13:03 - 02/07/2018
Xe tự lái đi giao thực phẩm
Vẫn còn một chặng đường dài để xe tự lái thực sự được triển khai trên các đường phố để vận chuyển con người nhưng trong lĩnh vực giao thực phẩm, tương lai của xe tự lái thực sự đã đến rất gần.
Thử nghiệm xe tự lái giao thực phẩm
Hôm 28/6, chuỗi siêu thị lớn nhất nước Mỹ Kroger thông báo sẽ hợp tác với công ty khởi nghiệp (start-up) Nuro, do hai cựu kỹ sư thuộc nhóm phát triển xe tự lái của Google sáng lập, để triển khai dịch vụ giao hàng bằng xe tự lái lần đầu tiên trên thế giới.
Các lãnh đạo của Kroger và Nuro cho biết giao thực phẩm bằng xe tự lái sẽ giúp giảm chi phí giao hàng chặng cuối ((last-mile delivery). Cuộc khảo sát của hãng nghiên cứu người tiêu dùng Forrester Analytics cho thấy gần 1/3 người Mỹ được hỏi cho biết họ không mua nhiều thực phẩm qua kênh trực tuyến vì chi phí quá cao, bao gồm phí giao hàng.
Kroger và Nuro sẽ triển khai chương trình thử nghiệm giao hàng bằng xe tự lái vào mùa thu này. Xe tự lái mà Nuro sử dụng để thử nghiệm giao hàng có tên gọi R1. Nuro đã huy động được 92 triệu đôla Mỹ qua hai vòng gọi vốn để phát triển mẫu xe tự lái này.
Được giới thiệu lần đầu tiên vào hồi tháng 1/2018, R1 có kiểu dáng thiết kế nhỏ và ngắn hơn xe thông thường và nặng 680kg nhưng lớn hơn các phiên bản robot giao hàng mà các công ty khác thử nghiệm trong thời gian gần đây. R1 có thể chở 115kg hàng hóa. R1 được trang bị các camera, radar và các cảm biến laser để giúp nó di chuyển an toàn trên đường phố với tốc độ có thể lên đến 40km/giờ.
Bước đầu, Nuro sẽ sử dụng một đội xe tự lái có kỹ thuật viên giám sát an toàn để giao hàng cho các siêu thị thực phẩm của Kroger. Mô hình giao hàng bằng xe tự lái sẽ theo tuần tự như sau: Khách đặt mua hàng thông qua cổng giao hàng trực tuyến của Kroger hoặc ứng dụng mà Nuro sắp ra mắt. Các nhân viên của Kroger sẽ chuyển các gói hàng vào các ngăn chứa hàng được kiểm soát nhiệt độ của xe tự lái R1, rồi sau đó, R1 sẽ tự lái đến các địa chỉ giao hàng.
Khách có thể sử dụng ứng dụng của Nuro để theo dõi hành trình của R1. Một khi R1 đến nơi, khách sẽ ra lấy hàng bằng cách sử dụng một mã PIN hoặc một số hệ thống xác minh khác. Nuro được cho là từng nghiên cứu hệ thống nhận diện khuôn mặt để xác minh khách hàng nhưng sau đó đã ngừng lại phát triển hệ thống này.
Thỏa thuận hợp tác này là một thắng lợi cho Nuro. Nó không chỉ cho phép Nuro bắt đầu vẽ bản đồ của hàng chục thành phố, thị trấn, nơi mà các xe tự lái R1 sẽ thử nghiệm giao hàng, mà còn đưa start-up ít tên tuổi này được biết đến nhiều hơn trong cộng đồng khách hàng của Kroger, đang sở hữu chuỗi 2.800 siêu thị ở 35 bang và phục vụ khoảng 9 triệu người mỗi ngày. Yael Cosset, giám đốc số hóa của Kroger cho biết ¾ khách hàng của Kroger đã tiếp cận hoặc sử dung các dịch vụ giao hàng của Kroger. Cosset cho biết các xe tự lái của Nuro cần phải có khả năng hoạt động trong những môi trường có mật độ giao thông đông đúc và trong tất cả các điều kiện thời tiết.
Cuộc cạnh tranh giao hàng chặng cuối
Các xu hướng hội tụ của tự động hóa, xe tự lái và thương mại điện tử đang dẫn đến sự quan tâm bùng nổ trong các nỗ lực giải quyết mối thách thức giao hàng chặng cuối. Người tiêu dùng đang đặt mua trực tuyến nhiều mặt hàng hơn bao giờ hết so với trước đây và họ mong muốn thời gian giao hàng ngày càng được rút ngắn. Một nghiên cứu gần đây của hãng tư vấn McKinsey ước tính chi phí giao hàng chặng cuối trên toàn cầu lên đến 86 tỉ đôla mỗi năm và đang tăng trưởng với tốc độ chóng mặt.
