11:13 - 31/01/2024
Chuyện lạ ở lâu đài Ranrouet
Ngẫu nhiên nhưng trùng hợp khi xem “5 phút – chuyện thị trường” của chị Vũ Kim Hạnh trên Tiktok, của nền tảng Maybe.vn, về Du lịch bảo tàng. Đồng điệu với chị khi tôi đang ở Pháp, nơi lịch sử hồi sinh trong những làng mạc, lâu đài cổ…
Lâu đài Ranrouet được xây dựng vào thế kỷ thứ 12 ở Herbignac, tỉnh Loire-Atlantique, Pháp; sau đó trở thành pháo đài phòng thủ trong các cuộc nổi dậy thời trung cổ và bị bỏ hoang từ năm 1793.
Dù giờ đây chỉ còn một cụm tường đổ nát… Nhưng đó là di tích lịch sử của nước Pháp. Hằng năm, tại đây Thị trưởng Herbignac tổ chức các ngày hội nhằm kết nối các nghệ nhân trong toàn nước Pháp với du khách để nói về dấu ấn lịch sử, các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể mà Herbignac có được.
Từ năm 1999, Thị trưởng Herbignac mời các nghệ nhân điêu khắc, thợ làm gốm trong nước Pháp tham gia hội chợ… Sau ba năm gián đoạn do đại dịch covid, năm nay, phiên chợ diễn ra trong hai ngày 21&22.5.2023. Chủ đề chính của phiên chợ lần thứ 22 này là “Nghệ thuật gốm động vật”…
Thị trấn Herbignac đã chọn gốm sứ để đánh dấu bản sắc và cách liên kết nó với sự sáng tạo đương đại, cho thấy một nghề thủ công năng động và đa dạng đã duy trì sự sống của di sản.
Những người thợ làm đồ gốm và du khách gặp gỡ, trao đổi, tự nhiên mối liên kết giữa quá khứ nghề làm gốm của Herbignac và sức sáng tạo vô tận hiện ra một cách lung linh. Du khách nhận ra những giá trị khác nhau, không chỉ là kỹ thuật làm đồ đất nung, đất sét, tráng men, raku v.v. là cách thổi hồn vào từng sản phẩm. Họ coi trọng cảm xúc sáng tạo và sự truyền dẫn những cảm hứng từ đất, đá.
55 nghệ nhân, nhà chế tác đồ gốm từ các nơi trong nước Pháp về đây tham gia phiên chợ… Trong khung cảnh lãng mạn của lâu đài Ranrouet là các cuộc triển lãm, trình diễn, biểu diễn nghệ thuật làm đồ gốm, nghe các nghệ nhân nói chuyện tạo tác từ đất – nung, gốm tráng men hoặc từ đá và nhiều chất liệu khác… thành tuyệt phẩm.
Ông Jean-Pierre Petit đến từ Montbron (Tây nam nước Pháp) – là nhà điêu khắc và là nghệ nhân làm đồ gốm với những chiếc chén nhiều màu sắc; nhiều sản phẩm tráng men rất đẹp và những con thú được chế tác rất công phu, nói rằng Raku (là thuật ngữ của tiếng Nhật raku-yaki) là “nung thoải mái” hoặc “nung vui vẻ” là kỹ thuật tráng men trong gốm sứ Nhật Bản, được phát triển vào thế kỷ XVI.
Về cơ bản, nó liên quan đến việc sản xuất chén cho trà đạo bằng một loại đá sa thạch chamotte rắn chắc hơn và phải chịu được sự chênh lệch nhiệt độ cao. Các tác phẩm của ông áp dụng một số “ứng suất” trên vật liệu khiến chúng trở thành những tác phẩm độc đáo.
