
10:02 - 08/02/2025
Chợ Mỹ ngợp hàng Tết Việt
Cách đây 10 năm, vô chợ Việt ở Mỹ rất dễ sầu khi thấy trên kệ chất đầy gạo “Ba cô gái” in bao bì tiếng Việt rõ ràng nhưng made in Thailand. Bây giờ, gạo đặc sản ST24, 25 ông Cua không khó tìm. Người Việt trên đất Mỹ vui vì cảm thấy quê hương đã rất gần.
Giáp tết âm lịch năm nào ông Long (52 tuổi) cũng lái xe chở cả nhà vượt hơn 300km từ Florida đến Atlanta để đi chợ tết. Mặc dù những năm gần đây, ở tiểu bang của ông Long không phải là không mua được hàng Việt. Nhưng cái chính theo như lời ông nói, là để “được tắm mình không khí tết của người Việt”.
Nước Mỹ có ba nơi mà khi đến đó, người gốc Việt cảm giác như đang hồi hương, đó là Little Saigon (California), Atlanta (Georgia) và Houston (Texas). Tại bang Georgia, ngoài chợ Hong Kong – City Farmers Market (đại lộ Jimmy Carter) – nổi tiếng, ở thủ phủ Atlanta còn có một chợ khác có hẳn tên là chợ Sài Gòn – nằm ở 5000 Buford Hwy, TP. Chamblee. Đây là hai ngôi chợ do người Việt làm chủ và chuyên bán các sản phẩm cho người Việt.
Trước Tết Nguyên đán gần một tháng, các ngôi chợ này rực rỡ hẳn lên bởi những tiểu cảnh hoa mai, hoa đào bằng vải báo hiệu mùa xuân về. Chợ Hong Kong là ngôi chợ châu Á lớn nhất tại bang Georgia, cung cấp nhu yếu phẩm từ nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của cộng đồng người Việt tại đây. Các sản phẩm nhập từ Việt Nam sang khá nhiều, chủ yếu là các sản phẩm thực phẩm đóng gói, thủy sản đông lạnh và trái cây các loại… Khách tới chợ có thể mua từ trà, cà phê, mứt, bánh tráng, bún khô, cho đến tiêu, tỏi, bột nghệ, bột cà ri, nước tương, mắm, khô, thủy hải sản đông lạnh… Những năm gần đây, khi kim ngạch thương mại hai chiều gia tăng, các bà các chị đi chợ mắt còn sáng rỡ khi mua được cả nguyên trái sầu riêng hạt lép chính hiệu Cái Mơn… cũng đông lạnh nốt.
“Gần tết, bánh mứt của người Việt bày bán nhiều. Ngoài hàng từ Việt Nam, nhiều sản phẩm do chính người Việt làm từ Cali, Texas… mang sang. Thậm chí lá dong, lá chuối để gói bánh chưng bánh tét,… cũng được trồng ở các trang trại của người Việt”, chị Diana Nguyễn, quản lý một cửa hàng tại Chamblee nói.
Điều thú vị nhất là các loại rau gia vị, theo chị Diana Nguyễn, ở Atlanta mùa đông không trồng được, nên phần lớn phải nhập từ các bang ở miền Nam nên giá khá đắt.
Tôi ngạc nhiên khi thấy ở chợ Sài Gòn còn bán cả cau, trầu, giấy tiền vàng bạc… phục vụ cho nhu cầu cúng kiếng, cưới hỏi. Đem thắc mắc đi hỏi, ông Long trầm ngâm nói: “Chưa bao giờ trong tâm tưởng của mấy triệu di dân gốc Việt không quay quắt nhớ về chốn quê nhà. Và các món ăn, quà bánh là những cái cụ thể thay thế cho những nỗi nhớ nhung trừu tượng mà người ta không thể chạm tới được”.
Ví như ông Terry Tân ở Texas, nhiều năm trước có lần về bắt bạn tìm mua bằng được mấy hộp bột bần. Bần chua là thứ không lạ gì với người từng sống ở đồng bằng sông Cửu Long, một loại gia vị nấu canh chua cá ngon có hạng. Chẳng hiểu làm cách sao ông Tân biết được 10 năm trước ở cù lao Long Trị xứ Trà Vinh có người tìm ra cách thức chế biến bột bần đóng hộp và xuất khẩu. Hay tin như bắt được vàng, ông ước được ăn một tô canh chua cá ngát, hay cá tra cũng được nấu bần, nhưng hiềm một nỗi bột bần chưa qua tới Mỹ.
Giờ đây, chợ tết Việt trên đất Mỹ ngoài bánh chưng bánh tét, trái cây để chưng mâm ngũ quả, và pháo (nước Mỹ vẫn cho phép dân châu Á đốt pháo theo truyền thống dân tộc của họ), còn có đủ hoa đào, mai, vạn thọ, cúc, hồng, thược dược… Để cho mâm cúng rước ông bà ngày cuối năm của người tha hương được đủ đầy, bà con còn “sáng kiến” xuất sang cả cá kho Vũ Đại, bánh tráng phơi sương và bắp nướng mỡ hành…
Những khu chợ chất chứa hồn cốt Việt như thế đã giúp hàng triệu người con xa xứ phần nào vơi bớt đi nỗi nhớ quê hương. Và trong nỗ lực tìm kiếm cảm giác thân thuộc trên vùng đất lạ, những người Việt di cư đã mang theo di sản của ông cha và làm phong phú thêm lên bản đồ văn hoá – ẩm thực của nước Mỹ.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản tháng 11/2024 ước đạt 5,3 tỷ USD, tăng 13,9% so với tháng 11 năm 2023; đưa tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 11 tháng đầu năm 2024 đạt 56,74 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản đạt 29,78 tỷ USD, tăng 23,2%; giá trị xuất khẩu thủy sản đạt 9,2 tỷ USD, tăng 11,8%.
Về thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ là nước dẫn đầu với thị phần chiếm 21,7%, tiếp theo là Trung Quốc với thị phần 21,6% và Nhật Bản với thị phần 6,6%.
Bài và ảnh Diệu Thuỳ (theo Giai phẩm xuân TGHN)
Ngày đăng: 8/2/2025
Có thể bạn quan tâm
Bạn trẻ nghĩ gì về ‘chuyển hóa bản thân’ cho sự nghiệp?
Hai đầu nỗi nhớ bánh tráng dừa
Vòng xoáy đi xuống và những niềm hy vọng mở ra
Fintech Việt trong dòng vốn tỷ đô và ‘chung nhà’ với ngân hàng
Nối nghiệp ở Việt Nam đã trôi chảy hơn
Tags:chợ mỹhàng Tết Việt
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này