
11:34 - 09/02/2021
2021, liệu có sự thay đổi vĩnh viễn của điện ảnh về cảm xúc tập thể bị chia rẽ bởi covid-19?
Một công bố đặc biệt của hãng Warner Bros. khiến cộng đồng yêu điện ảnh chia thành những luồng quan điểm trái chiều hiện nay là: năm 2021, toàn bộ 17 phim của hãng sẽ được tung lên mạng, cụ thể là trang xem phim trực tuyến HBO Max song song với việc chiếu phim ngoài rạp như một cách để ứng phó với đại dịch Covid-19.

Số lượng người đăng ký các dịch vụ xem phim theo yêu cầu như Netflix, Disney+ hay ở Việt Nam là Galaxy Play, DANET… ngày càng tăng.
Đây không phải là điều mới mẻ khi ngày trong năm 2020, nhiều bộ phim đã lựa chọn hình thức này như Wonder Woman 1984, chiếu tại rạp và HBO Max cùng một lúc, hay bộ phim Soul của hãng hoạt hình danh tiếng Disney.
Nhưng Wonder Woman 1984 và Soul là những sản phẩm riêng lẻ, nên được sự đồng thuận của đa số vì tính riêng lẻ và thời vụ, tính ứng phó thời điểm.Nhưng có vẻ với hãng Warner Bros. thì khác, họ đã vấp phải những chỉ trích nặng nề đến từ người hâm mộ và người trong ngành. Đạo diễn Denis Villeneuve, người đã thực hiện bom tấn khoa học viễn tưởng Dune cho hãng Warner Bros. tỏ ra vô cùng thất vọng và gọi đây là hành động “không có chút tình yêu nào dành cho điện ảnh”. Đạo diễn Christopher Nolan cũng chỉ trích và coi đây là hành động “không tôn trọng các nhà làm phim”.
Nhưng liệu đã đến lúc cần phải thay đổi mọi thói quen, quan niệm của những đạo diễn đang thủ cựu và ôm quá khứ điện ảnh huy hoàng về cách thưởng thức điện ảnh và rạp chiếu phim không còn là thánh đường nữa?
Vào cuối thế kỷ 19, thước phim Chuyến tàu vào ga của anh em nhà Lumieres được chiếu cho công chúng xem, và một câu chuyện được kể rằng, khán giả lúc đó đều rất hoảng sợ về hình ảnh chuyển động trên màn hình, họ có cảm giác chuyến tàu sắp tông vào họ. Phải chăng đó là lúc điện ảnh ra đời, điện ảnh chiếu rạp, nơi mà đám đông là một phần của bộ phim, họ sẽ có những cảm xúc đồng điệu với nhau về bộ phim, một thứ cảm xúc tập thể mà chỉ có những không gian tụ tập đông người mới có thể cảm nhận và yêu thích.
Vài năm gần đây, khi Netflix và các nền tảng khác bắt đầu xâm nhập bằng những sản phẩm mang chất lượng của điện ảnh chiếu rạp với kinh phí khủng (như The Irishman của Martin Scorsese) đã tạo ra những hoài nghi về sự thay thế và co hẹp của điện ảnh chiếu rạp. Covid-19 đã biến những hoài nghi thành những hiện thực gây lo lắng. Số lượng người đăng ký các dịch vụ xem phim theo yêu cầu như Netflix, Disney+ hay ở Việt Nam là Galaxy Play, DANET… ngày càng tăng, trong khi số lượng rạp chiếu phim được mở cửa chỉ chiếm 60 – 70% ở những thị trường lớn nhất thế giới, người ta có quyền tin vào một sự thay đổi mang tính triệt để trong thói quen của khán giả.
Tại Việt Nam, dù hệ thống rạp đã được mở cửa hoàn toàn vì chính phủ đã làm tốt trong việc kiểm soát virus, nhưng hệ thống rạp cũng đang chịu một sức ép không hề nhỏ vì sự thiếu vắng của các bộ phim bom tấn đến từ Hollywood. Những tác phẩm như Tiệc trăng máu, hay Chị Mười Ba phần 2 chỉ là những điểm sáng nhỏ nhoi trong một bối cảnh toàn cầu ảm đảm của điện ảnh. Điều đó không thể thắng được việc khán giả sẽ lựa chọn những nền tảng online để thưởng thức – đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam còn tranh tối tranh sáng về vấn đề bản quyền.
Vì thế với việc 17 bộ phim hoặc có thể nhiều hơn ra mắt đồng thời tại rạp và nền tảng online, trở thành một đòn đánh rất nặng nề dành cho rạp chiếu phim không chỉ tại Mỹ mà còn tại Việt Nam, vì giống như Wonder Woman 1984 và Soul, hai bộ phim này dù đang chiếu tại rạp nhưng khán giả dễ dàng tìm thấy trên mạng để thưởng thức và như vậy, vô hình trung, rạp chiếu đã mất đi một phần khách hàng và nó đã không còn trở thành thánh đường điện ảnh nữa khi không còn là nơi đầu tiên người ta được thưởng thức những bộ phim bom tấn hấp dẫn và mãn nhãn.
Nhưng có lẽ, xu thế của một nền điện ảnh online là xu thế tất yếu trong quá trình tiến hoá của điện ảnh, giống như cách mà người ta đã quên bẵng đi đĩa DVD, đĩa Blu-ray để chỉ còn lại Netflix và nhiều nền tảng khác. Thánh đường điện ảnh sẽ bị thu hẹp, Covid-19 đã tác oai tác quái đến mức tiến trình này đến nhanh hơn, và bắt người ta làm quen sớm hơn với việc không cần rạp chiếu phim, điện ảnh vẫn ở đó đón đợi khán giả xem phim.
Còn với một người yêu những nét đẹp cổ điển như tôi, có lẽ tôi hy vọng, việc thánh đường điện ảnh bị thay thế chỉ là ảo tưởng, chúng ta vẫn cần cảm xúc tập thể ở rạp chiếu để khóc, cười, để hạnh phúc và buồn thương cho nhân vật, cho nhân sinh và cho điện ảnh về nhân loại.
2020 là một năm mà điện ảnh cũng chịu những cú sốc lớn vì dịch Covid-19 vẫn đã đang hoành hành. Để có thể tiếp tục giữ được một thị trường điện ảnh không quá khủng hoảng, nhiều thứ phải thay đổi để thích ứng, đó là cách mà điện ảnh ra rạp chiếu đang gặp những sức ép khổng lồ.
Nguyễn Tuấn (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này