
22:32 - 07/02/2025
Bánh củ cải lấy hên
Sáng ba mươi tết, bà Lan nói vọng ra sau bếp, hối con dâu đem bánh củ cải đã làm từ tối hôm qua lên cúng ông bà.

Trong tiếng Triều Châu, củ cải có phát âm giống với may mắn. Vì vậy, ngày tết người Triều Châu thường cúng bánh củ cải.
Không riêng gì nhà bà Lan, ở khu người Hoa – Chợ Lớn cứ đến cuối năm là tranh thủ làm bánh củ cải. Không khí nhộn nhịp, chộn rộn, người này hỏi người kia: “Năm nay, nhà tui hai mươi tám tết làm, nhà bà chừng nào làm”? Rồi có khi rủ nhau cùng làm chung cho vui.
Bánh củ cải là một trong những món bánh truyền thống của người Hoa trong dịp lễ, tết. Trong tiếng Triều Châu, củ cải có phát âm giống với may mắn. Vì vậy, ngày tết người Triều Châu thường cúng bánh củ cải nhằm tượng trưng cho may mắn. Ngoài ra, người Triều Châu nổi tiếng giỏi làm bánh dành cho các dịp lễ tết. Nào là, bá trạng, bánh lá liễu, bánh hẹ, bánh tổ, bánh đại phát…
Ngoài ý nghĩa cát tường, dâng cúng ông bà, bánh củ cải là món cực kỳ thích hợp để chống ngán thịt cá, giò chả, bánh mứt… Do bánh có nguyên liệu chủ đạo là củ cải trắng, có vị thanh mát, hăng nhẹ, dễ ăn và lạ miệng. Không chỉ ngon mà củ cải trắng còn được coi là dược liệu nghe đâu giúp nhuận tràng, giảm ho, giảm cholesterol…
Nguyên liệu làm bánh củ cải khá đơn giản, chỉ có củ cải trắng, bột gạo, một ít bột há cảo. Củ cải trắng để làm bánh là loại củ trắng thon, chắc thịt, không bị xốp. Cũng thật trùng hợp, gần tết cũng là mùa củ cải nên dễ dàng lựa được củ cải ngon. Củ cải gọt vỏ, bào sợi, xào với dầu rồi trộn với hỗn hợp bột. Sau đó, cho vào khuôn hấp chín. Bí quyết giúp bánh củ cải thơm, mềm là phải xào củ cải.
Đó là kiểu làm bánh chay đơn giản, còn nếu làm bánh mặn thì nguyên liệu phong phú hơn. Nào là, đậu phộng, tôm khô, nấm đông cô, thịt ba rọi, lạp xưởng, ngũ vị hương… Tùy theo sở thích của mỗi người mà nguyên liệu cho vào bánh cũng thay đổi. Dù nguyên liệu làm nhân có khác nhau nhưng bước đầu tiên là phải xào nhân cho thơm. Đậu phộng nấu chín mềm. Trộn tất cả nguyên liệu đã xào chín, cùng đậu phộng, bột, củ cải vào, nêm gia vị vừa ăn rồi cho vào khuôn hấp.
Tùy theo khuôn lớn nhỏ, trung bình khoảng ba mươi phút là bánh chín. Chọt đầu đũa vào giữa khuôn bánh, nếu đầu đũa không bị dính bột là bánh đã chín.
Bánh củ cải ngon phải có độ mềm dai nhẹ, thoảng mùi thơm của củ cải quyện cùng bột gạo. Ăn bánh lúc bánh còn nóng sẽ có vị thanh mát, mềm béo. Ăn kiểu chiên thì thơm hơn, bên ngoài giòn, bên trong mềm.
Ngày tết, đem bánh củ cải trữ trong tủ lạnh cắt lát ra chiên, đập trứng dàn đều lên bánh, cho thêm hành lá cắt nhuyễn, rắc chút tiêu. Bánh củ cải chiên giống như món bột chiên có bán trên khắp khu người Hoa nhưng có hương thơm và vị ngon đặc sắc hơn. Xúc bánh ra dĩa, cho tương ớt phía trên, cho thêm nước tương pha với giấm Tiều chua chua sẽ càng bắt vị. Bánh vừa thơm vừa giòn, ăn còn ngon hơn cả lúc mới hấp xong. Bột gạo mềm hòa quyện với củ cải sần sật, ăn vào thật “đã” miệng. Có người lại thích ăn bánh củ cải theo kiểu bánh xèo. Chiên bánh, cuốn với cải xà lách, rau thơm, chấm với nước mắm chua ngọt, cũng ngon không kém. Làm bánh củ cải tuy có vẻ đơn giản nhưng thực ra không đơn giản chút nào nếu không có sự yêu thích.
Bánh củ cải được bán quanh năm, có thể mua ở các chợ hoặc một số tiệm bán điểm tâm và trên mạng. Có nơi bán bánh theo miếng nhỏ tầm 100g, giá từ 10.000 – 15.000 đồng/miếng. Có nơi bán theo ổ 500g hoặc một ký, giá từ 50.000 – 150.000 đồng/ổ.
Bánh củ cải thường được hấp trong khuôn hình có ý nghĩa đoàn viên, viên mãn. Còn bánh củ cải của người Hoa ở Sóc Trăng thì có dạng viên tròn, có tôm khô, thịt ba rọi và cần tây. Bánh chín, mùi củ cải, tôm khô, nấm đông cô… quyện vào nhau lan tỏa khắp nhà.
Ngày tết, cả nhà cùng nhau cắt cắt, gọt gọt làm bánh. Cùng xúm xít bên xửng hấp bánh nghi ngút khói, hít hà mùi thơm củ cải. Người Hoa làm bánh củ cải cũng như người Việt làm bánh tét. Người lớn mãn nguyện vì làm được mẻ bánh ngon, tròn trách nhiệm hiếu đạo với ông bà. Con nít thì nôn nao đợi cúng xong để được ăn. Gia đình tụ họp, quây quần tạo không khí đầm ấm, cảm xúc yêu thương không phải ai muốn cũng có.
Bánh củ cải dân dã, bình dị không chỉ là tấm lòng của con cháu dâng lên ông bà tổ tiên mà còn như lời gửi gắm mong ước tốt đẹp trong năm mới.
Bài và ảnh Minh Cúc (theo Giai phẩm xuân TGHN)
Ngày đăng: 7/2/2025
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này