Ngành bán lẻ thực phẩm ở Mỹ đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa lúc chi phí đầu vào cao, biên lợi nhuận mỏng. Do vậy, tiết kiệm chi phí và nâng cao dịch vụ giao hàng chặng cuối đang trở thành một trong những giải pháp hữu hiệu nhất để giúp hãng bán lẻ thực phẩm trụ vững trên thị trường.
Amazon đang có lợi thế nhờ dịch vụ giao hàng thực phẩm trong vòng hai tiếng từ các cửa hàng Whole Foods dành cho các khách hàng gói thành viên cao cấp Prime. Mới đây, Amazon còn đi xa thêm một bước nữa bằng cách triển khai chương trình Đối tác dịch vụ giao hàng Amazon để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ thành lập mảng kinh doanh giao hàng. Amazon cho biết chỉ cần với khoản đầu tư ban đầu 10.000 đôla Mỹ, các doanh nghiệp có thể thành lập công ty giao hàng cho Amazon. Họ sẽ được Amazon cho thuê từ 20-40 xe tải giao hàng và có thể kiếm lợi nhuận 75.000-300.000 đôla Mỹ mỗi năm. Họ sẽ được ký hợp đồng giao hàng cho khách từ các kho hàng của Amazon. Các tài xế giao hàng của họ sẽ mang đồng phục của Amazon và các xe tải giao hàng của họ sẽ được gắn logo Amazon Prime. Amazon hy vọng chương trình này sẽ giúp họ giải bài toán giao hàng chặng cuối, cho phép giao khối lượng đơn hàng ngày càng tăng trong thời gian ngắn nhất.
Trong khi đó, tập đoàn bán lẻ Walmart cũng đang tăng tốc mở rộng mảng kinh doanh thực phẩm trực tuyến. Tập đoàn này đã ký kết thỏa thuận hợp tác với các công ty khởi nghiệp Deliv, Postmates và thâu tóm công ty khởi nghiệp giao hàng Parcel để nâng cao năng lực giao thực phẩm trong ngày. Ngoài ra, Walmart cung hợp tác với các công ty gọi xe Uber và Lyft để giao nhanh những đơn hàng thực phẩm đặt mua trực tuyến.
Kroger giờ đây cũng cung cấp dịch vụ giao hàng trong vòng hai tiếng từ 1.200 siêu thị của Kroger. Thỏa thuận hợp tác với Nuro, nếu thành công, sẽ mở ra Kroger cơ hội để bứt phá các đối thủ lớn như Amazon và Walmart. Rodney McMullen, Giám đốc điều hành Kroger, cho biết thỏa thuận với tác với Nuro sẽ giúp định hình chiến lược của Kroger nhằm phục giao hàng cho khách sống ở các khu vực gần 2.800 siêu thị Kroger ở 35 bang theo tiêu chí “bất cứ mặt hàng nào, bất cứ lúc nào và bất cứ nơi đâu”.
“Giao hàng bằng xe tự lái sẽ là yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với thương mại điện tử ở địa phương. Cùng với Kroger, chúng tôi cảm thấy rất hào hứng để thử nghiệm trải nghiệm giao hàng mới này nhẳm mang lại cho khách hàng mua thực phẩm các giá trị và sự tiện lợi mới”, Dave Ferguson, người đồng sáng lập Nuro, nói.
Trên một số phương diện, triển khai xe tự lái giao hàng có thể dễ dàng so với taxi tự lái vận chuyển con người vì các nhà thiết kế có thể tối ưu hóa mức độ an toàn của xe tự lái giao hàng mà không cần phải lo lắng về những vấn đề như hãm phanh quá mạnh khiến hành khách cảm thấy không thoải mái.
Ngoài ra, xe tự lái giao hàng có thể chạy theo các tuyến đường cố định vào các giờ thấp điểm giao thông với tốc độ chậm, giúp giảm tính phức tạp và các rủi ro của công nghệ tự lái.
Một số chuỗi nhà hàng thức ăn nhanh Mỹ như Donimo’s Pizza và Pizza Hut cũng đang thăm dò ý tưởng giao pizza bằng xe tự lái. Hồi tháng 2/2018, Domino’s Pizza thông báo hợp tác với hãng xe Ford để thử nghiệm giao pizza bằng xe tự lái ở TP. Miami, bang Florida. Khách hàng sẽ đặt mua piazza thông qua ứng dụng của Domino’s Pizza và sau đó sẽ nhận được tin nhắn thông báo khi xe tự lái giao hàng của Ford đến địa chỉ của họ.
Trước đó một tháng, hãng xe Toyota đã ký kết thỏa thuận đối tác với Amazon và chuỗi nhà hàng Pizza Hut và để phát triển mẫu xe tự lái giao hàng cho họ. Hãng xe Nissan cũng dự kiến ra mắt mẫu xe tự lái giao hàng vào tháng 9 tới.
Theo TBKTSG
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này