
10:31 - 06/02/2025
Chúng ta phải thoát ra khỏi khung định vị
Một trong những vấn đề nổi cộm nhất hiện nay của con người chính là sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ, điều này sẽ đưa con người đến một viễn cảnh nào: trở thành những con người siêu nhân hay đứng trước thảm họa diệt vong?
Năm mới 2025, thêm một viễn cảnh mới về Trí tuệ nhân tạo AI đang dần trở nên ngày càng phổ biến ở Việt Nam, TGHN xin giới thiệu đến bạn đọc cái nhìn tổng quan về vấn đề này của triết gia Bùi Văn Nam Sơn và tiến sĩ triết học Trương Trọng Hiếu.
Con mèo đen chân lý trong bóng tối
Theo triết gia Bùi Văn Nam Sơn, nhiệm vụ của triết học là gợi vấn đề cho con người băn khoăn, suy tư và tìm giải pháp. Dù triết học chẳng giải quyết được vấn đề gì nhưng bất cứ điều gì nó cũng có thể đề cập được. Vậy trong thời đại thế giới đầy biến động và liên tiếp những thảm họa từ dịch bệnh đến chiến tranh đã và đang xảy ra gần đây khiến cho chúng ta phải nhìn nhận lại về tương lai thế giới sẽ ra sao?
Có 5 từ khóa mà chúng ta sẽ bàn đến với viễn kiến về tương lai thế giới, đó là:
1) Chúng ta đang sống trong một thế giới của khoa học và công nghệ (KHCN)- vai trò của KHCN đã đặt ra vấn đề gì? Tác động của KHCN đối với thế giới hiện tại ra sao?
2) Lịch sử triết học là lịch sử bàn về cái gì nếu không bàn về thế giới bên ngoài? Những tâm tư, chủ quan – tức vai trò của con người chủ thể trong lao động trí óc cùng những hoạt động truyền thống của triết học – nội tâm hóa chủ thể hóa sẽ diễn ra thế nào?
3) Chúng ta là những con người sống thật, nhưng chúng ta đang sống đời sống tinh thần hay chỉ là thể xác? Điều này liệu có dẫn đến cuộc xung đột giữa tinh thần và thể xác hay không?
4) Con người làm nên lịch sử hay lịch sử tạo ra con người? Quan niệm về sử tính của con người hiện đại như thế nào?
5) Những ứng xử của con người hiện đại trước bốn vấn đề đã đặt ra trong bối cảnh hiện nay. Trách nhiệm con người – chúng ta có thể từ khước nó hay không? Ta phải nhận diện thời đại của chúng ta, nắm bắt thời đại của chúng ta bằng tư tưởng gì?
Trong khuôn khổ bài viết này tôi chỉ xin đưa ra từ khóa thứ nhất, đó là khoa học công nghệ sẽ mang đến cho thế giới con người những điều gì và con người sẽ phải ứng xử với nó như thế nào.
Ông Bùi Văn Nam Sơn lý giải, khoa học kỹ thuật ngày trước cũng như khoa học công nghệ hiện đại ngày nay đều hỗ trợ cho mọi hoạt động tinh thần của con người, khoa học tự làm nền tảng cho chính mình và cho mọi hoạt động khác. Triết học như một bà mẹ chứa tất cả các con (khoa học) của nó, và bà mẹ triết học cổ đại không còn gì nữa cả vì những đứa con khoa học đã trưởng thành. Rõ ràng triết học đã bị tiêu hao hoàn toàn trong khoa học.
Vậy phải chăng triết học đã hoàn thành nhiệm vụ? Nó có trở nên thừa thãi trong thời đại hiện nay hay không? Nếu như vậy phải chăng khoa học có thể tự đặt cơ sở và tự biện minh cho chính mình, và như thế nó không cần và không thể bị phê phán, nói cách khác nó trở thành cái tuyệt đối?
