10:59 - 01/02/2024
‘Cây hoa bản địa’ nguồn cảm hứng miền sơn cước
10 năm Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh tổ chức, mỗi năm có hàng chục dự án từ các bạn trẻ là người dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia.
Càng về sau này, dự án càng hướng đến tính cộng đồng, bền vững, tạo thêm công ăn việc làm cho bà con đồng bào dân tộc vùng núi còn nhiều khó khăn từ chính các loài cây hoa bản địa. Năm 2023, Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh các dự án vào vòng chung kết từ bạn trẻ đồng bào DTTS không chỉ tạo sinh kế cho bản thân, cho đồng bào mà còn đưa những sản phẩm ngon, lạ đến người tiêu dùng. Đặc biệt, họ đã biết liên kết các nguồn lực hỗ trợ của các đơn vị, tổ chức để phát triển mạnh hơn.
Từ chè ống lam…
Luôn xuất hiện với bộ đồ truyền thống của dân tộc Dao, cô gái Đặng Thị Dất (23 tuổi) từ Bắc Kạn năng động, nhiệt tình giới thiệu về những ống chè (trà) lam gác bếp từ chè Shan tuyết. Chè ống lam hiểu đơn giản là sản phẩm trà được bảo quản trong ống cây nứa tươi, vừa giúp chè không bị hỏng, còn làm cho vị trà được nâng tầm khi có chất nhựa từ cây nứa tươi tiết ra qua các công đoạn chế biến.
Doanh nông Nguyễn Lâm Viên – Tổng giám đốc Vinamit – thành viên Ban giám khảo cho biết, nhìn chè đựng trong ống nứa rất thu hút, khác biệt, lại dùng những miếng vải có hoa văn của dân tộc Dao để bịt các đầu, càng khiến mắt người ta phải chú ý.
Nói về những sản phẩm của mình, Đặng Thị Dất cho biết, “Chè Shan tuyết được hái vào sáng sớm khi vẫn còn sương và chế biến ngay. Sau khi được nhồi vào ống nứa sẽ hơ qua lửa cho đến khi ống nứa bắt lửa đều mà không bị cháy vỏ ngoài, những búp trà bên trong hút lấy nhựa cây bắt đầu lên men tự nhiên bằng mật ong rừng và nước của ống nứa tươi, sau đó được treo trên gác bếp cao hơn mới tạo thành thành phẩm”.
Theo chị Dất, trà ống nứa bảo quản được lâu hơn so với trà sấy khô bình thường, thậm chí để càng lâu, trà sẽ đạt được hương vị tốt hơn. Đặc biệt, sản phẩm nhỏ gọn tiện lợi, dễ dàng vận chuyển khi làm quà tặng.
… Mác mật – mỹ vị cho thịt nướng
Trong khi đó, với sản phẩm “Heo dẻo mác mật” của cô gái Tày Lăng Thị Thơ (thôn Bản Lếch, xã Bắc Hùng, huyện Văn Lãng, Lạng Sơn) cũng để lại ấn tượng không kém. Người dân Lạng Sơn xưa nay nổi tiếng với nghề chăn nuôi heo. Mác mật (mắc mật) là cây gia vị đặc trưng của tỉnh nổi tiếng với các món ăn như heo quay mác mật, vịt quay mác mật…
Với mong muốn tạo ra sản phẩm đặc trưng, Lăng Thị Thơ đã nghiên cứu thị trường cũng như những loại gia vị sẵn có của tỉnh để tạo ra sản phẩm mới là heo dẻo mác mật. Thơ đã mang sản phẩm đi kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia để xác định các chỉ tiêu chất lượng. Kết quả sản phẩm heo dẻo mắc mật đảm bảo các chỉ tiêu về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Thơ cho hay, nguyên liệu để sản xuất heo dẻo mác mật là thịt heo tươi, lá, quả mác mật ướp từ 12 – 15 giờ đồng hồ ở điều kiện nhiệt độ thấp. Thịt sau khi ngấm gia vị được xếp ra khay cho ráo nước, sau đó cho vào lò nướng chín. Khi thịt chín sẽ đưa sang lò sấy, sấy đến khi miếng thịt se lại, dẻo dai là đạt yêu cầu. Do không chứa chất bảo quản nên ngay khi thịt nguội thì tiến hành đóng gói, hút chân không rồi cấp đông.
