
11:36 - 05/02/2025
Khúc ca ngày xuân
Những tờ lịch năm 2024 đã hết, buổi sáng tiết trời hơi se lạnh, bạn bè cuối tuần gặp nhau café nhắc nhớ, trời sắp Tết. Trời sắp Tết hay lòng mình đang Tết.
Câu thơ của thi sĩ Nguyễn Đình Toàn, nhạc sĩ Vũ Thành An phổ thành ca khúc Em đến thăm anh đêm 30 đã chuyển câu chuyện của bạn bè về đề tài cũ: – bài hát Xuân nào hay nhất? Phổ biến nhất? Cuộc tranh luận không có hồi kết làm tôi nhớ lại hồi cuối thập niên 1980, lúc đang xóa bỏ bao cấp, bắt đầu vào thời kỳ đổi mới, kinh tế đang dần khởi sắc. Cứ gần Tết, bạn tôi ở tuốt Bình Chánh, cọc cạch đạp xe mười mấy cây số đến nhà, rủ tôi ra trung tâm Sài Gòn, khu chợ trời trên đường Huỳnh Thúc Kháng, quận 1, nơi chuyên bán băng nhạc in sang lậu để tìm vài cuốn băng nhạc Xuân, mua về nghe dịp Tết. Bạn đã mua nhiều lần nhưng vẫn muốn mua thêm, hy vọng năm nay họ có làm thêm mấy bản thu mới, ca sĩ mới.
Những khúc ca Xuân của các tên tuổi lớn như, Xuân và tuổi trẻ thơ Thế Lữ nhạc La Hối, Hoa Xuân của Phạm Duy, Đón Xuân của Phạm Đình Chương, Xuân đã về của Minh Kỳ, Anh cho em mùa Xuân thơ Kim Tuấn nhạc Nguyễn Hiền, Xuân họp mặt của Văn Phụng, Mùa Xuân đầu tiên của Tuấn Khanh, sau này còn có thêm Mùa Xuân đầu tiên của Văn Cao, Hoa Xuân ca của Trịnh Công Sơn, Điệp khúc mùa Xuân của Quốc Dũng, … mỗi khi nghe lại mang đến niềm hoan ca chào đón mùa Xuân. Những bạn trẻ xa quê đi lập nghiệp, giờ vẫn hát Xuân này con không về của Trịnh Lâm Ngân với giọng buồn man mác, cho vơi đi nỗi nhớ. Đôi khi có bạn chợt nhớ, hát lên mấy câu hát tự trào với giọng hài hước bài Du Xuân, Tết nhất làm chi! Ai bày? Tết nhất làm chi! Lo quần lo áo, lo đi chạy tiền… của nhóm AVT với ba thành viên Vân Sơn, Lữ Liên, Tuấn Đăng.
Đặc biệt trong những khúc ca Xuân, có bài tựa không có từ “Xuân” luôn được người yêu nhạc nhớ đến đó là bài Ly rượu mừng của Phạm Đình Chương. Khúc ca không chỉ được hát vào ngày Xuân mà luôn được vang lên mỗi khi gia đình, bạn bè hội ngộ.
Ly rượu mừng viết với nhịp 3/4 du dương, tác giả mở đầu bằng câu nhạc 8 nhịp thể hiện rõ nét chủ đề âm nhạc chính của bài hát. Đoạn A, đoạn nhạc thứ nhất, tác giả viết ở giọng trưởng với niềm hân hoan trong ngày Xuân.
Ngày xuân nâng chén ta chúc nơi nơi
Mừng anh nông phu vui lúa thơm hơi
Người thương gia lợi tức
Người công nhân ấm no
Thoát ly đời gian lao nghèo khó.
Cuối đoạn, xuất hiện câu nhạc chuyển tiếp vút cao như niềm vui lên đến tột đỉnh.