Trong khi đó những đại triết gia ở thế kỷ XX đã có những nhận thức mạnh mẽ. Như Martin Heidegger cho rằng: Khoa học là không suy tư, còn công nghệ kỹ thuật là một hiểm họa đã biến tất cả mọi vật trên thế gian này thành công cụ- vật liệu cho khoa học và thúc đẩy tham vọng quyền lực.
Phải chăng con người phải lựa chọn một bên là chủ nghĩa duy khoa học, quy giản mọi thứ thành lý tính công cụ và bên kia là phi lý tính? Vậy còn có lựa chọn thứ ba hay không? Phải chăng khoa học công nghệ đã tát cạn hết mọi năng lực của con người?
Khoa học sở dĩ không suy tư vì nó không có năng lực suy tư, nó chỉ nhận diện chính xác những gì thực tại hé mở cho nó mà quên rằng thực tại bao giờ cũng có hai mặt ẩn và hiện, khoa học chỉ khám phá mặt hiện chứ không bao giờ khám phá được mặt ẩn, và đó là thách thức lớn cho khoa học.
Đầu thế kỷ XXI người ta đã đặt câu hỏi về bản thân khoa học và bên cạnh những hậu quả của nó mà ta đã thấy như vấn đề biến đổi môi trường, tài nguyên cạn kiệt…
Con người không thể phi lịch sử, ngược thời gian trừ khi ta quan niệm chẳng có gì hay không có gì đáng để bàn, vì cuối cùng thì loài người sẽ bị diệt vong, vv..
Tuy nhiên trong phạm vi con người cá nhân, ta vẫn tin vào giá trị cổ truyền, tin vào tổ tiên, làng xóm… cùng các quan hệ gia đình thông thường. Về mặt triết học, trừ lòng tốt của con người cá nhân không gặp vấn đề gì… nhưng nếu ở một phương trời xa, rộng hơn, nếu vũ trụ này không còn nữa thì chúng ta còn có coi vấn đề đạo đức là quan trọng trong mối quan hệ cá nhân hay không?
Triết gia Immanuel Kant có một vai trò rất lớn, ông cho rằng chúng ta phải có lý tính đạo đức làm chức năng điều hành, tức cần có ý niệm điều hướng: phải xem con người là cứu cánh chứ không phải là phương tiện. Vì thế ta phải bảo tồn loài người. Câu hỏi đặt ra là loài người có đáng bị tiêu diệt không? Tại sao ta phải lấy bảo tồn nhân loại, bảo tồn con người là nền tảng cho tương lai con người?
Từ đó ta giả định một nguyên tắc đạo đức tối thiểu đó là con người là nền tảng của tương lai nhân loại, vậy thì ta bảo tồn con người hay công nghệ? Phải chăng trí tuệ nhân tạo là một sản phẩm lịch sử do con người tạo ra, công cụ mặc nhiên, vô ý thức và liệu đó là một sản phẩm mù quáng khách quan của con người?
Kỳ cùng ta phải lấy việc bảo vệ loài người làm nền tảng thì ta mới nhìn rõ hơn trí tuệ nhân tạo.
Có học giả cho rằng, trí tuệ nhân tạo sẽ mượn con người để tự tạo ra một cảnh giới khác. Đó là thách thức vô cùng thú vị nhưng cũng đầy nguy hiểm của các nhà khoa học.
Trí tuệ nhân tạo có bảo tồn được hạnh phúc không? (tương tự như câu hỏi là trí tuệ nhân tạo có đem lại hạnh phúc cho con người không?)
Ngày hôm nay, khái niệm gọi là ý thức trách nhiệm (có những triết gia gọi là nguyên lý trách nhiệm) mà chỉ có ở con người là con vật duy nhất có ý thức này. Giờ đây, có thật sự điều này chỉ có ở con người và phải chăng trí tuệ nhân tạo cũng sẽ có?
Vì vậy môn đạo đức học là vấn đề then chốt của con người thời đại này, đó cũng là một câu hỏi mà chúng ta sẽ trả lời trong tương lai: con người sống với nhau thế nào?
