
10:54 - 05/02/2021
Khởi nghiệp thời Covid-19: những điều mới lạ
Đại dịch Covid từ đầu năm 2020 đã tác động ghê gớm và sâu sắc đến mọi ngành nghề và lĩnh vực kinh doanh trên phạm vi toàn cầu. Trong đó khởi nghiệp tài nguyên bản địa bị ảnh hưởng mạnh hơn so với các startup trong lĩnh vực công nghệ, đặc biệt các sản phẩm nông đặc sản với mô hình kinh doanh truyền thống.
Để khắc phục và vượt qua ảnh hưởng của đại dịch, không chỉ các nhà khởi nghiệp mà nhiều doanh nghiệp phải khởi động lại và ứng dụng tư duy đổi mới sáng tạo từ sản phẩm, dịch vụ, trải nghiệm đến tái định vị thương hiệu và đặc biệt thay đổi mô hình kinh doanh mới nhằm thích nghi với trạng thái “bình thường mới”. Các chương trình khởi nghiệp sáng tạo (KNST), đặc biệt cuộc thi KNST của thanh niên nông thôn thuộc trung tâm Nghiên cứu và hỗ trợ kinh doanh (BSA) phối hợp Trung ương Đoàn tổ chức chính là cuộc diễn tập tiêu biểu cho các chương trình khởi nghiệp sáng tạo tài nguyên bản địa trong phạm vi cả nước với nhiều bài học kinh nghiệm thực tiễn lý thú trong suốt 6 năm qua…
Đổi mới mô hình kinh doanh – động lực chính để chuyển đổi số
Nền kinh tế cảm ứng thấp là trạng thái mới của xã hội và kinh tế, bị thay đổi vĩnh viễn bởi đại dịch Covid-19, thể hiện bởi các tương tác hạn chế, các biện pháp an toàn và sức khỏe, hành vi mới của con người và sự thay đổi các ngành công nghiệp vĩnh viễn. Dịch Covid-19 làm tê liệt nhiều ngành dịch vụ như du lịch, khách sạn, du học, hàng không với doanh số sụt giảm mạnh trên 50%; làm giảm doanh số từ 15 – 50% một số ngành hàng như thời trang, nhà hàng; sụt giảm nhẹ 1 – 15% với các ngành thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu. Đặc biệt Covid lại có “tác dụng ngược” khi làm gia tăng doanh số 15 – 25% ở những ngành nghề chuyển đổi số hay kỹ thuật số, như thương mại điện tử.
Covid đang khiến hầu hết doanh nghiệp phải khởi động, khởi nghiệp lại từ đầu với mô hình kinh doanh mới, bởi nó tạo ra sự đứt kết nối giữa khách hàng với doanh nghiệp, đồng thời thay đổi giá trị mà khách hàng mong đợi. Covid cũng thúc đẩy nhanh hơn hành vi và hành trình mua hàng trực tuyến của khách hàng, thay đổi về lợi ích và giá trị mong đợi của họ, dẫn đến các mô hình kinh doanh cũ trở nên lạc hậu và kém hiệu quả. Những doanh nghiệp kinh doanh với mô hình truyền thống đang tiếp tục gặp khó khăn, thậm chí phá sản do không phản ứng linh hoạt với những biến động do dịch. Khách hàng thay đổi dẫn đến các nguồn thu dần mất đi. Hiện nhiều tập đoàn đa quốc gia trên thế giới đều ráo riết bàn cách ĐMST, trong đó chuyển đổi số là tất yếu.Việt Nam hiện tập trung bàn đến việc chuyển đổi số nhưng dường như chưa chú trọng đúng mức đến đổi mới mô hình kinh doanh dựa vào ĐMST.
Mọi doanh nghiệp đang có cùng vướng mắc chung là đổi mới giá trị khách hàng và đổi mới mô hình kinh doanh. Khởi nghiệp, đặc biệt khởi nghiệp tinh gọn, tư duy thiết kế, ĐMST và tư duy số đang trở thành xu thế tất yếu mà các doanh nghiệp ở mọi quy mô và khởi nghiệp cần học hỏi và ứng dụng để đưa kinh doanh của mình vượt qua khó khăn và phát triển trong tương lai.
Khởi nghiệp sáng tạo tài nguyên bản địa đang ở đâu?
Khởi nghiệp tài nguyên bản địa với các sản phẩm nông đặc sản hoặc du lịch có nhiều điểm khác biệt so với khởi nghiệp kiểu startup dựa vào công nghệ.
Startup loại này hướng đến các ý tưởng và mô hình kinh doanh sáng tạo, tạo ra chủng loại sản phẩm/dịch vụ mới, có tiềm năng tăng trưởng nhanh và mạnh ở quy mô quốc gia và quốc tế. Theo kinh nghiệm, chúng tôi nhận thấy loại hình khởi nghiệp sáng tạo tài nguyên bản địa sẽ có điều kiện phát triển tốt nếu được định hướng từ ban đầu theo tư duy ĐMST, khởi nghiệp tinh gọn với tư duy số hóa mô hình kinh doanh theo định hướng phát triển bền vững.
