
11:58 - 25/01/2023
Đà Lạt mọi người hãy vì yêu mà đến…!
Có một dĩ vãng Đà Lạt luôn được lưu giữ trong lòng người Đà Lạt hôm nay mặc cho thành phố này đang bị đe doạ bởi áp lực của phát triển đô thị và du lịch.
Phố núi trong lớp sương mờ của ký ức không phải là thứ huyền hoặc tưởng tượng mà mang một nét đẹp kiêu kỳ nhưng không phô trương của nếp sống thuần khiết vẫn được giữ ở nếp nhà người Đà Lạt.
Năm tháng dần đầy lên với lịch sử cư dân Đà Lạt của nhiều đợt tụ cư từ nhiều đợt di dân đến vùng đất lạnh yên hoà này. Và trong hơn một trăm năm ấy, nếp thuần phong của cư dân Đà Lạt hẳn đã là một ghi nhận về bản sắc văn hoá nơi đây. Đà Lạt đã là vùng đất tựu học của nhiều lớp người từ các nơi “vì yêu mà đến” nên cư dân Đà Lạt được tiếp cận với nhiều luồng văn hoá tinh hoa. Điều nổi trội của sự hoà điệu các luồng văn hoá nơi mảnh đất lành này chính là sự nhu hoà, nhã thuận trong nhiều mặt đời sống. Không những thế, Đà Lạt trước năm 1975 còn là mảnh đất của nhiều nghệ sĩ dừng chân nương náu trong những năm tháng xáo trộn chính trị đặc biệt của thời cuộc đô thị miền Nam. Đà Lạt hiển nhiên là cảm hứng sáng tác dồi dào và là nguồn chất liệu giàu có trong nhiều sáng tạo nghệ thuật ở trong đời sống văn hoá nghệ thuật lúc bấy giờ và đến tận hôm nay. Những điều này đã làm nên nét độc đáo riêng có của phong cách Đà Lạt.
Với điều kiện ưu đãi của miền đất cao nguyên mát lạnh ôn hoà, dẫu hai mùa mưa nắng vẫn luôn tươi thắm muôn loài hoa cỏ. Một trong những nhóm dân di cư đầu tiên đến với Đà Lạt là nhóm người theo chân cụ Nguyễn Khắc Hoè lập ấp Hà Đông, mang theo nghề trồng hoa truyền thống. Họ đã khai thác những ưu đãi khí hậu đất lành làm nên làng hoa. Rồi những truyền nhân nghề hoa ấy đã kết hợp với những giống hoa mới phương tây mà nhiều người Pháp hoặc trí thức du học mang về mà lan toả và tô thêm nét hoa cho đất lạnh. Kiến trúc Pháp nơi Đà Lạt cộng với sinh cảnh thiên nhiên và điệu sống nhẹ nhàng của cư dân nơi đây đã làm nên thuần phong vùng đất. Từ những nếp nhà nhỏ được làm bằng gỗ ngo rừng bản địa, hoặc nhà xây theo lối miền bắc miền trung, hoặc gần đây là nhà xây theo kiến trúc Pháp Đông dương hoặc phương Tây hiện đại. Kiến trúc nhà ở của Đà Lạt nhiều chục năm về trước thuận hoà với quy hoạch một thị xã theo nhu cầu và tầm nhìn của người Pháp và chế độ cũ, phù hợp với địa thế đặc trưng dốc đồi. Nhà Đà Lạt thường có cổng, có rào, ngăn cách sinh hoạt gia đình với đường phố, cách biệt công cộng với riêng tư. Nhà có vườn hoặc mảnh sân nhỏ trồng ít hoa, hoặc cây đào cây mận cây hồng vừa cho trái vừa có bóng mát… Hoa lan rừng bản địa được những người miền Thượng gùi về phố cùng với củi ngo và một số sản vật núi rừng đã được cư dân đô thị đón nhận ưu ái nuôi trồng. Giờ đây, phong lan rừng Đà Lạt đã cộng quần bên cạnh các loài cây hoa, lan các nơi và cả hoa ngoại nhập đã trở thành một loại “cư dân” thực vật hiện diện trong nhiều mảnh sân, góc vườn người Đà Lạt với nhiều mỹ danh Mặc lan,Tử cán, Trúc lan, Hoàng y mỵ nương…
