
11:15 - 06/02/2025
AI trong giáo dục, một góc nhìn từ Việt Nam
AI rõ ràng sẽ tạo ra một cuộc cách mạng toàn diện trong lĩnh vực giáo dục trên toàn cầu trong tương lai không xa. Xu hướng AI thúc đẩy ngành giáo dục bằng cách cải thiện mức độ tương tác của sinh viên thông qua các khóa học tùy chỉnh, bài giảng trực tuyến, lớp học kết hợp trò chơi để nâng cao kỹ năng,… ngày một gia tăng.
Đó là lý do mà thị trường giáo dục AI toàn cầu được trang GMI – gminsights dự đoán sẽ vượt 20 tỷ USD vào năm 2027. Việt Nam đang tích cực triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, xác định giáo dục và đào tạo là lĩnh vực ưu tiên. Theo đó không thể không tính tới việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) cho cả thầy và trò để việc dạy và học ngày càng hiệu quả và có tính hội nhập cao trên trường quốc tế.
Dự án “Mở rộng tiếp cận giáo dục thông qua ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong dạy học ở Việt Nam” vừa khởi động vào tháng 12.2024. Đây là dự án có sự tham gia của các nhà nghiên cứu khoa học máy tính và giáo dục từ Vương quốc Anh (Đại học Birmingham City, Đại học Nottingham Trent) và Việt Nam (Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Trường Đại học Vinh, Trường Đại học Giáo dục – Đại học Quốc gia Hà Nội). Dự án cũng sẽ phối hợp với các trường học và nhà giáo dục tại Việt Nam để cùng phát triển các hoạt động sư phạm và xây dựng nguồn lực để thử nghiệm các công nghệ Trí tuệ nhân tạo mới nhất. Dự án liên ngành này sẽ tập trung phát triển các hoạt động cho giáo viên và học sinh từ nhiều khu vực khác nhau về việc sử dụng các công cụ AI để giảng dạy và học tập. Mà ba công cụ chuyên biệt được áp dụng ở đây là AI đàm thoại, mô hình ngôn ngữ lớn và hệ thống nhận dạng cảm xúc đa phương thức để thử nghiệm với giáo viên và học sinh tại sáu trường phổ thông tại Việt Nam. Theo các chuyên gia của dự án thì các công cụ AI được ứng dụng ở đây không chỉ là AI tạo sinh như nhiều nơi đang sử dụng mà đa dạng và toàn diện hơn. Học sinh và giáo viên trong khuôn khổ dự án có cả ở ba vùng là miền núi, nông thôn và thành phố. Dự án có mục đích tìm hiểu quan điểm của giáo viên và học sinh về việc sử dụng AI trong giáo dục ở Việt Nam, từ đó có thể đưa ra các đề xuất chính sách phù hợp.
Trong khi đó, tại một số trường, việc áp dụng AI trong dạy và học đã được các thầy cô thực hiện và có những kết quả tốt. Ví dụ như tại Trường THPT FPT Cần Thơ, đã có một nhóm các thầy cô sử dụng tài liệu học tập tích hợp AI nhằm hỗ trợ học sinh khối lớp 12 tự học ôn thi tốt nghiệp THPT môn Ngữ văn. Họ đã dùng công cụ Napkin AI để vẽ sơ đồ tư duy; dùng Invideo AI để xây dựng các video hướng dẫn, giảng giải kiến thức; sau đó dùng Briskteaching AI xây dựng các câu hỏi đánh giá, kiểm tra. Kết quả được công bố trong một hội thảo mới của hệ thống giáo dục FPT cho thấy có hơn 80% học sinh nhận thấy các nội dung được tạo ra từ AI mang đến những trải nghiệm tốt trong học tập môn Ngữ văn. Khi các thầy cô cùng làm việc với AI, sẽ có thể cải thiện trải nghiệm học tập cho các em học sinh. Và AI giúp tối ưu hóa quy trình giáo dục, nâng cao năng suất, đồng thời thu hút sự quan tâm của học sinh trong việc học.
