23:29 - 10/02/2018
Việt Nam ‘bách bộ’ vào kỷ nguyên AI
Thuật ngữ trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence, viết tắt là AI) không mới. Năm 1950, Alan Turing, một trong những người đầu tiên nghiên cứu về máy tính đã đưa ra câu hỏi: “Liệu máy móc có thể suy nghĩ không?”. Sáu năm sau đó, lần đầu tiên thuật ngữ AI được sử dụng.
Tại sự kiện CES 2018 vừa được tổ chức tại Las Vegas (Hoa Kỳ), Ralph Haupter, chủ tịch Microsoft khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho rằng, 2018 là năm “AI sẽ chính thức bắt đầu tạo ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống con người trên nhiều phương diện”. Ông chia sẻ thêm, đến năm 2021, chỉ riêng khu vực châu Á – Thái Bình Dương, nguồn tiền đổ vào AI sẽ lên đến 6,9 tỷ USD! “AI sẽ bùng nổ. AI sẽ trở nên vô cùng phổ biến nhưng không hề đột ngột như những cuộc cách mạng công nghệ trước đây”, Ralph Haupter nhận định.
Thế giới là vậy. Còn Việt Nam sẽ như thế nào với xu hướng “thời thượng” này?
Là cơ hội…
Một ngày cuối năm 2017, tại sự kiện Zalo AI Summit (tại Sài Gòn), TS Bùi Duy Bách, đồng sáng lập công ty Arimo (Silicon Valley, Hoa Kỳ) chuyên AI bình luận: “Phải thừa nhận Trung Quốc rất nhạy bén trong việc nắm bắt cơ hội từ sản xuất đến công nghệ thông tin. Gần đây Chính phủ Trung Quốc đã có chương trình cấp quốc gia với mục tiêu trở thành quốc gia hàng đầu trong lĩnh vực AI trên thế giới. Dự tính đến năm 2030, lĩnh vực AI sẽ đem lại doanh thu cho quốc gia này khoảng 150 tỷ USD. Tôi đủ niềm tin để nói rằng, AI là một trong những cơ hội hiếm hoi để Việt Nam có tên trên bản đồ công nghệ thế giới như cách Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản đã làm”.
Còn TS Phạm Kim Cương, chuyên gia thu nhập thông tin và dữ liệu của Hoa Kỳ (đang làm việc tại một công ty có trụ sở ở Silicon Valley) nói: “AI là cơ hội để Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các nước phát triển”. Theo ông, vì AI là một lĩnh vực còn rất nhiều thứ để phát triển, vì vậy đây là cơ hội cho giới khoa học Việt Nam. Vị tiến sĩ trẻ này tiết lộ thông tin: từng có người Việt Nam ở Google đã có công đưa Deep Learning vào thực tế, và khôi phục lại làn sóng nghiên cứu và ứng dụng AI “dậm chân tại chỗ” trong nhiều năm. Tuy nhiên, ông Bách không tiết lộ tên tuổi cá nhân đó!
Cho đến nay, Việt Nam chưa hề công bố một chương trình quốc gia nào về AI. “Tại sao chúng ta có rất nhiều chương trình quốc gia ở nhiều lĩnh vực, còn với một lĩnh vực công nghệ nền tảng như AI, không có một chương trình quốc gia?”, ông Việt Hải, một chuyên gia đã nghiên cứu nhiều về AI, đặt câu hỏi. Theo ông Hải, việc có một chương trình quốc gia về AI, nghĩa là nhà nước cấp tiền để cộng đồng tạo “kho công nghệ” về AI, phục vụ cho đào tạo, nghiên cứu, thậm chí cho doanh nghiệp mua hoặc thuê công nghệ này nếu có nhu cầu. Cách làm này tương tự như trung tâm Nghiên cứu và thiết kế vi mạch (ICDREC, ĐH Quốc gia TP.HCM) đã tạo ra kho IP, để nghiên cứu và kinh doanh.
Bách bộ…
Dù chưa có chính sách và chương trình quốc gia về AI, để tồn tại, đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào AI để tạo ra những sản phẩm có thể cạnh tranh tại thị trường nội địa, với các sản phẩm nước ngoài.
12 năm trước, với quan điểm “AI chính là tương lai”, từ năm 2006, những ông chủ của VNG đã “bật đèn xanh” cho các kỹ sư trẻ tiếp cận các thuật toán về mạng nơ-ron nhân tạo (neural network). Từ năm 2015, với việc xuất hiện kỹ thuật Deep Learning và một số thuật toán mới ra đời, cũng như phần cứng gia tăng sức mạnh, nhiều thuật toán xuất hiện trong các sản phẩm giải trí, tin tức và cả chatbot… của VNG. Ông Nguyễn Duy Vũ, trưởng phòng kỹ thuật phát triển và vận hành game của VNG cho biết, hiện các kỹ sư của VNG đang nghiên cứu mảng “Học tăng cường” (Reinforcement Learning). Đây là kỹ thuật có nhiều ứng dụng xuất sắc (như AlphaGO của Google đánh bại nhà vô địch cờ vây thế giới năm 2016, hay OpenAI trong game Dota 2 đã đánh bại nhà vô địch Dota). Không hứa hẹn trước nhưng theo lời ông Vũ, sẽ sớm công bố những game AI tại thị trường Việt Nam. Ông Vương Quang Khải, phụ trách dự án Zalo (thành viên của VNG) cho biết thêm, Zalo đã thành lập trung tâm nghiên cứu về AI với hai sản phẩm Zalo Brain và Zalo Assistant. Nhưng ông Khải không tiết lộ cơ chế và chức năng của hai sản phẩm này.
