
10:25 - 15/02/2024
Hàn Quốc ‘bấu chặt’ truyền thống
Những ngày cuối năm ở Hàn Quốc, ngoài sân tuyết rơi trắng xóa, trong lòng bồn chồn nhớ Tết xưa. Nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ những người thân, nhớ bè nhớ bạn. Nhớ quê nhà nên đến dự những ngày chợ quê địa phương để biết thêm về các nghề thủ công ở Hàn Quốc thú vị thế nào.

Sân khấu ngoài trời cho một chương trình giới thiệu sản phẩm truyền thống ở chợ Asan tỉnh Chungcheongnam.
Giáo dục truyền thống cho trẻ em
Ở đây, văn hóa ẩm thực và những đồ thủ công truyền thống có nhiều nét tương đồng với khu vực miền Trung và miền Bắc Việt Nam. Có bánh giầy được giã từ xôi nếp trắng, có kẹo thèo lèo làm từ mè đen, có bỏng ngô, có cốm nếp, có đan lát rổ rá, có nuôi tằm dệt vải … Hơn hai trăm loại kim chi khác nhau cũng như cà ghém, dưa chua ở các vùng miền quê Việt. Bên cạnh các cửa hàng tiện lợi, cửa hàng hiện đại, siêu thị và chợ truyền thống ở từng khu vực thuận tiện cho những người bận bịu với công việc tại các nhà xưởng, công sở thì việc đi dạo ở phiên chợ quê giữa phố được tổ chức định kỳ năm ngày một lần cũng là một thú vui thư thái. Tại đây, các bác nông phu đem đến những nông sản từ vườn nhà, các gian hàng hải sản đầy ắp tôm, cá, mực… được đưa đến từ cảng cá do các bác ngư phu vừa đánh bắt đưa vào bờ từ sớm tinh mơ. Gian hàng các loại kim chi đỏ au một góc. Các gian hàng món ăn truyền thống ngun ngút khói, khách hàng thưởng thức tại chỗ có, mua đem về có. Vào mùa đông không làm đồng nên không thấy gian hàng bán rổ rá, nông cụ.
Nền kinh tế phát triển nhanh, cơ sở hạ tầng tốt, chất lượng đời sống công dân cao và là điểm đến của lao động nhập cư từ nhiều quốc gia trên khắp thế giới như Cuba, Brazil, Ấn Độ, Nigieria, Bangladesh, Nga, Uzebekishtan, Trung Quốc, Nhật, Việt Nam, Thái Lan, Lào, Cambodia, Phillipines, Mông Cổ v.v … nên Hàn Quốc rất chú trọng giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc.
Con trẻ từ khi đi nhà trẻ đã được chơi với món đậu hũ. Được bốc, được nắm, được bóp, để học ăn món ngon bổ dưỡng thường thức. Các bé theo học mẫu giáo mỗi năm đều được học làm kim chi mỗi khi đến mùa kimchang. Học sinh tiểu học đều học biết cơ bản sử dụng các nhạc cụ dân tộc và cùng tham gia biểu diễn vào lễ tổng kết cuối năm. Vì âm nhạc là một môn bắt buộc nên học sinh không phải nghỉ giờ học chính để đi luyện tập cho buổi biểu diễn. Trong các buổi ngoại khóa của trường, các con được đưa đến trải nghiệm tại các xưởng làm bánh truyền thống, các vườn rau, hoa, quả. Ấn tượng là các bạn được đưa đến bảo tàng, làng dệt để học đo lường trong toán thực tế.
Quảng bá sản phẩm địa phương theo mùa
Sau một ngày làm việc vất vả, về đến nhà vội vàng chuẩn bị bữa tối cho gia đình không quên mở kênh truyền hình KBS1 lúc 6 giờ để xem chương trình “Về nhà lúc 6 giờ”. Đây là một chương trình truyền tải sự kết nối mạng và quê hương đem lại sự thoải mái cho cuộc sống khắc nghiệt của những cư dân thành thị đã rời bỏ quê hương, mang lại cho họ niềm tự hào về quê hương và giúp họ tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau. Hơn thế, chương trình còn giúp họ tăng thu nhập bằng cách cung cấp thông tin về nông nghiệp và phân phối. Chương trình luôn cập nhật món ngon theo mùa cùng phương pháp chế biến và không thể thiếu những khung hình về danh lam thắng cảnh của địa phương đang được đề cập.
Ngoài chương trình vừa kể trên, KBS1 TV còn có chương trình “Mâm cơm người Hàn Quốc” là chương trình giáo dục chuyên về ẩm thực được phát sóng lúc 19g 40 phút thứ Năm hàng tuần bao gồm những câu chuyện và lịch sử ẩn giấu của các món ăn địa phương trên khắp mọi miền đất nước, cũng như văn hóa ẩm thực và đặc điểm của các vùng đó. Tuy giới thiệu về ẩm thực nhưng người xem được học hỏi thêm về cảm nhận nguyên liệu chế biến.
