09:25 - 29/11/2019
Út Mừng không thấy mừng chỉ có lo
“Lo nhất là không tìm được công nghệ”, chị Thuý, giám đốc công ty Út Mừng ở ấp Đại Đức, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh, nói. Theo chị, một phụ nữ tự đặt mình vào đường đua, tìm kiếm công nghệ, chấp nhận thách thức đúng là khắc nghiệt, nhưng thị trường có nhiều mã hàng đẹp là nhờ công nghệ, không có thiết bị mới, công nghệ thích hợp, làm sao ra hàng đẹp?
Đường đua khắc nghiệt
Khu nhà xưởng của giám đốc Nguyễn Thị Kim Thuý không có nhiều máy móc tân kỳ, mà chỉ là các thứ máy móc thô sơ, đơn giản như chính cái tên của công ty: Út Mừng. Cũng trong cái tên đó còn có chữ “mừng”, nhưng giám đốc Kim Thuý nói suốt ngày, suốt tháng chỉ có “lo và lo”.
Một thời công ty Út Mừng cung cấp lưới phủ boong tàu sân bay, phủ đồi trọc phục hồi cây xanh, ốp thân cây chống rét ở xứ lạnh, chiếu lác ủ ấm cho mầm cây ngủ ngon trong mùa đông, thảm trải đường, thảm trong nhà… Mỗi tháng, công ty Út Mừng xuất khoảng 30 container.
Nhưng dường như sự hưng thịnh không mấy khi bền vững nếu mọi sự “nuôi dưỡng” hưng thịnh không thay đổi. Hàng đến lúc ế phải lưu kho. Kim Thuý than: “Dưới tay mình là 200 công nhân, bán không được thì làm sao nuôi thợ. Rồi còn 120 hộ nông dân gia công, không khéo thì giềng mối liên kết sẽ tan rã hết!”
Điều không nuôi dưỡng được sự bền vững của công ty là những chiếc máy cũ, thô sơ chạy rào rào, vừa ồn vừa bụi, và không bảo đảm cho cuộc chạy đua tốc độ cung hàng mỗi tháng 30 container. Không bảo đảm vệ sinh môi trường làm việc của công nhân.
Trước đây giữ được khách hàng, Kim Thuý giải thích: “Lúc đó, mọi cơ sở sàn sàn như nhau về trang thiết bị, nhưng hiện nay ở Bến Tre những người tốt nghiệp trường kỹ thuật Cao Thắng về cải tiến máy, năng suất 700 – 800kg một máy/ngày, tăng gấp 3 – 4 lần, giá thành đương nhiên thấp hơn mình, nên họ bán giá rẻ hơn. Vậy thì ai mất công qua Trà Vinh mua làm gì!” Nói thêm về trình độ cơ khí, một vài chị công nhân xe sợi, nói nghe tội nghiệp: máy hay đứt sợi, phải ngừng lại, chun vô chun ra nối lại, u đầu hoài.
Giàn máy cũ được trang bị từ hồi mới khởi nghiệp với số vốn “tổng lực” 16 triệu đồng, đã làm rất tốt sứ mệnh xe sợi và máy đã đi vào lịch sử. Mấy hôm trước cũng có chuyên gia viện trường tới với nhã ý cho chị mượn máy chạy thử để xác lập thông số kỹ thuật, nhu cầu, rồi chế ra máy mới. Cái máy của viện trường có ưu điểm làm sạch sợi, nhưng ngắn quá, xe sợi không hiệu quả. Còn nếu đòi máy đáp ứng đúng yêu cầu thì nó lại nhỏ quá, năng suất không khá gì hơn.
“Không bám theo công nghệ, đổi mới máy móc thì sớm muộn gì mình cũng phải ngừng”, Kim Thuý nói. “Chỉ có tìm được công nghệ, thiết bị tân tiến hơn mới thoát khỏi áp lực chi phí cao, năng suất thấp, giá thành cao khó cạnh tranh”.
Hướng đi mỹ nghệ
Dự án SME Trà Vinh đưa chuyên gia đến giúp chị hình dung bối cảnh cạnh tranh và hoàn thiện sản phẩm, cách bán hàng mỹ nghệ bên cạnh hàng “nồi đồng, cối đá” đắp đồi, đắp đất hay đắp boong tàu chiến. “Nhìn thấy hàng mỹ nghệ, mẫu mã đẹp, giá bắt ham; nhưng đó là việc quá mới, phải học và đầu tư nhiều tiền”, chị Kim Thuý nói.
Trước đó mấy hôm, chị cùng đoàn của sở Công thương tỉnh Trà Vinh ra Bắc, kết nối cung cầu, những mẫu mới đang hút khách.
Giống như hồi khởi nghiệp, chị phải tính vốn liếng, tìm thầy tư vấn thiết bị khi mua máy băm, máy ép – dập khuôn, máy may chuyên dụng… và lại phải mượn giấy đỏ của anh em trong nhà thế chấp vay tiền ngân hàng.
Tiền không vẫn chưa đủ. Thiếu kinh nghiệm, một mình làm không nổi thì còn phải cậy vào thợ có nghề. Nếu được dự án SME hỗ trợ thì đi nhanh hơn. Kinh nghiệm của chị Thuý là tìm con đường riêng cho hàng mỹ nghệ từ xơ dừa, tránh trùng lắp và chọn lựa máy móc, công nghệ đáp ứng được “một công đôi ba việc”. Nguồn nhân lực là những học trò từ lớp dạy may trên vải.
