11:20 - 25/01/2023
Cái chum của ngoại
Ngõ Trạm là nơi tổ tiên họ ngoại của tôi di cư từ Phố Nối Hưng Yên đến định cư từ cuối thời Hậu Lê…
Khi rời khỏi 23 Ngõ Trạm, chuyển về Châu Long sinh sống, rồi về K95 Phúc Xá theo tiêu chuẩn được phân nhà trong khu gia binh của bố, Ngoại tôi mang theo vài thứ đồ vừa để dùng, vừa giữ làm đồ lưu niệm. Những thạp đồng, thau đồng, một ít đồ sứ và một cái chum.
Khi nhỏ, cái chum với tôi chỉ có ý nghĩa là một vật để trữ nước máy, được để ở ngoài sân dưới gốc một cây táo do bố tôi trồng ngay khi mới nhận nhà. Rồi cả nhà đi sơ tán tránh bom Mỹ vì khu tập thể này quá gần cầu Long Biên, là huyết mạch giao thông Nam – Bắc lúc đó. Nói cả nhà, thực ra chỉ có ba bà cháu: Bà ngoại, chị gái và tôi. Anh trai cả lúc này đang ở trường thiếu sinh quân mãi bên Quế Lâm Trung Quốc, bố thì công tác trong Thành và mẹ cũng không thể rời Hà Nội vì quá ốm.
Một hôm, bố về nơi sơ tán thăm mấy bà cháu và tiếp tế cái ăn. Thấy bố cứ buồn buồn, và như muốn nói gì đó với Ngoại mà khó nói quá vì tôi cứ quẩn quanh làm nũng. Mãi rồi bố cũng có cơ hội chuyện trò riêng với Ngoại, khi bố tạm ngưng chẻ củi còn ngoại lúi húi nấu cơm ngay cái bếp gần đó. Tôi nhớ bố nói khẽ lắm mà không nhìn Ngoại: “Bà ạ, con xin lỗi… cái chum nó bị…”. Bà Ngoại đang ngồi cơi bếp chợt như đông cứng lại. Bà quay nhìn bố trừng trừng, như thể chờ đón một tin gì khủng khiếp lắm. Kiểu như tin ai đó vừa chết. Nhưng bố đã nói rõ là “cái chum” cơ mà? Bà lặng đi vài giây, rồi hỏi nhỏ, giọng run bắn: “Vỡ à?”.
Bố vội lắc đầu: “Không ạ. Nó bị sứt một miếng trên miệng, vỡ tan cái nắp. Cây táo thì cụt nửa thân. Không rõ cái gì văng vào. Con đoán là do một quả bom rơi đâu đó ngoài sông khiến nhiều thứ bị chấn động”.
Bà ngoại từ từ chùng người xuống, hơi thở ra nhẹ nhẹ mà rất dài. Bà lẩm bẩm “tưởng vỡ!”, rồi nói to lên, giọng đã hoàn toàn bình thường: “Chị ấy thì sao”? Bố: “Nhà con đang nằm viện, được bảo vệ tốt ạ”. Bà ngoại: “Vậy được rồi. Mai anh về thì vần cái chum vào dưới hiên ấy. Trừ phi cái khu ấy bị san bằng địa, chứ còn cái hiên là không sao cả”.
Bố “vâng” khẽ, nhưng có vẻ vẫn day dứt. Sau bữa cơm chiều, bố lại đạp xe quay về nội đô. Nơi sơ tán lại chỉ còn ba bà cháu…
Chỉ đến khi đi ngủ, nằm ôm Ngoại hít mùi trầu, tôi mới chợt nhận ra Ngoại trăn trở hơn bình thường. Tôi rúc vào ngực Ngoại hỏi: “Bà ơi, bà sợ vỡ cái chum à”? Ngoại cười khẽ, lắc đầu: “Chắc không vỡ được đâu, nhưng… bà nhớ nó”!
Tôi nghĩ mãi vẫn không hiểu vì sao người ta lại có thể nhớ một cái chum đến mức không ngủ được như thế. Mãi sau này, khi tôi đã đủ lớn để mẹ và bà có thể tâm sự được, thì cơn cớ nỗi nhớ ấy mới được nói ra.