Bên cạnh việc hỗ trợ quảng bá của truyền thông, các địa phương cũng tự tổ chức cho mình một khu nhà chuyên bán sản phẩm do người dân địa phương làm ra theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Trong các lễ hội truyền thống thường niên tại các địa phương luôn có khu vực giới thiệu sản phẩm địa phương do các “doanh nghiệp tư nhân” tham gia giới thiệu sản phẩm bằng cách bán rẻ hơn giá bán ngoài chợ. Không chỉ giới thiệu và bán sản phẩm, trải nghiệm làm đồ thủ công truyền thống là hoạt động không thể thiếu trong khuôn khổ lễ hội. Tại khu vực trải nghiệm, trẻ em và người lớn được tham gia làm những món đồ thủ công nho nhỏ như làm đèn cầy sáp, nhuộm vải từ màu cây lá, vẽ quạt, vẽ nón …
Công việc nghiên cứu để duy trì và phát triển cũng là việc quan trọng nên mỗi vùng đều có một viện nghiên cứu quy mô như vùng Jejeon chuyên về trồng cây thảo dược thì có viện nghiên cứu Đông y. Kế bên có bệnh viện chuyên điều trị theo phương pháp cổ truyền và tất nhiên là một khu chuyên bán thuốc Bắc và sản phẩm từ những nguyên liệu Đông y. Ở vùng Gunsan vừa là một thành phố cảng, vừa là một thành phố công nghiệp, tại đây họ có viện nghiên cứu về năng lượng điện gió và điện mặt trời.
Nghệ nhân là di sản của dân tộc
Ở Hàn Quốc làng nào cũng có những nghệ nhân giữ nghề và là truyền nhân cho thế hệ sau thông qua việc tình nguyện tham gia các hoạt động quảng bá của địa phương nhằm mục đích giữ gìn và lan tỏa sáu giá trị của văn hóa Hàn Quốc gồm: Nhà xưa (Hanok), Hàn phục (Hanbok), Hàn thực (Hansik), Giấy truyền thống (Hanji), chữ quốc ngữ (Hangul) và âm nhạc (Han-eum-ag).
Một trong những nghệ nhân góp phần giữ gìn quốc hồn quốc túy, tinh hoa dân tộc Hàn Quốc là nghệ nhân Park Sul-Nyeo, người kiên quyết mặc quần áo Hàn Quốc, cũng nổi tiếng là một nhà sưu tập lụa. Lý do bà thu thập lụa là để tránh bị bán sang Trung Quốc. Theo bà, Hanbok với màu sắc và đường nét tự nhiên đẹp đến bất ngờ. Xuất phát điểm là truyền thống của đất nước Hàn Quốc, lụa là nền tảng và đó cũng là niềm tin mà bà luôn đề cao và duy trì truyền thống Hanbok để toàn cầu hóa nó. Nói đến Hàn phục thì phải đến Hemchang, quê hương của tơ lụa, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác phương pháp dệt lụa truyền thống. Người ta gọi nơi đây là con đường tơ lụa của người thợ lụa hạnh phúc. Người thợ lụa nổi tiếng ở vùng Hemchang này là nghệ nhân Heoho. Ông có một xưởng dệt và một cửa hàng chuyên kinh doanh áo Hanbok. Bên mảng Hàn thực có nhà nghiên cứu ẩm thực Hàn Quốc Youngsun Shim – giám đốc Viện nghiên cứu ẩm thực Shim Young-soon. Về giấy truyền thống Hanji có nghệ nhân Jang Eung-yeol ở Wonju. Ông tự mình trồng cây dâu tằm và làm giấy Hanji được truyền qua ba thế hệ. Về âm nhạc thì nơi nào cũng có học viện đào tạo quốc nhạc. Về chữ quốc ngữ thì mỗi người dân luôn cảm thấy tự hào về quốc ngữ của mình có kỳ thi được tổ chức định kỳ mỗi năm vài lần trên toàn thế giới mang tên TOPIK (Test of Proficiency in Korean).
Tuy nhiên, sản phẩm của Hàn Quốc do người Hàn Quốc làm từ nguyên liệu nội địa có chất lượng rất tốt và rất đắt nhưng không bắt mắt và rẻ như hàng nước khác ồ ạt nhập vào nên cũng rất khó khăn cho việc giữ nghề truyền thống.
Phạm Hồng Hoa (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Ớt cay, sướng khổ lẫn lộn
Vụ án thịt kho tàu và heo Đông Pha
Các đầu bếp nổi tiếng nói về xu hướng ẩm thực nóng nhất 2017
‘Hoa muối Le Guérandais’
Sống dưới tán rừng
Tags:Hàn Quốc
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này