Từng dạy nghề may, ông xã nuôi yến… quá khoẻ, sao chị lao vô nghề này làm gì?, tôi hỏi.Chị Thuý cười xoà: “Vì hổng có trình độ, lại ngu quá, đâu có biết đâu mà chọn mà lựa. Xưa thấy người ta làm lưới cho tàu sân bay, phủ đồi trọc, tốt quá nên làm. Khi ai nấy có nhiều hợp đồng, cạnh tranh nhau mới thấy mình ngu. Cứ nghĩ đi học chắc hết ngu. Ra tới Hà Nội học về thấy bớt có chút xíu. Ngu quá học nhiêu đó ăn nhằm gì. Nhưng đã đầu tư, đã làm, đã học chẳng lẽ bỏ?” chị Thuý nói: “Vậy mà ông xã hổng bằng lòng, ổng đi nuôi yến ở Trà Vinh, bỏ mình ên tự bơi”.
Những bài toán trên xơ dừa
20 năm trước (năm 2001), khởi nghiệp với số vốn 16 triệu đồng, lúc đó 28 tuổi. Đối với chị 20 năm sau là một quãng đường dài đầy chông gai và phải trả giá quá đắt. Có người nói thôi chuyển qua làm đường từ dừa nước cũng hay vậy, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì dừa ở Trà Vinh rất nhiều. Chịu khó làm thì cũng thành một nhóm khởi nghiệp, chia sẻ sinh kế, vừa kiếm sống vừa làm sạch môi trường.
“Alô, alô dừa khô lên giá. Ai có má đem đổi dừa khô”, hồi nhỏ người ta chọc ghẹo xứ dừa. Sau này, thương lái Trung Quốc đem tàu qua đây mua, Hàn Quốc làm trạm đặt hàng, làm sao chịu nổi khi nhìn dân mình bán dừa khô nguyên trái với giá bèo?”, chị Thuý nói.
Bến Tre có lợi thế khi chú Tám “xe sợi”, anh Sơn “Cao Thắng” làm máy băm, máy giũ, xe sợi… Hồi trước máy chạy 100 – 200kg, nay anh Sơn chế ra máy tám trục, tự rải, tự bung, công suất 700 – 800kg/ngày. Muốn đặt hàng, 5 – 6 tháng sau mới có (mỗi máy vài trăm triệu đồng).
“Tháng trước, khách bên Hàn Quốc đặt làm bàn chải từ xơ dừa, họ đưa mẫu từ Sri Lanka cho mình xem, nhưng họ keo ghê lắm”, chị Thuý cùng lúc phải tính cho ra vốn đầu tư và máy nào để làm món này. Đối với chị đó là những gợi mở để không lệ thuộc bất kỳ khách hàng nào, nhưng cũng là thách thức khi máy móc trên thị trường muôn hình vạn trạng, nhưng chẳng có cái nào khớp với nhu cầu của chị.
Nếu làm bàn chải từ ni lông, chắc không có ma nào tìm tới chị. Vậy sợi xơ dừa, chưa ai làm thì mình phải thế nào? Từng sống chết trên thị trường cho chị kinh nghiệm khi nào hợp đồng bảo đảm bao nhiêu container một tháng thì mới dám đầu tư. Bây giờ khách hàng “nổ” như Trung Quốc nhiều lắm, họ nói cho nhiều nhưng giữa chừng giảm sản lượng thì mình chết đứng.
Chị Thuý tiếp tục cuộc tìm kiếm máy móc chuyên dụng cho ngành xơ dừa hoặc ít nhất cũng có thể cải tiến, ráp nối. Cũng có người nói: “Dễ ợt, đâu có gì khó, nhưng phải chờ nghĩ ra mẫu mới chứ không làm theo mẫu có sẵn, không làm hàng nhái, không ăn cắp kiểu…” Chị nghe nói vậy lòng như mở cờ, nhưng tới nay, “dễ ợt” mà họ làm hoài chưa xong, không biết sao luôn.
Cái khó của xơ dừa là dừa rám dễ đứt sợi, trái khô thì nặng quá máy đánh không ra xơ sợi, năng suất thấp. “Cực lắm, hồi đó học cách băm, đánh tơi tốn tiền bằng 2 công đất”, chị Thuý nói tiếp: “Nhưng có chuyện làm cho dân nông thôn là mình vui. Lúc xuất hàng, được rồi, cứ tự hỏi mình cũng có đồi trọc, cũng cần thảm nhà, cũng cần những món hàng đẹp trong nhà… nhưng sao chưa bán được trong nước mình”.
“Mai mốt làm hàng mỹ nghệ, có thị trường thì cả xóm vui hơn”, chị Thuý đưa trái “dừa tổ” (trái to) và tấm sợi dập khuôn định làm đèn ngủ, làm túi xách, là sản phẩm tự nghĩ ra sau những khoảng lặng, cười tươi như chưa bao giờ có thách thức, chông gai.
Những con chim “kỳ vọng” đã bay về đậu ở ấp Đại Đức.
Hoàng Lan (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này