vai Diệu. Dàn diễn viên với những cái tên xuất sắc: Ái Như, Hồng Ánh, Đoàn Minh Tài, Lâm Thanh Sơn, Tấn Đạt, Ngọc Duyên, Thế Hải, Nguyễn Long, Thanh Duy… được khán giả vỗ tay không ngớt trước khi đóng màn. Nghe hai bạn gái trẻ nói chuyện trong lúc chờ ra về: “Thích chú Năm quá!” (Nguyên Long) – “Ừa, còn mình thích “con mẹ” Hai Lung (Ngọc Duyên thủ vai), bả quậy banh nóc mà lại y như đời, lột tả được một kẻ vừa tham lam vừa ác khẩu, bất chấp mọi thứ để có tiền, thỏa hiệp với cái ác mà coi nó như không. Giống như tên sở khanh Định (Lâm Thanh Sơn thủ vai), một kẻ ác phớt lờ mọi điều thiện dù hắn biết rõ, nhưng hắn vẫn làm điều ác để đảm bảo thỏa mãn cho ham muốn tột cùng của hắn”.
Câu chuyện “Nửa đời hương phấn” cho thấy, con người chỉ có thể bảo vệ được cái thiện khi họ ý thức và đấu tranh để bảo vệ cái thiện chứ không phải phó mặc cho số phận tại trời. Không thỏa hiệp với kẻ ác xấu mà phải đấu tranh để được làm người lương thiện, đó mới là cái gốc cho một xã hội nhân bản thì mới mong sẽ ngày càng ít những thân phận bị chà đạp bởi bọn bất lương.
Bỗng nhớ câu hát của Phạm Duy trong vở diễn: “Đừng nhìn em nữa anh ơi! Hoa xanh đã phai rồi. Hương trinh đã tan rồi”, đau khổ thống thiết nhưng cũng đầy yêu thương, xót xa. Và rồi, bỗng dưng bật ra lời thơ này như một sự phản kháng cũng rất đỗi con người: “Em về điểm phấn tô son lại/ Ngạo với nhân gian một nụ cười” của nhà thơ Thái Can.
Nửa đời hương phấn là một trong sáu vở nổi bật của sân khấu Hoàng Thái Thanh sẽ tiếp tục tái ngộ với các bạn vào năm 2025 với lịch diễn theo mùa. Các bạn có thể vào trang web Hoàng Thái Thanh để theo dõi lịch diễn.
Sân khấu Thiên Đăng: công diễn vở kịch mới có tên 13 đức thầy – đức thầy 13, đây cũng là vở kịch thứ 10 với xuất diễn đầu tiên vào các ngày 03 và 04 tháng 1/2025 đến các ngày Tết nguyên đán.
Sân khấu Hoàng Thái Thanh: Tóc mai sợi vắn sợi dài sẽ diễn vào tối Mùng 1, chiều Mùng 2 , tối Mùng 3, chiều Mùng 5, tối Mùng 7.
Bài và ảnh Tịnh Thủy (theo Giai phẩm xuân TGHN)
Ngày đăng: 5/2/2025
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này