Ông Phạm Minh Tuấn, CEO công ty hệ thống thông tin FPT (viết tắt là FPT IS) cho biết đã đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực AI, IoT… để nhận hơn 500 chứng chỉ nền tảng của các hãng GE, Siemens… “Với gia tài chứng chỉ đó, khi các hãng sản xuất xây dựng mô hình nhà máy thông minh, FPT đủ điều kiện để tham gia”, ông Tuấn nói. Đó là chuyện tương lai với những dự án lớn, còn hiện tại, FPT IS đã ứng dụng những kết quả đầu tiên về AI vào các dự án giao thông, y tế… tại Việt Nam. FPT IS đang thử nghiệm ứng dụng về giao thông để từng cá nhân biết được tình hình giao thông theo lộ trình, thói quen, giờ giấc… Từ những thông số tự động ghi lại từ nhu cầu di chuyển của cá nhân hàng ngày, ứng dụng sẽ đưa ra thông tin lộ trình đó cho cá nhân biết. Còn lĩnh vực y tế, theo ông Tuấn, công nghệ AI của FPT IS đã “học” được phần việc của từng bác sĩ trong bệnh viện, để hỗ trợ theo từng vị trí chuyên môn.
Dằng dặc…
Ông Hoàng Nam Tiến, chủ tịch FPT Software nói rằng, về công nghệ nói chung, các doanh nghiệp Việt Nam đi sau thiên hạ vài ba chục năm! Còn với những công nghệ mới như AI, chuyển đổi số, big data…, “ta đi sau thiên hạ 2 – 3 năm”! Cũng theo lời ông Tiến, khoảng cách vài ba năm cũng là cơ hội cho doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực AI. “Nhưng nếu chúng ta không có tầm nhìn chiến lược và chính sách, khoảng cách tụt hậu ngày càng dài hơn”, ông Tiến nhận định.
Hai năm gần đây, với những công cụ mới xuất hiện đã giúp cho giới công nghệ trong nước giải quyết nhanh những bài toán mà trước đây không thể nào giải được. Nhưng theo ông Duy Vũ, khó khăn trước mắt là tìm kiếm nhân sự. “Với AI, người làm phải thực sự sáng tạo vì ứng dụng AI vào thực tế, như: nhận diện khuôn mặt, nhận dạng giọng nói, hệ thống chatbot… là những thách thức với các thuật toán phức tạp. Tìm được người hiểu đã khó, tìm được người làm khó gấp nhiều lần”, ông Vũ nói. Nhân tài Việt nhiều lắm nhưng hiện nay chúng ta chưa tìm ra cách để mời họ về nước làm việc, TS Đặng Hoàng Vũ, chuyên gia ban công nghệ FPT chia sẻ thêm.
Còn với Christian Nguyễn, làm được sản phẩm có AI không hề dễ dàng, phải “chảy nhiều mồ hôi” khi đối mặt với bài toán kinh doanh sản phẩm. “Đổ nhiều công sức, tiền của vào nghiên cứu các sản phẩm công nghệ cao, nhưng để bán được phải đổ nhiều tiền hơn”, Christian Nguyễn bình luận.
FPT đang xây dựng ứng dụng trợ lý ngôn ngữ cho lĩnh vực giao thông và y tế. Khi đang lái xe hơi, nếu cần biết tình hình giao thông ở những con đường muốn đi, tài xế chỉ cần nói để ứng dụng cho kết quả. Còn với ứng dụng về bệnh viện, khi bác sĩ cần tìm hồ sơ của bệnh nhân hay kê đơn thuốc, chỉ cần ra lệnh bằng giọng nói, ứng dụng sẽ hỗ trợ những phần việc trên. Ứng dụng này thông minh và cá thể hoá… theo ngữ cảnh của người sử dụng.
Công ty an ninh mạng Bkav vừa công bố phần mềm diệt virus Bkav 2018, đã được tích hợp giải pháp AI để thiết lập hệ thống giám sát thời gian thực, ghi nhận toàn bộ các đặc điểm, dấu hiệu, hành vi bất thường của các ứng dụng… Trên cơ sở đó, công cụ AI Antivirus của Bkav 2018 sẽ tổng hợp các dữ liệu, phân tích và chỉ ra các mối nguy hiểm có thể xuất hiện như bị xoá dữ liệu, bị phần mềm gián điệp theo dõi… để phát lệnh xử lý, ngăn chặn và tiêu diệt mã độc. Ông Vũ Ngọc Sơn, phó chủ tịch phụ trách mảng chống mã độc của Bkav, nói: “Với AI, Bkav 2018 là sản phẩm mang tính đột phá, tự động giúp người dùng ngăn chặn các mã độc và biến thể mới xuất hiện liên tục”.
Cuối tháng 1/2018, hãng Weezi Digital đã chạy thử ứng dụng ngân hàng có tên là Weebank. Theo giám đốc Christian Nguyễn, với việc tích hợp các công cụ AI, Weebank sẽ thiết kế cách tiếp cận mới của ngân hàng với những khách hàng thông minh hơn, thân thiện hơn. Với Weebank, trên các mạng xã hội Viber, Zalo, Whatsapp…, khách hàng giao dịch chuyển tiền trực tiếp mà không cần thông qua các giải pháp riêng của ngân hàng. Ngoài ra, Weebank còn tự động tư vấn khi khách hàng tìm hiểu những thông tin về lãi suất, dịch vụ của các ngân hàng có sử dụng ứng dụng này.
bài Trọng Hiền ảnh Đào Hải
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này