“Mục đích của tôi là sử dụng tối đa các vật liệu ít ảnh hưởng đến hệ sinh thái: đất và gỗ”, ông nói. Sau khi nắn xong một sản phẩm và để khô trong một hoặc hai đêm, sau đó tô một lớp men phủ mỏng để che màu tự nhiên và tạo bề mặt mịn màng cho sản phẩm; để khô trong vòng 48 giờ, rồi nung trong lò với nhiệt độ 1.000 độ C trong 24 giờ. Sở dĩ phải nung lâu vì sản phẩm “chín chậm” và không bị “sốc nhiệt” khi sử dụng… Sau đó lấy ra để nguội và tô màu thật cho sản phẩm rồi đưa vào lò nung với nhiệt độ 1.300 độ C – chờ nguội hoàn toàn mới lấy ra khỏi lò.
Sự công phu đến vậy khiến tôi cảm nhận từng sản phẩm là một báu vật. Bên cạnh ông còn có muông thú làm bằng đá sứ. Sự khác biệt giữa gốm sứ và đá sứ, ông Jean-Pierre Petit giải thích : Đồ đá sứ có đặc điểm là tỷ lệ hấp thụ nước rất thấp và độ xốp bằng không khiến nó trở thành vật liệu lý tưởng cho không gian ngoài trời hoặc môi trường ẩm ướt…
Ở giữa chợ, ông Jacques Trouis trình diễn cách ông làm ra một cái chậu bằng đất và có sẵn những sản phẩm gốm thô, người lớn và trẻ con có thể mua những chiếc bình, lọ, chén nho nhỏ chưa có màu, chưa được tô điểm – rồi trang trí theo ý thích, sau đó người thợ làm gốm sẽ đưa nó vô lò nung tại chỗ… sau 1-2 giờ khách có thể đến nhận sản phẩm của mình.
Người lớn và trẻ em có thể tự làm ra những con vật theo sự tưởng tượng của mình từ đất sét mà ban tổ chức chuẩn bị… đó là một hoạt động khá thú vị và du khách ở lại đây vui chơi cả ngày.
Còn ông Thierry Luang Rath làm những cái chén thật độc đáo bằng đá sa thạch, bằng đất sét treigny, sản phẩm của ông chủ yếu là ấm trà và chén bát được tạo hoa văn bởi những con vít, bù lông… “Ai chỉ ông cách điêu khắc trên gốm?”, tôi hỏi.
“Trước đây, tôi học làm gốm rồi tự mình nghĩ ra cách khắc hoa văn cho sản phẩm của mình. Bắt đầu điêu khắc ấm trà và bát. Việc điêu khắc một cái bát có thể mất 30-40 giờ. Tất cả đều do tôi sáng tạo từ sự tưởng tượng hình học…”, ông trả lời,
Trong sân lâu đài Ranrouet, có hai cuộc triển lãm kết hợp với nhau: Dấu vết thời gian, dấu ấn cuộc sống của Simon Pavec và Cổ sinh vật học tưởng tượng của Barbara Daeffler. Triển lãm kép này giới thiệu các loài động vật như cá hóa thạch, bọ cánh cứng, bò rừng… bị đóng băng trong đất sét và đá – những bức phù điêu có lịch sử 800 năm.
Không thể tưởng tượng được một nơi hoang tàn, đổ nát lại sống động với những hơi thở khỏe khoắn của ngày hội truyền thống, những sản phẩm thủ công và những câu chuyện giữa xưa và nay lại có thể thu hút hơn 7.000 khách du lịch tới nơi này.
La Chapelle Des Marais những ngày nắng ấm
Kim Chi Daudens (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Nguyễn Thị Hậu: Di sản kiến trúc công giáo ở Sài Gòn
Đi chơi tết nơi núi cao
Làng thuốc nam palei Chăm ‘mẹ truyền con nối’
Ngã ba Bằng Lãng
Nguyễn Thị Hậu: Từ khởi nghiệp nghĩ về tài nguyên bản địa Đà Lạt
Tags:lâu đài Ranrouet
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này