Mặc dù phong trào khởi nghiệp ở nông thôn đang diễn ra khá sôi động khắp các tỉnh thành, song đó không phải là khởi nghiệp sáng tạo. Tư duy và mô hình kinh doanh của các bạn trẻ nông thôn thường mang tính truyền thống và thiếu các yếu tố đổi mới sáng tạo. Những ý tưởng và dự án chủ yếu khai thác và chế biến các nguồn nguyên liệu hay tài nguyên sẵn có tại địa phương, như dừa Bến Tre, sen Đồng Tháp, nghĩa là lo tập trung khai thác yếu tố đầu vào (nguồn cung) hơn là gia tăng giá trị ở đầu ra (nguồn cầu). Nhiều bạn chưa biết cách khai thác và phát triển các yếu tố tài nguyên bản địa để gia tăng giá trị cho sản phẩm và tạo lợi thế cạnh tranh bền vững. Đặc điểm chung của loại hình khởi nghiệp loại này là tập trung chủ yếu đổi mới sản phẩm do đam mê mà ít quan tâm đến định vị sản phẩm – thị trường, giải pháp thị trường, cách tiếp thị – bán hàng…
Vấn đề và thách thức lớn nhất hiện nay là các chương trình quốc gia và đa số các tỉnh chưa có đội ngũ huấn luyện, cố vấn với các chương trình huấn luyện về ĐMST và quy trình khởi nghiệp sáng tạo đặc thù riêng cho sản phẩm tài nguyên bản địa. Đa số tập trung vào tổ chức các cuộc thi KNST kèm theo vài ngày huấn luyện ngắn hạn với nội dung hạn chế về đổi mới sáng tạo liên quan đến cuộc thi. Hầu hết thiếu hẳn các chương trình huấn luyện và cố vấn đồng hành theo suốt lộ trình khởi nghiệp của các bạn trẻ để biến ý tưởng thành sản phẩm thương mại hóa và mô hình kinh doanh bền vững cho doanh nghiệp.
Làm gì để hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo tài nguyên bản địa?
Chương trình KNST cho thanh niên nông thôn của BSA cùng phối hợp với dự án 844 của Bộ Khoa học – công nghệ và Trung ương Đoàn suốt 6 năm cho thấy nhiều bài học kinh nghiệm quý báu. Đặc biệt khoảng ba năm trở lại đây các bạn khởi nghiệp được huấn luyện tốt hơn về tư duy, phương thức và công cụ đổi mới sáng tạo.
Thông thường, khi nghĩ về đổi mới sáng tạo, người ta đề cập đến đổi mới sáng tạo sản phẩm. Đổi mới sáng tạo về thực chất là hướng đến các giải pháp giá trị chứ không phải sản phẩm hay dịch vụ mới. Theo đó, các bạn trẻ học hỏi và ứng dụng ngày càng tốt hơn tư duy đổi mới sáng tạo trong việc thể hiện các ý tưởng mới lạ, có giá trị mới và biết cách nắm bắt cơ hội để triển khai thành công ý tưởng thành sản phẩm và mô hình kinh doanh, ngay cả lúc khó khăn thời Covid. Mật hoa dừa Sokfarm (Trà Vinh), gối thảo dược (Bắc Kạn), bột rau má sấy lạnh tiện lợi (TP.HCM), đất sạch trồng rau và hoa Namix (TP.HCM), mắm Xứ Gò (Tiền Giang), cá khô sạch, ăn nhanh và tiện lợi Ba Khía (Đồng Tháp), du lịch C2T (Bến Tre)… đều là những sản phẩm tiêu biểu về sự thành công đổi mới sáng tạo, đổi mới mô hình kinh doanh trong một năm đầy khó khăn do dịch bệnh.
Hướng đến tương lai, các chương trình KNST về tài nguyên bản địa sẽ còn nhiều việc cần làm hơn nữa để xây dựng và nâng tầm hệ sinh thái KNST bền vững hơn, gắn kết chặt chẽ và hiệu quả các thành tố cùng cộng tác trong môi trường kinh doanh mới. Hệ sinh thái bao gồm những người phát triển hệ sinh thái từ chính phủ và tư nhân, đội ngũ hỗ trợ bao gồm các chuyên gia huấn luyện, cố vấn, người kết nối các nhà đầu tư hạt giống, các quỹ đầu tư từ các đối tác doanh nghiệp và hệ sinh thái khởi nghiệp quốc tế. Hệ sinh thái KNST cũng cần phát triển các hệ thống và công cụ nghiên cứu thị trường, nghiên cứu và thử nghiệm sản phẩm, hệ thống xúc tiến thương mại, xây dựng hệ thống số để kết nối và mở rộng kinh doanh ra bên ngoài đồng thời thu hút, hỗ trợ, phát triển người dùng cho các nhà khởi nghiệp.
Trong hệ sinh thái KNST, nhân tố chính là các bạn khởi nghiệp với lộ trình 3 giai đoạn phát triển từ ý tưởng – sản phẩm – doanh nghiệp đều cần đến sự hỗ trợ tích cực. Giai đoạn đầu tiên cần định hướng, truyền cảm hứng và kết nối các bạn khởi nghiệp để sáng tạo ý tưởng và thiết kế sản phẩm mẫu. Giai đoạn kế tiếp là tạo ra và kiểm tra sản phẩm, thiết kế và thử nghiệm mô hình kinh doanh sẽ rất cần sự hỗ trợ đồng hành trong việc hoàn chỉnh ý tưởng/dự án, huấn luyện, kết nối các chuyên gia, cố vấn, nhà đầu tư hạt giống và xây dựng đội ngũ. Giai đoạn cuối cần sự hỗ trợ tích cực để quy mô hóa sản phẩm, thị trường, triển khai mô hình kinh doanh với quy mô bền vững hơn, kể cả kết nối để huy động vốn đầu tư từ các nhà đầu tư, quỹ mạo hiểm, đối tác doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Trần Anh Tuấn* (theo TGHN)
————————-
(*) Chuyên gia chiến lược và đổi mới sáng tạo, The Pathfinder
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này