Á a a a. Nhấp chén đầy vơi chúc người người vui
Á a a a. Muôn lòng xao xuyến duyên đời
Sang đoạn B, đoạn nhạc thứ hai, tác giả cho nét nhạc chuyển sang giọng thứ chan chứa tình cảm,
Rót thêm tràn đầy chén quan san
Chúc người binh sĩ lên đàng
Chiến đấu công thành
Sáng cuộc đời lành
Mừng người vì nước quên thân mình.
Kết đoạn B, tác giả viết đoạn tiếp theo với nét nhạc mô phỏng đoạn A với niềm thương cảm,
Kìa nơi xa xa có bà mẹ già
Từ lâu mong con mắt vương lệ nhòa
Chúc bà một sớm quê hương
Bước con về hòa nỗi yêu thương
Cuối đoạn, tác giả lại cho tái hiện câu nhạc chuyển tiếp với lời chúc mong Mẹ được bình an.
Á a a a. Hát khúc hoan ca thắm tươi đời lính
Á a a a. Chúc mẹ hiền dứt u tình
Tiếp đến, giai điệu khúc nhạc trở nên mơn man, lả lướt với những lời cầu chúc an vui đến mọi người,
Rượu hân hoan mừng đôi uyên ương
Xây tổ ấm trên cành yêu đương
Nào cạn ly, mừng người nghệ sĩ
Tiếng thi ca nét chấm phá tô lên đời mới.
Rồi giai điệu vút lên thật cao mang theo khát vọng hòa bình.
Bạn hỡi, vang lên lời ước thiêng liêng
Chúc non sông hoà bình, hoà bình
Ngày máu xương thôi tuôn rơi
Ngày ấy quê hương yên vui
Đợi anh về trong chén tình đầy vơi
Lần nữa, tác giả lại cho tái hiện câu nhạc chuyển tiếp với lời nguyện cầu hạnh phúc đến với mọi người.
Nhấc cao ly này. Hãy chúc ngày mai sáng trời tự do
Nước non thanh bình. Muôn người hạnh phúc chan hoà
Đến đây, người nghe tưởng chừng như bài hát đã kết thúc, nhưng chưa, tác giả chỉ mới chuẩn bị để tiếp tục dẫn dắt người nghe đến đoạn Coda, kết thúc bài hát một cách thật trang trọng, huy hoàng.
Ước mơ hạnh phúc nơi nơi
Hương thanh bình đang phơi phới.
Ca khúc Ly rượu mừng thể hiện rõ nét tài hoa và sự sáng tạo của nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Tác giả đã khéo léo cho hai đoạn, A và B luân phiên xuất hiện cùng sự tái hiện nhiều lần của câu nhạc chuyển tiếp tựa như hình thức Rondo, quay tròn đưa người nghe qua nhiều cung bậc cảm xúc, lúc hân hoan, lúc cảm thương, lúc khát khao, lúc chan chứa. Đối với người biểu diễn, tác giả như gợi ý nên trình bày ca khúc với hình thức song ca, tốp ca, mỗi người luân phiên xuất hiện, hát từng đoạn tạo nên nét phong phú cho tiết mục. Còn trong những buổi hội ngộ, bạn bè cứ cùng nhau hát, ai nhớ đến đâu hát đến đó, thích quay lại đoạn nào cứ quay và đặc biệt, chỗ câu chuyển thì mọi người cùng hát Á a a à và nhấc cao ly này.
Với tôi, mỗi khi nghe Ly rượu mừng, đến đoạn Coda, Ước mơ hạnh phúc nơi nơi. Hương thanh bình đang phơi phới. Tôi như có cảm tưởng mình đang ở giờ khắc giao thừa, pháo hoa nở tung trên bầu trời đêm như hàng vạn ngôi sao lấp lánh, khoảnh khắc để mỗi chúng ta nhớ về người thân, bạn bè, người khuất xa, người thương nhớ.
Hoàng Phương Anh (theo Giai phẩm xuân TGHN)
Ngày đăng: 5/2/2025
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này