Nhìn rộng ra, không ít thầy cô và học sinh, sinh viên tại nhiều trường khác nhau đã tự áp dụng Chat GPT, chatbot tích hợp AI khi dạy và học ở VN. Đó là chưa kể các nền tảng hỗ trợ học tập có ứng dụng AI như kỹ thuật phần mềm, thiết kế đồ họa, các app tự học online. AI được sử dụng trong nhiều môn học về khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, ngoại ngữ và Robotics…
Tuy nhiên, việc áp dụng AI vào giáo dục ở Việt Nam hiện nay vẫn còn những tồn tại đáng kể vì chủ yếu là tự phát. Ví dụ như một số trong các công cụ AI mã nguồn mở nếu dùng bằng tiếng Anh thì sẽ cho sự chính xác cao hơn khi sử dụng bằng tiếng Việt, do chúng đang được các công ty AI lớn trên thế giới phát triển từng bước và cung cấp cho người sử dụng. Kế đó là việc học sinh có thể dùng AI để làm bài tập, làm các bài thuyết trình thay vì tự làm. Và nếu không tỉnh táo, thầy cô có thể khiến cho học sinh dùng AI đạt điểm cao, mặc dù chúng không mất công sức lao động. Vì vậy nên theo tiến sĩ Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng Đại học FPT trong một hội thảo gần đây cho rằng các thầy cô cần thay đổi phương thức làm việc với học sinh. Ví dụ khi giao các bài tập về nhà thì phải tìm thử xem bài tập này AI giải thế nào rồi mới tính toán lại nội dung các bài tập đó. Ông Tùng cũng đề xuất mô hình “Lớp học đảo ngược” để thầy và trò có thể sử dụng AI. Đó là thay vì thầy cô giảng bài ở trên lớp thì các em sẽ tự học với sự trợ giúp của AI ở nhà, và thay vì các em làm bài tập ở nhà thì thầy cô sẽ cho làm bài tập trên lớp. Mô hình này sẽ áp dụng tốt nếu thầy cô hướng dẫn các em sử dụng các công cụ AI sẵn có để tự chuẩn bị, tự học và nếu có gì quá khó thì thầy cô sẽ hướng dẫn chỉ bảo thêm.
Ông Yann Lecun, giám đốc nghiên cứu của Meta AI Research mới đây đã tới Việt Nam và tham gia tọa đàm “Tương lai của trí tuệ nhân tạo” tại trường Đại học KHTN thuộc Đại học quốc gia HN ngày 5.12.2024. Ông cho hay AI rất hữu ích cho giáo dục vì nó sẽ giúp thay đổi cách kiểm tra và đánh giá học sinh; giúp các em tập trung vào hiểu biết sâu thay vì học thuộc, giúp vượt qua các rào cản ngôn ngữ trong giáo dục. Tuy nhiên ông cũng cho biết với giáo dục ở VN thì nên ưu tiên đào tạo cho giáo viên sử dụng AI trước; cần thận trọng với việc áp dụng AI ở cấp phổ thông trong khi tận dụng AI để cải thiện chất lượng giáo dục. Việt Nam không nên hạn chế AI mã nguồn mở, tạo điều kiện cho sự phát triển của công nghệ AI cũng như tham gia vào các quan hệ đối tác toàn cầu về AI.
Nguyễn Thị Bích Hậu (theo Giai phẩm xuân TGHN)
Ngày đăng: 6/2/2025
Có thể bạn quan tâm
Nguyễn Thị Ngọc Hải: Mơ ước về đồng bằng xanh
Một điểm chạm: niềm tin ở ngàn vị Việt
Cái ‘Tôi’ dễ vỡ
Một mai, có mai một?
Hoa trong ẩm thực vùng ĐBSCL
Tags:AI trong giáo dục
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này