
11:30 - 23/08/2018
Xe buýt TP.HCM: xài tiền dân phải minh bạch, sòng phẳng!
Xã viên đua nhau bỏ chuyến, đơn vị quản lý liền cắt phăng vài tuyến để “dằn mặt”. Chuyện thật như đùa này đang diễn ra ở TP.HCM, dù mỗi năm xe buýt nhận cả ngàn tỷ đồng trợ giá từ ngân sách.

Tiền để duy trì hoạt động xe buýt là tiền thuế của người dân chứ không phải của đơn vị quản lý và điều hành để có thể hủy tuyến bất kỳ lúc nào.
Khua găng
Trong một kế hoạch ít ai ngờ nhất liên quan đến xe buýt TP.HCM là mới đây, sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM cho ngưng hai tuyến xe buýt có trợ giá số 40 (bến xe Miền Đông – bến xe Ngã tư Ga) và 149 (công viên 23/9 – Tân Phú – bến xe An Sương), với tổng cộng hơn 20 phương tiện. Lý do phải tạm ngưng hai tuyến xe buýt nêu trên, theo sở này, là vì nhu cầu đi lại ít, vắng khách nên không đủ khả năng duy trì.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, nguyên nhân chính là do thời gian qua, hàng loạt các xã viên các HTX xe buýt trên địa bàn TP.HCM, đã dùng “chiêu” bỏ chuyến để gây áp lực lên cơ quan quản lý, hòng đòi tiền trợ giá mà các xã viên này chưa nhận được đúng và đủ so với hợp đồng. Tình trạng bỏ chuyến xảy ra ở các tuyến số 10, 40, 18, 43, 44, 54, 65, 78… Trong đó, căng thẳng nhất là ngày 10 và 11/7, tuyến số 51 có tình trạng bỏ chuyến hàng loạt.
Qua trao đổi, các xã viên cho rằng trong điều kiện lượng khách giảm, cộng với việc doanh nghiệp đầu tư mới xe buýt, trợ giá chậm khiến hoạt động của nhiều tuyến trở nên lao đao. Vì vậy đã có những phản ứng tiêu cực là tài xế, chủ xe bỏ chuyến. Theo một chủ xe buýt, trong bảy tháng đầu năm 2018, ông cùng nhiều xã viên khác phải “khóc” trước việc tiền trợ giá bị nợ, doanh thu không có…
Với mức trợ giá cho mỗi xe buýt trung bình khoảng 21 triệu đồng/xe/tháng, nhưng bảy tháng đầu năm 2018, trợ giá chỉ khoảng 7 – 9 triệu đồng/xe. Ngoài ra, theo các xã viên, với chính sách hỗ trợ hiện nay, các chủ xe chỉ bỏ ra 30% giá trị xe, 70% còn lại vay ngân hàng và được thành phố hỗ trợ lãi suất. Tuy nhiên, dù được hỗ trợ lãi suất cố định 3%/năm, nhưng hợp tác xã (HTX) vẫn gặp khó
với việc trả lãi nếu doanh thu không ổn định.
Hơn nữa, nhiều trường hợp khi chuyển tiền trợ giá liền bị ngân hàng khấu trừ, nên việc duy trì lại càng khó. Trong khi đó, theo tìm hiểu, tiền hỗ trợ lãi vay của các xã viên hiện cũng chưa tới được tay nhiều xã viên, dẫn đến tình hình càng trở nên căng thẳng.
Phải sòng phẳng với tiền của dân
Theo thống kê, TP.HCM hiện có 143 tuyến xe buýt, gồm 105 tuyến có trợ giá và 38 tuyến không trợ giá với tổng số 2.478 phương tiện. So với năm 2002, xe buýt có trợ giá tăng thêm 60 tuyến và tỷ lệ tăng bình quân/năm đối với các loại hình có trợ giá đều nhanh. Cùng với sự gia tăng số đầu xe và luồng tuyến, tổng trợ giá từ ngân sách thành phố cho xe buýt cũng tăng vọt, từ 39,18 tỷ đồng năm 2002 lên khoảng 1.290 tỷ đồng năm 2012, và hiện vẫn đang giữ ở mức trung bình 1.000 tỷ đồng/năm để duy trì giá vé xe buýt ở mức 5.000 – 6.000 đồng/lượt.
“Nhìn con số trên ai cũng thấy số tiền bỏ ra là rất lớn. Chúng tôi không cần biết sở GTVT với đại diện là trung tâm Quản lý giao thông công cộng làm ăn với các HTX và xã viên thế nào, chúng tôi chỉ yêu cầu hai bên phải tôn trọng hành khách, và quan trọng là phải xài tiền của chúng tôi một cách minh bạch và sòng phẳng”, ông Nguyễn Công Thanh, một thạc sĩ luật bức xúc nói.
Lý giải cho việc cắt tuyến trên, sở GTVT nói rằng đã điều những xe tuyến gần kề lấp chỗ nên không ảnh hưởng nhiều. Thế nhưng, theo ghi nhận, việc cắt tuyến sau khi chưa điều tra cụ thể nhu cầu làm ảnh hưởng không nhỏ đến sinh hoạt, đi lại của người dân.
Nhiều chuyên gia bình luận đang có sự “mâu thuẫn dai dẳng” trong việc quản lý, điều hành xe buýt với nhu cầu xã hội. Cụ thể, luồng tuyến xe buýt đang bị bố trí thiếu khoa học như chồng chéo, trùng lặp giữa các tuyến, lộ trình tuyến không phù hợp… dẫn đến tình trạng vắng khách hoặc các xe giành khách của nhau. Chưa kể, việc được trợ cấp, ưu tiên… còn khiến các tài xế tưởng mình đang chạy “xe vua”, vô tư phóng nhanh, vượt ẩu, gây kinh sợ cho hành khách, khiếp vía cho người đi đường.
Dù sao đi nữa, các cơ quan quản lý cũng như các HTX và xã viên xe buýt phải nhớ là tiền để duy trì hoạt động xe buýt là tiền thuế của người dân, chứ không phải của đơn vị quản lý và điều hành.
Giang Thanh – Đằng Giang (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này