Thơ kể, trước kia khi mình đi học đại học, nhiều người bản mình nghĩ rằng, phụ nữ nên an phận ở nhà lấy chồng, sinh con. Họ cũng không tin phụ nữ có thể khởi nghiệp tốt. Nhưng giờ đây, người dân quê mình đã có cái nhìn khác về điều này.
Đến đường “Tr’đin – đủng đỉnh”
Tại Quảng Nam, anh Phạm Thanh Hoàng, Huỳnh Bách Khoa và Vũ Cao Yến Nhi nhiều năm nay đã biến cây Tr’đin (đủng đỉnh) thành một sản phẩm đang được nhiều đối tác, doanh nghiệp quan tâm, với dự án: “Forest Foods – Đường tự nhiên hữu cơ”. Đây là dự án đạt giải Nhì cuộc thi toàn cầu về Sáng tạo Kinh doanh Xã hội (Social Business Creation – SBC) diễn ra tại Canada vào đầu tháng 10.2023, sau khi vượt qua hơn 150 dự án đến từ trên 20 quốc gia.
Anh Hoàng kể, trong những chuyến công tác ở huyện miền núi Tây Giang (tỉnh Quảng Nam) được trải nghiệm loại rượu đặc trưng, chiết xuất từ cây Tr’đin của đồng bào Cơ tu. Đây là loại cây bản địa với nhiều dược tính. Với mong muốn tạo sinh kế cho bà con Cơ tu, anh đã liên kết với người dân để ươm trồng cây Tr’đin và mở rộng vùng nguyên liệu với mục đích ban đầu là sản xuất nước đóng lon.
Qúa trình nghiên cứu, nhóm anh Hoàng đã cho ra dòng sản phẩm đường tự nhiên từ cây Tr’đin (siro Tr’đin), loại đường tốt cho sức khỏe có chứa hoạt chất polyphenol trị bệnh tiểu đường. Khi sử dụng, siro Tr’đin không làm tăng lượng đường huyết, có các chất chống ô-xy hóa, vitamin và khoáng chất tăng cường sức đề kháng tương tự giống mật ong tự nhiên.
Anh Hoàng cho biết, nhu cầu của người tiêu dùng về các loại đường thay thế có hàm lượng calo thấp hơn đang gia tăng, việc ra mắt sản phẩm đường từ cây Tr’đin đáp ứng xu hướng sức khỏe này.
Theo anh Hoàng, dự án “Forest Foods – Đường tự nhiên” có nhiều tác động về môi trường. Việc ươm, trồng cây Tr’đin tại Tây Giang không chỉ phát triển vùng nguyên liệu phục vụ sản xuất mà còn góp phần tăng độ che phủ rừng, tái tạo và giữ nguồn nước; từ đó, giảm tác động của biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, tái tạo hệ sinh thái, môi trường sống cho động, thực vật và trung hòa carbon, hướng đến thực hiện mục tiêu Net Zero tại COP26.
“Forest Foods – Đường tự nhiên” là 1 trong 5 dự án được chọn ươm tạo trong chương trình Finc tại Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES). Dự án đã mang lại hiệu quả và tác động, khi hỗ trợ hơn 100 hộ gia đình người dân tộc thiểu số tham gia trồng thu hoạch và tiêu thụ nông sản, cây Tr’đin; tạo ra việc làm và thu nhập ổn định cho hơn 500 lao động địa phương…
Từ những mùa Khởi nghiệp xanh trước đây, có thể thấy, nhiều dự án như Mật hoa dừa Sokfarm (Trà Vinh), chẩm chéo (Sơn La), dệt tơ tằm (Nghệ An)… đã tạo ra không ít công ăn việc làm cho người dân tộc địa phương, giúp họ có thêm thu nhập ổn định từ chính những cây trồng bản địa của quê hương mình.
Và hoa rừng – Pơkao
Nhiều năm qua, Chương trình trao đổi lâm sản ngoài gỗ (NTFP-EP Việt Nam) và Caritas Đà Lạt là hai đơn vị có những hoạt động gắn bó với Tổ hợp tác ong Pơkao. Thông qua dự án: “Phát triển sinh kế cho người dân tộc Cil qua việc tăng giá trị mật ong rừng tại xã Đưng K’ Nớ” của tổ hợp tác ong Pơkao, đã giúp cuộc sống của đồng bào DTTS nâng lên đáng kể.