Người Đà Lạt là cư dân từ nhiều vùng quê di cư đi phu, đi lính những năm đầu thế kỷ, hoặc từ miền Bắc, miền Trung sau 1954 ồ ạt đến hoặc được sinh ra lớn lên tại vùng đất mới Đà Lạt- Tuyên Đức. Chất giọng của người Đà Lạt có nét thanh của giọng Bắc, rõ nét trong các phụ âm đầu và âm bật hơi của miền trung, nghe nhẹ nhàng, từ tốn. Người Đà Lạt có một kho từ đệm, hư từ, từ hô gọi đủ màu sắc vùng miền. Vẫn “nhỉ”, “nhé” của người Bắc dùng chung với “hỉ”, “hi” của người Huế, “hể”, “hê”, “hả” của người xứ Quảng; vẫn “sao vậy?” dùng chung với “sao thế” của người Bắc, “sao dảy” của người Quảng, với “răng rứa”, “sao rứa” của người Huế, người Quảng Nam… Người Đà Lạt chung sống với thuần phong mỹ tục từ các nơi với sự chọn lọc và thuận hoà. Đám hỷ, đám hiếu, ngày Tết, ngày giỗ, cư dân vùng nào sống thành xóm như Thái Phiên, ấp Ánh Sáng thuần Huế thì giữ nếp Huế, cư dân ấp Hà Đông hay Nghệ Tĩnh thì duy trì nếp làng nếp quê nơi cha ông họ mang vào… Tết nhất thăm hỏi nhau bao giờ cũng trang phục lễ nghiêm túc, phụ nữ mặc áo dài, khác ngoài áo len hoặc áo măng- tô, trùm khăn, hoặc đội mũ đội nón, che dù, mang giày, mang guốc, không mang dép loẹt quẹt; nam giới lớn tuổi thì áo dài, trung niên hoặc trẻ hơn thì áo vest bên trong có gi- lê hoặc áo len đội mũ phớt, mũ cát- két, mang giầy da… Trẻ con trai, gái mặc mang phong cách tây phương hơn, quần âu, áo vest, áo đầm khác thêm áo len… Đến nhà thăm hỏi bao giờ cũng đầu tiên là lời chào lời chúc, xã giao thì thăm hỏi ngắn ngủi, lịch sự nhưng ấm áp; thân tình thì dùng bữa theo lời mời của gia chủ. Ngày Tết, phụ nữ nội trợ nhà nào cũng tự tay rim mứt, làm bánh, nấu món theo phong cách ẩm thực quê gốc của họ, nên ngày Tết là dịp được thăm thú, nếm trải nhấm nháp những món ăn, thứ quà tinh hoa của nhiều vùng miền khác nhau. Hơn thế, là đất lạnh Đà Lạt với những sản vật độc đáo miền cao cộng với nét đặc thù của văn minh nơi đây nên hẳn nhiên người nội trợ Đà Lạt đã chế biến những món bánh mứt, món nấu độc đáo như mứt mận, mứt đào, hồng khô, gừng dẻo…
Lần theo ký ức của một cô bé con ngày cũ, theo chân một vài cô bạn đồng lứa hay mấy cô em gái, cậu em trai trong nhà làm cuộc du hành bỏ túi quanh cái xóm nhỏ Nha Địa dư trên ngọn đồi đầy thông nhìn xuống Hồ Xuân Hương và nhìn qua nhà ga Đà Lạt. Những cô bé trẻ con ngày ấy dạo bước trong êm đềm xóm nhỏ, với rào hoa tường vi, dâm bụt, với đồi dốc loanh quanh vàng rực hoa dã quỳ … Vài tiếng chó sủa mừng khách, đám trẻ con ăn mặc ấm áp chơi ngoài xóm nhỏ, các bà các cô khoác áo len ngoài bộ đồ kín đáo mặc nhà, thoắt ẩn thoát hiện trong nhà ngoài hiên, trên tay là đứa bé