23:15 - 25/09/2018
Việt Nam là quốc gia nhận nhiều học bổng Chevening nhất toàn cầu
Bắt đầu từ ngày 6/8/2018, học bổng Chevening chính thức nhận đơn cho kỳ học 2019 – 2020.
Chevening là học bổng toàn phần, đài thọ toàn bộ chi phí cho một năm học thạc sĩ tại bất kỳ trường đại học nào của Anh, bao gồm học phí, phí visa, vé máy bay khứ hồi đến Anh, sinh hoạt phí cùng một số phụ cấp khác.
Việt Nam gần đây là một trong mười quốc gia nhận được nhiều học bổng Chevening nhất trên toàn cầu. Được giới thiệu tại Việt Nam từ năm 1993, hiện đã có khoảng 400 cá nhân xuất sắc từ Việt Nam được sang Vương quốc Anh học tập theo chương trình học bổng Chevening. Với mong muốn ngày càng có thêm nhiều hơn nữa những ứng viên Việt Nam biết đến và giành được học bổng này.
Tôn Nữ Tường Vy, hiện đang du học học bổng Chevening ở Anh năm 2017 – 2018. Cô đã chia sẻ một số kinh nghiệm khi lựa chọn học bổng này, cũng như làm thế nào để có thể trúng tuyển (cho một số các học bổng khác nữa nói chung):
Nắm rõ tiêu chí lựa chọn của Chevening gồm: Khả năng lãnh đạo, gây ảnh hưởng; Tạo mối quan hệ; Khả năng học tập, nghiên cứu và Kế hoạch tương lai.
Networking: Điểm chung của thành viên cộng đồng Chevening (những người đã nhận học bổng): có tiềm năng trở thành lãnh đạo trong ngành họ chọn và có khả năng tạo ra thay đổi.
– Trước khi làm bài, google networking gồm những kỹ năng cụ thể gì, bạn có cái gì theo danh sách đó, bạn có cái gì để chia sẻ cho người khác (ví dụ có nhiều nguồn thông tin học bổng, fellowship, cơ hội nghiên cứu, seminar, công việc; giới thiệu người quen là chuyên gia khi ai cần tư vấn; hoặc có sở thích nào bạn giỏi thì chỉ cho người khác…)
Thư giới thiệu: một người về học thuật (giảng viên dạy thường, giảng viên hướng dẫn khoá luận hay trainer một khoá học nào đó nếu bạn không quen thầy cô nào khi học đại học), một người về làm việc (sếp).
– Ưu tiên chọn người đã thực sự làm việc cùng, có thiện cảm với bạn và đưa được những lời nhận xét, ví dụ thực tế; không nhất thiết có chức vụ cao.
– Khi nhờ viết thư, hãy nêu rõ hai tiêu chí lựa chọn quan trọng nhất của học bổng là gì, nếu học bổng đó yêu cầu nội dung cụ thể gì thì đưa luôn -> họ dễ định hướng cần viết gì.
– Một đoạn chỉ nói về một khía cạnh và ví dụ (tình huống, cách giải quyết của bạn, kết quả).
– Một đoạn ngắn nói về một điểm yếu, nhưng khéo léo làm nền cho một điểm mạnh nào đó.
– Một đoạn về một điểm nào người đó ấn tượng nhất về bạn.
Sự thu hút, lịch sự:
– Trang phục nhẹ nhàng (màu, mùi, kiểu), lịch sự, thoải mái; nữ nên mang giày cao gót (vừa phải).
– Chào bất cứ ai khi ngồi đợi, vì bất cứ ai cũng có thể là giám khảo của bạn; còn chào khi vô phòng phỏng vấn là đương nhiên.
– Phong thái nói hợp với phong cách viết (nếu bài luận kể bạn năng nổ xông pha hoạt động xã hội, thì khi nói đừng rụt rè bối rối).
– Tông giọng lên xuống hợp nội dung nói, không đều đều hay lí nhí; luôn giữ eye-contact với tất cả giám khảo.
Nội dung:
Một câu trả lời phải đủ ba phần: câu chủ đề – giải thích, ví dụ – câu chốt. Có chi tiết, con số cụ thể (sĩ số, thời gian thực tập, phương pháp, phằn trăm lý thuyết/thực hành, vì sao).Ví dụ cụ thể (nước cấp học bổng là nước đầu tiên có gì về ngành của bạn?Lịch sử/văn hoá của họ có gì làm bạn thích?)Biến ví dụ trải nghiệm của bạn thành một câu chuyện hấp dẫn (nếu tình huống hấp dẫn thật) nhưng ngắn gọn, nói thẳng trọng tâm vấn đề.
Cộng đồng học bổng này mạnh ở lĩnh vực gì, giúp được gì cho kế hoạch tương lai của bạn?
Nếu học bổng đó cho bạn đi học và sau đó bạn về có đóng góp gì đó cho Việt Nam, thì nước cấp học bổng có lợi ích gì?
Tận dụng “Bạn có câu hỏi gì cho chúng tôi không?”, cần chuẩn bị ở nhà. Có thể hỏi về khó khăn lớn nhất và cách vượt qua của người giám khảo là cựu sinh, hoặc điều gì liên quan đến học hành, network của học bổng đó. Tránh các câu hỏi về ăn chơi (học bổng có cho thêm tiền đi chơi không chẳng hạn), hoặc thông tin tự tra được trên website học bổng (quy trình, yêu cầu).
Tóm lại: Bạn phải tự trả lời được những câu hỏi này trước khi làm hồ sơ:
– Tại sao ngành này, trường này, nước này, học bổng này?
– Tại sao lúc này?
– Học bổng muốn gì, tôi có gì?
– Ai giúp được tôi?
Diên Hải (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này