Kiêu Kỵ, một làng thuộc Gia Lâm – Hà Nội giáp vùng Phố Nối Hưng Yên, làm nghề vàng quỳ, là đất gốc của bà ngoại tôi. Nhưng khi hai bà ngoại của tôi đã là thiếu nữ, thì làng Kiêu Kỵ lại hưng thịnh nhờ nghề làm đồ da, là nghề mà ông ngoại tôi được thừa kế từ gia tộc họ Nguyễn Phố Nối. Không biết run rủi mai mối thế nào, ông ngoại cưới được bà cả, là người xinh đẹp nổi tiếng vùng ấy. Nhưng nhiều năm chung sống mà bà cả chỉ sinh được mấy cô con gái, ông ngoại tôi đi xem bói, thì thầy bói bảo ông phải cưới bà hai thì mới sinh con trai được. Ông ngoại vốn yêu vợ nên về bàn với bà việc ấy. Sau khi nghĩ ngợi chán chê, bà cả quyết định về quê hỏi… em gái út của mình cho chồng. Đó là Ngoại tôi, lúc đó đang mơn mởn tuổi 16. Quả nhiên sau đó bà cả đẻ liền 4 bác trai khiến cả nhà vui khôn xiết. Ngoại tôi sinh thêm 2 người con gái cho ông là mẹ tôi (người giống ông nhất) và dì út lại xinh đẹp giống Ngoại tôi nhất. Hai bà cùng 12 người con sống hoà thuận. Thì là chị em một nhà cơ mà.
Nhưng cũng vì hai chị em lấy một chồng, nên của hồi môn mang theo không ít, trong đó có những cái chum đựng nước rất đẹp. Ngoại tôi kể, khi giao cái chum mà sau này Ngoại đi đâu cũng mang theo, cụ ngoại (tức bố của Ngoại) bảo: “Giữ gìn nhé. Đây là đồ mang từ Thanh Hoá ra đấy. Đến tay chị em con thì nó đã 200 năm tuổi rồi”.
Như vậy, nếu tính theo tuổi của Ngoại đến giờ, thì cái chum đã hơn 300 năm tuổi. Nó là đồ sành Thanh Hoá, với những họa tiết trang trí thô sơ kiểu in bằng nan tre trước khi nung với mấy cái vấu cũng đơn giản. Nhưng thông tin về nơi xuất xứ thực sự của nó khiến tôi hình dung thấy cuộc rong ruổi di cư của một gia tộc từ Thanh Hoá chạy ra tận đất kinh kỳ Thăng Long, có lẽ từ khi Trịnh – Nguyễn phân tranh. Bao nhiêu gian nan mà tổ tiên chúng tôi đã phải chịu trong cuộc rong ruổi ấy, giữa ngùn ngụt nội chiến đầu rơi máu chảy tên rơi đạn lạc?
Cái gì khiến Họ không bỏ lại dọc đường những món đồ nặng nề nhưng thiết yếu này? Phải chăng đó là biểu tượng quê nhà mà Họ không thể rời xa? Đó, thì chính câu chuyện về cái chum – của hồi môn của Ngoại – đã cho tôi biết thông tin đáng ngạc nhiên, rằng tổ tiên tôi vốn là người Thanh Hoá, một vùng đất tối cổ với bao nhọc nhằn, cùng với những nền nếp khó phai mờ.
Cách đây vài tháng, trong một lần về dọn dẹp lại căn nhà cũ do người thuê đã hết hạn hợp đồng trả lại, tôi điếng người khi phát hiện cái chum không còn ở sân thượng, nơi tôi cất giữ rất cẩn trọng. Người thuê nhà một mực chối bỏ trách nhiệm khiến tôi phát khóc. Không biết làm sao để tìm lại báu vật truyền thừa ấy, tôi chỉ còn biết về nhà mẹ để thắp hương kêu khóc với Ngoại. Và… chỉ hai ngày sau, người thuê nhà đã gọi lại và nói anh ta đã tìm thấy cái chum. Rồi một tuần sau, cái chum trở về với chúng tôi, cùng với lời cảm thán của anh ta: “Tâm linh nhà bác… kinh thật đấy!”
Bài và ảnh Trịnh Thanh Nhã (theo TGHN)
Có thể bạn quan tâm
Lương Việt Quốc ‘sanh’ drone Hera
Về đây khởi nghiệp cùng Gin Việt
Hoa trong ẩm thực vùng ĐBSCL
Nhà quản lý hạnh phúc, doanh nghiệp hạnh phúc
Thực phẩm hữu cơ cơ hữu mùa COVID
Tags:Cái chum của ngoại
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này