Nếu không giải quyết được vấn đề đạo đức học ta sẽ không giải quyết được ý thức trách nhiệm của con người sẽ sống với nhau thế nào trong thời đại có một “con người khác” được giả lập là AI cũng đang tồn tại cùng.
Trong trường hợp đó, triết học làm gì?
Có một điều khá nặng nề là không ai thay triết học để làm dùm cho nó cả, trong lúc các nhà khoa học lo việc chuyên môn của họ… vì vậy ai sẽ trả lời câu hỏi này? Triết học “biết thân biết phận” của nó vì thế bản thân triết học sẽ thêm vào những tư duy của các nhà tri thức. Vì thế, con người vẫn luôn cần có lao động trí tuệ để vừa có khoa học vừa có ngôn ngữ riêng của chúng ta.
Chúng ta đi vào triết học chính là đi vào bắt con mèo đen trong bóng tối, nhưng có con mèo đen hay không chúng ta không biết, nhưng chúng ta chắc chắn là có điều gì đó trong bóng tối vì thế chấp nhận việc ứng xử với nhau để cùng đi tìm con mèo chân lý, đó là cộng đồng khoa học lý tưởng đi tìm con mèo đen đã ngồi chờ sẵn đợi chúng ta.
Chúng ta có phải chạy trốn?
Theo Tiến sĩ Trương Trọng Hiếu: Heidegger đưa ra một phân kỳ về sử tính hoạt động của con người. Nếu trước đây, theo cách dùng từ tiếng Đức của Heidegger, ông đã dùng chữ “hervorbringen” nghĩa là mang sự vật từ chỗ ẩn mình được xuất lộ ra ngoài các hoạt động tạo tác chẳng hạn như tác phẩm nghệ thuật, sử thi, các công trình điêu khắc, kiến trúc, trong khi công nghệ hiện đại ngày nay thì ông dùng từ “herausfordern” nghĩa là khai thác, bóc lột, đòi hỏi, thách thức sự vật. Và do đó, ông cũng dùng từ rất nổi tiếng là “gestell” mang nghĩa đóng khung, đặt để sự vật.
Khái niệm Gestell được Heidegger sử dụng cho việc đặc trưng hóa và là công cụ để phê phán công nghệ hiện đại. Đó là sự đặt để, luôn cố định, xác định dẫn đến một cái khung – mà ở đấy chúng ta tư duy, chúng ta sống trong khuôn khổ đã được quy định, khiến chúng ta không thể tư duy khác hơn cái khung ấy, thậm chí chúng ta không có lối thoát ra khỏi bố cục ấy. Theo tôi, khái niệm này khá gần gũi với những quan điểm của Marx về cái gọi là cơ sở hạ tầng, kiến trúc thượng tầng, tồn tại xã hội. Marx cũng đi từ những điều kiện này để đưa ra vấn đề về cách tư duy, lối sống, thiết chế của chúng ta bị chi phối bởi những điều kiện như vậy. “Có lần tôi trao đổi với một thầy trong trường về khái niệm “gestell” và ông có nói một câu đùa vui là: khái niệm này dịch sang tiếng Anh chính là “Diposition” tương tự như GPS (Hệ thống định vị toàn cầu). Tất nhiên chỉ là câu nói vui. Nhưng thử ngẫm lại, chúng ta đang sống trong công nghệ hiện đại, nghĩa là chúng ta đang sống trong mạng lưới mà ở trong đó, chúng ta đã bị thiết định bởi một trật tự, bị định vị, luôn diễn ra trong một cấu trúc rất toàn thiện- GPS: hệ thống định vị toàn cầu. Trật tự toàn cầu đều đang bị chi phối bởi công nghệ, chúng ta bị đặt để trong đấy, cách suy tư của chúng ta bị thiết định trong trật tự đấy, và bản thân chúng ta cũng là những đơn vị, những tọa độ được định vị trên mạng lưới định vị toàn cầu đó”, ông Hiếu chia sẻ.
