
10:30 - 05/02/2025
Cõi nghiện là cõi người
Có lẽ, một trong những nghề nghiệp “nguy hiểm và đáng sợ nhất” trên thế giới này là làm việc với những con nghiện, những kẻ thường bị xem là “những giống loài khác”, đáng khinh bỉ và cần tránh xa.
Gabor Maté, một bác sĩ người Canada gốc Hungary, đã làm được công việc phi thường ấy và ghi lại những “hiện thực” của đời sống mà khó có ai hình dung nổi thân phận của con người, nói đúng hơn, những người không thể khước từ số phận của mình, đành chấp nhận ra đi trong những tình huống bi thảm đã được biết trước.
Tác phẩm “Cõi sống của những con ma đói – Hiểu sâu về chứng nghiện” là thành quả của hơn 20 năm kinh nghiệm nghiên cứu và điều trị cho các bệnh nhân nghiện tại khu dân cư East Downtown, “thủ phủ hàng trắng” của thành phố Vancouver, Canada. Gabor Maté đưa chúng ta bước vào thế giới nghiện với những câu chuyện có thật từ chính trải nghiệm điều trị của mình. Mỗi bệnh nhân là một nhân vật hiện lên trong bức tranh đó. Ở đó, có Eva ngoài 30 tuổi, dáng người nhỏ thó, nhảy một điệu flamengo trong tình trạng phê thuốc trên đường phố Hastings. Có Randall, thi sĩ, bàn luận miên man về lịch sử châu Âu, dù nghiện rất nặng. Có Ralph, trí tuệ thiên phú, đọc làu sử thi Iliad và xổ một tràn tiếng Đức những lời triết gia Nietzsche viết trong cuốn Zarathustra đã nói như thế, mặc dù anh mắc chứng “rối loạn phân liệt cảm xúc, rối loạn ám ảnh cưỡng chế, rối loạn nhân cách chống đối xã hội” do ma túy gây ra. Ngay cả tác giả của cuốn sách này, bác sĩ Gabor Maté, cũng là một con nghiện. Ông nghiện nhạc cổ điển đến mức bỏ cả ăn uống, quên hết mọi thứ.
Ai chưa từng nghiện một thứ gì?
Từ “nghiện” (addiction) bắt nguồn từ động từ addicere trong tiếng Latin và có hai nét nghĩa. Nét nghĩa trung tính chỉ một hoạt động hay thói quen gắn liền với một mục đích thường là tích cực. Ví dụ, “nghiện trồng trọt” hàm ý một niềm đam mê đáng ngưỡng mộ. Nét nghĩa tiêu cực chỉ một người không có khả năng trả nợ và trở thành nô lệ của chủ nợ. Từ đó, “nghiện” mới có nghĩa là “nô lệ cho một thói quen”, và De Quincy -nhà văn người Anh thế kỷ XVIII-XIX, đã tự gọi thói quen nghiện thuốc phiện của mình là “xiềng xích nô lệ đớn hèn”.
Vậy ta phải tiếp cận “nghiện” từ góc độ nào để có một đánh giá đầy đủ về nó? Từ góc độ y học, xem nó là một căn bệnh với những triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh và phương pháp điều trị? Nếu thế, ta giải thích thế nào về những trường hợp nghiện hành vi, chứ không phải nghiện các chất? Thật vậy, có ai trong chúng ta chưa từng nghiện một điều gì đó trong đời? Nghiện cờ bạc, nghiện mua sắm, nghiện tình dục, nghiện ăn uống, thậm chí là nghiện quyền lực, chứ không chỉ là nghiện ma túy, giống như những bệnh nhân ở East Downtown. Vậy, nguyên nhân của nghiện có phải là đối tượng của nó? Nguyên nhân của nghiện ma túy có phải là ma túy, của nghiện cờ bạc có phải là những lá bài, v.v.?
– Không. Nghiện có nguồn gốc sâu xa hơn. Nó đến từ những tổn thương trong quá trình sống của mỗi người. Hầu hết những bệnh nhân nghiện của bác sĩ Maté tại East Downtown là những người đã trải qua những chuỗi ngày bất hạnh trước khi tìm đến ma túy như một cách để giải thoát khỏi những đau đớn thể xác và tinh thần, nhưng quan trọng và thâm sâu hơn là thoát khỏi “sự phi lý của đời sống”. Họ là những người có tuổi thơ và thời niên thiếu bị ngược đãi, lạm dụng tình dục, mất người thân, thậm chí là bị nhấn chìm vào “sự vô nghĩa của chiến tranh” như trong trường hợp của những người lính Mỹ tham gia chiến trường Việt Nam. Tất cả họ sống trong một hố thẳm, hố thẳm của hư vô – một sự trống rỗng ý nghĩa trong kiếp sống của mình.
Ý nghĩa làm người
Một triết gia đương đại từng than rằng: “Con người ngày nay khó tìm thấy ý nghĩa”. Thật vậy, ý nghĩa vẫn luôn là “Dấu hỏi vây quanh trọn kiếp người”, ám ảnh mỗi người chúng ta từ thuở bé cho đến khi “đinh đóng vào săng”, như lời thơ của Vũ Hoàng Chương. Nghiện không chỉ là biểu hiện của những thói quen lặp lại không ngừng, mất kiểm soát, bất chấp những hậu quả gây hại, mà nó còn gắn chặt với vấn đề ý nghĩa của đời sống. Nói đúng hơn, nghiện là tình trạng mất khả năng suy tư, cảm nhận và tìm kiếm ý nghĩa của việc ta sống trong đời. Những thương tổn cả về thể chất lẫn tinh thần mà những con nghiện trải qua đã khiến năng lực ấy của họ trở nên tê liệt. Để rồi chúng nhấn chìm và giam hãm họ trong những nỗi chán chường, ám ảnh, sự kiệt quệ, khiến họ trốn tránh thực tại trong những khoảnh khắc thăng hoa ngắn ngủi, rồi ném họ trở lại trong vực thẳm khôn cùng của sự vô nghĩa, sự rỗng không, sự bơ vơ đọa đày. Đó là cõi sống của những con ma đói, không phải là đói chất gây nghiện, mà là đói khát ý nghĩa làm người.
Gabor Maté tiếp cận vấn đề nghiện không chỉ từ góc nhìn lạnh lùng của một bác sĩ y khoa, ông còn nhìn sâu vào bản chất của từng con người, tìm kiếm những nguyên nhân gốc rễ và đề xuất những giải pháp lâu dài và ý nghĩa. Sau lời mở đầu, Gabor Maté đã trang trọng để một trích đoạn của nhà tâm lý học Alice Miller viết: “Nghiện thật ra là gì? Nó là kí hiệu, là dấu hiệu, là triệu chứng của tình trạng kiệt quệ. Nó là thứ ngôn ngữ kể cho ta biết về một nỗi thống khổ cần phải được thấu hiểu”.
Tác phẩm đã được dịch và Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam cùng Công ty sách San Hô ấn hành năm 2024. Tác phẩm dài 543 trang, phát hành trên toàn quốc.
Gabor Maté trình bày một định nghĩa đầy đủ về nghiện với bốn đặc điểm: 1. Bị cưỡng chế khi thực hiện một hành vi; 2. Mất khả năng kiểm soát hành vi; 3. Hành vi tái diễn không ngừng và dai dẳng, bất chấp tác hại; và 4. Tâm trạng bức bối, thèm khát vô cùng khi đối tượng không được thỏa mãn ngay lập tức.
Nguyễn Sỹ Nguyên (theo Giai phẩm xuân TGHN)
Ngày đăng: 5/2/2025
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này