09:48 - 11/08/2017
Xài điện thoại di động, coi chừng bị mất tiền oan ức
Dù không có đăng ký bất kỳ dịch vụ giá trị gia tăng (gọi tắt là VAS) nào, nhưng khi sử dụng dịch vụ di động của các nhà mạng tại Việt Nam, nhiều khách hàng than phiền rằng… bị nhà mạng trừ tiền oan ức!
Có khách hàng bình tĩnh, gọi tổng đài nhà mạng để truy vấn. Nhiều khách hàng nóng tính đòi kiện nhà mạng ra toà vì tội gian dối.
Đúng một năm trước, hiện tượng nhà mạng tự động cài đặt các dịch vụ VAS chạy ngầm cho khách hàng đã làm “dậy sóng” dư luận. Sau đó, nhà mạng đưa ra những lời vấn an tới khách hàng. Mọi việc êm xuôi… Tròn một năm sau, câu chuyện cũ được tái lập…
Bỗng dưng… bị trừ cước!
Ông P.K.S (quận 5, TP.HCM) đang sử dụng thuê bao của nhà mạng Mobifone, than phiền: “Ngoài gọi, nhắn tin và sử dụng gói dịch vụ 3G, tôi không hề sử dụng thêm một gói dịch vụ VAS nào khác. Vậy mà trong máy vẫn xuất hiện những gói cước “từ trên trời rơi xuống”. Số tiền không đáng là bao nhưng bực mình vì cách kiếm tiền không rõ ràng của nhà mạng này”. Theo lời ông S., nhờ một người bạn hướng dẫn bằng cách gởi tin nhắn về tổng đài của Mobifone mà ông biết rằng, lâu nay mỗi tháng ông bị trừ 15.000đ cho dịch vụ Funring.
Ông P.M.Hoàng (Gò Vấp, TP.HCM), đang sử dụng một SIM 4G trả sau của nhà mạng Vinaphone. Theo lời của khách hàng này, ông chỉ đăng ký gói cước dữ liệu 4G với giá 90.000 đồng/tháng nhưng ba tháng nay, nhờ vào một ứng dụng có tên là WhyPay, ông phát hiện ra thuê bao này đã được “tự động đăng ký hai đầu số VAS là 999 và 1568 với cảnh báo từ WhyPay là sẽ phát sinh cước với giá 15.000 đồng/ngày” (hình).
Một khách hàng (đề nghị không nêu tên, o73 quận 5, TP.HCM) đang sử dụng một thuê bao trả sau của nhà mạng Mobifone. Được biết, vị chủ thuê bao này “cực kỳ ghét bóng đá” nhưng không hiểu sao, vào mùa giải các câu lạc bộ châu Âu, những buổi sáng giữa và cuối tuần, ông luôn nhận được những tin nhắn xoay quanh kết quả các trận đấu diễn ra trước đó. “Tiền không quan trọng nhưng cứ liên tục máy báo tin nhắn đến, mà lại là những tin nhắn về chủ đề ghét nhất trần đời nên bực mình”, chủ thuê bao này dấm dẳng. Chủ thuê bao này không nhớ chính xác số tiền bị trừ mỗi tháng, nhưng ít nhất là hàng trăm ngàn đồng.
Trên chỉ là những trường hợp điển hình của việc “không đăng ký mà bỗng dưng được cài đặt ứng dụng VAS, để rồi mỗi tháng nhà mạng âm thầm trừ cước dịch vụ đó vào hoá đơn của khách hàng”. Số tiền của mỗi dịch vụ, mỗi thuê bao không đáng kể nhưng với hàng triệu khách hàng, đó là con số không hề nhỏ.