Lâu nay chúng ta cũng đã bàn đến công nghệ với những hình thức thống trị mới, hình thức quyền lực mới, hay… đều xuất phát từ luận đề triết học là để đưa đến chủ nghĩa tân tự do, chủ nghĩa tư bản, đặc biệt là đối với công nghệ. Như chúng ta đều biết, công nghệ ngày nay và chủ nghĩa tư bản là hai thứ cộng sinh rất chặt chẽ với nhau và mạng lưới định vị toàn cầu chính là chế độ toàn trị của chủ nghĩa tân tự do. Tất nhiên công nghệ cũng mang lại lợi ích, chẳng hạn như việc di chuyển trở nên dễ dàng hơn, nhưng đồng thời chúng ta cũng trở thành một tọa độ trong trật tự của công nghệ. Chúng ta có thật sự tự do hay không và đây là lúc chúng ta sẽ đặt lại câu hỏi về tự do. Trong GPS chúng ta không có lối thoát, chúng ta hoàn toàn trong suốt trong trật tự của công nghệ, chúng ta không còn vùng tối, không còn điểm mù, không còn góc khuất… chúng ta từng rất quan tâm đến một chủ đề lớn là công khai, minh bạch. Nhưng GPS sẽ không còn cho chúng ta một lối thoát nào nữa, vậy thì chính sự minh bạch bây giờ lại là điều đáng bị phê phán.
Có cách gì đó để chúng ta thoát khỏi sự khống chế của bối cảnh công nghệ hiện đại, tìm một nơi ẩn náu để thoát ly khỏi công nghệ? Nó có hiệu nghiệm không hay là nó có tương lai không? Hãy tưởng tượng cả loài người chạy trốn công nghệ thì sẽ như thế nào? Và giải pháp nào là khả thi? Trong trường hợp người ta muốn tìm anh thì dù anh có trốn trong hang ẩn hẻm núi hay đáy sâu thăm thẳm người ta vẫn tìm ra, liệu sự chạy trốn này có phải là một cách giải thoát tiêu cực hay không?
Triết học, cùng với sự phê phán, sẽ có những thái độ chựng lại bằng những chức năng phản tỉnh để nhìn lại cách suy nghĩ trước đó. Không có nghĩa là sau sự phản tỉnh đấy chúng ta lại tuyệt đối hóa những thứ mới hay đối lập hoàn toàn. Trong tác phẩm Giáo dục và ý nghĩa cuộc sống, Krishnamurti viết: “Sự tiến bộ về công nghệ có thể giải quyết được một số vấn đề nào đó, cho một số cá nhân nào đó, ở mức độ nào đó, nhưng nó cũng đem đến những hệ lụy lớn hơn và khó lường hơn. Sống mà không đếm xỉa gì tới toàn bộ diễn trình cuộc sống chẳng khác nào đang mời gọi sự khốn cùng và sự hủy hoại. Nhu cầu lớn nhất và cấp bách nhất đối với mỗi cá nhân là có sự hiểu biết toàn diện về cuộc sống, điều đó cho phép anh ta đương đầu với những hoàn cảnh ngày càng diễn biến phức tạp hơn.
Kiến thức công nghệ, dù cần thiết đến đâu, sẽ không thể nào giải quyết được những áp lực và xung đột trong nội tâm con người; và cũng chính vì ta sở đắc kiến thức kỹ thuật mà không hiểu gì về toàn bộ diễn trình của cuộc sống nên kỹ thuật lại trở thành một phương tiện hủy hoại chính ta.
Người biết cách tách một nguyên tử nhưng không có tình yêu trong tâm hồn sẽ trở thành quỷ dữ”. Đúng vậy, con người đi đến với tự do vẫn là hành trình trường kỳ nhất và là câu hỏi lớn nhất nơi thế giới đầy biến động trong thời đại công nghệ được đặt ra, và ta tiếp tục hy vọng vào những suy tư lớn của con người để con người luôn là nền tảng cho tương lai nhân loại.
Ngân Hà (theo Giai phẩm xuân TGHN)
Ngày đăng: 6/2/2025
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này