hoặc bộ kim đan cuộn len và chiếc áo, cái khăn đan dở… Mùi khói củi ngo, mùi than gỗ, mùi cơm chín tới, mùi thức ăn vừa nấu thơm thơm toả trong không khí se lạnh… Lớn hơn một chút, cuộc du hành của lũ chúng tôi thực hiện trên những chiếc xe đạp mini, có cái giỏ xe phía trước để tiện “chở” chai nước mang theo và khăn và mũ và mấy củ khoai lang luộc hay trái bắp nướng gặm dở hay mấy trái mận, trái ổi… Chúng tôi đi vào các con xóm xa hơn, tận Trại Mát, Trại Hầm, Chi Lăng, Thái Phiên hay Đa Thiện, Tùng Lâm, Phước Thành… Những xóm nhỏ nơi xa ấy, có nhiều khu vườn lớn hơn với những rò rau, luống hoa tươi tốt, thỉnh thoảng điểm xuyết bằng những nếp nhà gỗ mái tôn nâu nhỏ mờ trong sương. Nhìn trong màu sương hay trong màu nắng, những bóng người nhỏ bé cần cù tưới nước, cuốc vườn, chăm cây, tỉa cỏ như trong cuốn phim hoạt hoạ retro. Ký ức thơm mùi của nắng của sương rơi xứ lạnh, của khói đốt cỏ, cành lá thông, hoa quỳ mùa khô, hay mùi của cỏ hôi vệ đường mùa mưa, của sình lầy đất đỏ bazan nơi bước chân thiếu niên chúng tôi dừng nghỉ… Ngày ấy, Đà Lạt có rất nhiều hồ nhỏ trồng xà lách xoong, hoặc để chứa nước tưới vườn mặc hoa súng tự nhiên chen lá nở hoa. Ngày ấy, bóng chúng tôi lố nhố in mặt hồ, rọi chiếu những giấc mơ bé mọn hiền hoà. Bước chân ngày nhỏ của chúng tôi tha thẩn lên dốc xuống đồi hay lội vườn lội suối, bước chân ấy bây giờ đi cả vào trong mơ…
Đời sống hiện đại với những thay đổi lớn về bùng nổ dân số cơ học, tiện nghi vật chất, nhu cầu làm việc, hưởng thụ, giá trị sống… đang ngày một tác động mạnh mẽ vào nếp sống hiền hoà, chậm rãi và thanh lịch của người Đà Lạt. Đà Lạt với những điều kiện đặc thù về thiên nhiên, khí hậu, văn hoá, xã hội đã đang và sẽ là nơi thu hút ngày càng nhiều những luồng di cư, đầu tư, vì vậy ngày càng khó gìn giữ một Đà Lạt mãi nhỏ bé trong bộ trang phục cũ. Hiện đại là nhu cầu, là động lực, là quy luật gần như tất yếu của cuộc sống.
Làm gì để giữ gìn và đồng hành cùng nhịp sống hiện đại mà không bay màu bản sắc? Mà bản sắc của một Đà Lạt hiện hữu hôm nay vốn đã là những “ký ức chồng lên nhau, là những nền văn mình này chồng lên nền văn minh khác” (Nguyễn Vĩnh Nguyên). Làm gì để phát triển du lịch mà vẫn giữ gìn được bản sắc văn hoá địa phương trước cơn bão của du lịch rẻ tiền, của kinh doanh du lịch tự phát ăn xổi ở thì đang làm xấu, làm hỏng đi nhan sắc Đà Lạt?
Không thể ngồi mộng mơ hay than thở, bỉ bôi, chê trách, thay vào đó rất cần chính quyền, doanh nhân, nhà khoa học, người nghiên cứu, người dân cùng đồng hành trong nhận thức, trong lối sống, trong hành động. Đặc biệt là vai trò của giáo dục, truyền thông nhằm xây dựng ý thức, chia sẻ điều hay và cả dở để mọi người cùng có ý kiến.
Đà Lạt, xin mọi người hãy “vì yêu mà đến”!
Đỗ Lan (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này