Cũng cần nhắc lại câu chuyện chưa quá cũ về việc các nhà mạng đã làm ngơ để các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ VAS (CPs) cho các thuê bao di động. Tháng 8/2016, sở Thông tin và truyền thông Hà Nội đã thanh tra Sam Media, một đối tác cung cấp dịch vụ VAS cho nhiều nhà mạng di động tại thị trường Việt Nam. Tại đây, đoàn thanh tra đã phát hiện: trong ba năm – từ tháng 1/2013 đến tháng 1/2016, gần 100.000 thuê bao của bốn nhà mạng: Vinaphone, Mobifone, Viettel, Vietnammobile đã đem lại cho Sam Media nguồn thu là 230 tỷ đồng. Nhưng trong đó, chưa rõ số tiền khách hàng tự nguyện sử dụng dịch vụ là bao nhiêu, còn bao nhiêu bị âm thầm móc túi.
Chủ thuê bao nên gọi tổng đài của các nhà mạng để chất vấn về mức cước. Nên cài đặt các ứng dụng (app) của chính các nhà mạng để theo dõi về cước sử dụng hàng tháng, các dịch vụ VAS…
Tự bảo vệ
Không chỉ có hành động các nhà mạng tự động cài đặt các dịch vụ VAS chạy ngầm trong các thuê bao, mà còn do chính các chủ thuê bao sơ ý kích hoạt các dịch vụ VAS của chính nhà mạng, hoặc do các CPs được nhà mạng uỷ quyền thông qua những tin nhắn mời dùng thử hoặc các trang web được cài sẵn trên tin nhắn đó.
Để tự bảo vệ, khi thấy những tin nhắn với nội dung mời gọi chủ thuê bao tham gia các gói cước, mời dùng thử dịch vụ trong 1 ngày/3 ngày hoặc 1 tuần, mức cước/tháng tăng một cách bất thường (thuê bao trả sau), tài khoản bị trừ số tiền không như nhu cầu sử dụng (thuê bao trả trước)…, khách hàng có nhiều cách để kiểm tra.
Trước hết, chủ thuê bao nên gọi tổng đài của các nhà mạng (18001090 – Mobifone, 18008098 hoặc 0989198198 – Viettel, 9191 – Vinaphone, 789 hoặc 0922789789 – Vietnamobile…) để chất vấn về mức cước, những dịch vụ VAS mà thuê bao đang sử dụng hoặc soạn tin nhắn với cú pháp: “TC” gửi 1228 (mạng Viettel), “KT” gửi 994 (Mobifone), “TK” gửi 123 (Vinaphone) để kiểm tra các dịch vụ VAS có tồn tại trong máy hay không.
Tiếp theo, nên cài đặt các ứng dụng (app) của chính các nhà mạng để theo dõi về cước sử dụng hàng tháng, các dịch vụ VAS… Nếu khách hàng đang sử dụng dịch vụ nhà mạng Mobifone nên tải app My Mobifone, nếu dùng dịch vụ Vinaphone hãy cài app My Vinaphone… Theo ông Nguyễn Trọng Sơn, phó ban truyền thông Mobifone, app có chức năng “tra cứu toàn bộ các dịch vụ đang sử dụng, quản lý và tra cứu cước phí… một cách chính xác nhất”. Riêng nhà mạng Vinaphone, theo bà Mai Hồng (ban nghiên cứu thị trường), hiện nhà mạng này dùng tin nhắn SMS để khách hàng xác nhận lần thứ hai sau khi đã đăng ký sử dụng dịch vụ, lúc đó dịch vụ VAS của thuê bao đó mới được kích hoạt.
Ngoài những app riêng của các nhà mạng, hiện một app đang được đánh giá cao là WhyPay. Hiện app này đã có hai phiên bản Android và iOS (phiên bản Android chạy ổn định hơn). Không chỉ dò và phát hiện các dịch vụ VAS chạy trên từng thuê bao, mà WhyPay còn có những tính năng, như: số tiền và thời gian của từng cuộc gọi, tin nhắn; thống kê số tiền đã dành cho thoại, tin nhắn và các dịch vụ mạng, dịch vụ gia tăng theo tuần, tháng; thông tin khuyến mãi của nhà mạng…
Nhưng cách an toàn nhất cho túi tiền của khách hàng là nên duy trì lịch kiểm tra mỗi tháng cho thuê bao, bằng một trong những cách đã nêu trên.
bài và ảnh Song Minh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này