Tại chung kết Cuộc thi Dự án Khởi nghiệp xanh 2023, đại diện cho Tổ hợp tác ong Pơkao là 3 bạn trẻ, K’ Lòng Mai Thơm, Long Đinh Ha Ônh, và Bon Niêng Ha Siêng.
Với vốn tiếng kinh chưa sõi, nhiều câu, từ còn khó nghe, chị K’ Lòng Mai Thơm cho biết, xã Đưng K’nớ, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, có 96% là người dân tộc Cil. Người dân chủ yếu là trồng cà phê, thu hoạch lâm sản ngoài gỗ như mật ong, măng và lan. Đồng bào người Cil ở đây từ lâu nổi tiếng với nghề săn mật ong rừng truyền thống. Khi phát hiện tổ ong, họ sẽ đánh dấu tổ bằng cành cây hay viết tên lên cây để mọi người biết.
Khi được Caritas Đà Lạt và NTFP-EP Việt Nam đồng hành, cộng đồng Đưng K’Nớh có cơ hội đi giao lưu học hỏi nhiều nơi, bà con bắt đầu nhận thức rằng không thể phụ thuộc vào mỗi cây cà phê, mà cần phát triển thêm những sản phẩm sẵn có từ địa phương. Vì vậy, họ đã cùng nhau thành lập nhóm cộng đồng khai thác và kinh doanh mật ong rừng mang tên Tổ hợp tác ong Pơkao vào năm 2021. Pơkao theo tiếng Cil nghĩa là “hoa rừng”.
Mật ong sau khi thu hoạch, sẽ dùng thùng inox có màng lọc để lọc mật, tránh lẫn dịch của ấu trùng và bụi bẩn. Sau đó dùng công nghệ tách thủy phần giúp cô đặc và giữ nguyên dưỡng chất mật tự nhiên. Chính nhờ việc khai thác, thu hoạch mật ong bền vững không dùng khói và hóa chất đảm bảo sự tái tạo sinh học đã mang đến cho khách hàng sản phẩm tiêu dùng an toàn và thân thiện.
Tổ hợp tác cũng được NTFP – EP Việt Nam hỗ trợ tham gia những khoá tập huấn tiếp thị kỹ thuật số, quảng bá thương hiệu, kết nối thị trường thông qua các hoạt động lễ hội, triển lãm, trưng bày sản phẩm ở cửa hàng.
“Mùa mật ong thường tập trung từ tháng 4 đến tháng 6 âm lịch, từ buôn làng ở đến chỗ lấy ong đi bộ khoảng một ngày. Sau khi đến nơi sẽ dựng lán trại nấu ăn và ngủ qua đêm, sáng mai mới bắt đầu đi thu hoạch ong. Chúng tôi chỉ lấy mật ong chứ không hái luôn tổ ong, nên có thể khai thác mật ong trong một tổ được lâu dài. Mật ong Pơka thường có hai loại, mật ong treo ở trên tổ cao màu vàng trong và mật ong đất nằm trong hốc cây – hốc đá màu nâu sẫm”, anh Long Đinh Ha Ônh nói.
Hiện Tổ hợp tác ong Pơkao với khoảng 37 thành viên, trung bình một năm khai thác khoảng 250 lít mật, với giá bán trên 900.000 đồng/lít mật ong, đã mang lại một nguồn thu nhập đáng kể cho người tham gia trong tổ hợp tác.
Giám khảo Phạm Trọng Chinh, chuyên gia thị trường khuyên 3 bạn trẻ dân tộc CIL rằng, “câu chuyện của các bạn về quá trình khai thác, bảo quản mật ong rất hay, rất bền vững và được thế giới ngợi khen, hãy viết câu chuyện đó lên bao bì sản phẩm của mình để mọi người biết và trân trọng, nâng niu giá trị của sản phẩm”.
Hiện Tổ hợp tác PơKao đang xây dựng tem nhãn thương hiệu, công bố tiêu chuẩn chất lượng và gắn tem truy xuất nguồn gốc, kết nối thị trường cho sản phẩm mật ong. Nhóm cũng đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp chứng nhận OCOP (mỗi xã một sản phẩm) giúp nâng tầm sản phẩm của địa phương.
Bài và ảnh Trí Dũng (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này