
20:12 - 24/11/2017
Ước gì tôi được như mẹ mình…
Có lần giao lưu bạn trẻ hỏi tôi về mẫu hình một người đàn ông lý tưởng mà tôi phấn đấu hướng tới. Tôi lặng đi một hồi rồi nói: ước gì tôi được như mẹ mình.
Đàn ông: từ đó đâu phải chỉ để nói về giới tính, tôi nhỉ!
Những ngày của tuổi thơ tôi trôi qua chậm lắm.
Mẹ tất bật mỗi ngày làm làm học học. Thời gian trống, lại tìm mọi cách để có thêm thu nhập cho gia đình.
Người mẹ không đầu hàng
Ban đầu, mẹ bắt đầu với công thức thành công truyền thống: nuôi heo. Mà heo thì phải mấy tháng sau mới lớn, rồi lại phải tốn tiền hàng ngày. Thế là mẹ xin cải tạo thêm một bãi tập quân sự bỏ hoang cách bờ sông mấy trăm mét để trồng rau muống. Từ tờ mờ sáng và sau giờ làm, mẹ hì hục vung búa chim cuốc bung mảnh đất ấy lên. Tôi đi theo sau, nhặt đá sỏi xếp ra làm bờ. Tôi không còn nhớ rõ, nhưng dễ chừng đến gần hai tháng mới cải tạo xong miếng đất. Không có nước, thời gian đầu mẹ gánh từng đôi nước từ dưới sông lên để tưới. Mãi về sau, mọi người thương quá, cho phép khơi một đường nước thải nhỏ từ bếp hiệu bộ (bếp của ban giám hiệu và cán bộ) cách đấy 500 – 600m.
Mấy anh em tôi hàng ngày nhặt củi khô ở khu rừng đằng sau nhà, nấu cám heo, tắm và cho heo ăn. Còn tôi là anh lớn, đã biết chạy xe đạp (tám tuổi rồi) nên phụ mẹ chở mấy bao tải phân heo xuyên qua lòng thị xã để vào bón cho rau muống.
Thế là một tuần hai lần, bà con thị xã cô bác thấy một thằng bé trắng trẻo thư sinh mặc sơmi tay dài đóng thùng, chở một cái bao to to phía sau chạy theo xe mẹ. Chỉ đến một lần dây buộc bị bung ra, họ mới biết là chở phân heo…
Trong số bạn học tôi sau này, có một cô bé đã từng chứng kiến cảnh đó. Rồi mẹ tìm cách đi theo các đội thợ hồ để phụ việc lặt vặt. Biết họ cần đá hộc xây dựng, lại nghe được chuyện cầu sập từ thời chiến tranh, mẹ nảy ra một ý định táo bạo. Thế là từ đấy, mỗi chiều muộn đến nửa đêm, ở đoạn sông gần chiếc chân cầu cũ, người ta thấy một phụ nữ gần 40 tuổi hì hục lặn ngụp mãi. Để ý thêm thì thấy thỉnh thoảng bà ấy lại vần lên bờ một tảng đá vuông vức. Đêm trăng hay vắng, ngày mưa hay tạnh, suốt mấy tháng trời bà ấy vẫn hì hục lặn lặn ngụp ngụp. Miễn là vẫn còn người mua. Sau này tôi tự hỏi: nếu lỡ trượt chân hay chuột rút, giữa đêm vắng không người… ai sẽ trả mẹ cho tôi?
Món cá khô “anh Việt chiên”
Nếu ai hỏi mấy đứa em tôi xem món ăn ngon nhất trên đời mà chúng nó đã từng được ăn là gì, thì chúng sẽ trả lời là món cá khô “anh Việt chiên”.
Chả là đầu những năm 1990 bà ngoại mất nên mẹ phải về. Trước đó, suốt mấy năm trời mẹ tôi không dám về quê, cũng lại hạn chế liên lạc thư từ. Phần thì kinh tế khó khăn, nhưng chủ yếu là vì xấu hổ với làng với nước. Lại thêm phần lo bà và bên ngoại biết thì lo lắng và đau lòng. Khi nhận tin bà mất, mẹ thừ người ra, nhưng xong rồi thì nhất quyết về. Mẹ mua hai quả trứng và trăm gram cá khô như sắp mục ra ấy rồi giao vội hai em cho tôi.
Tôi bỏ ít mỡ chiên cá lên rồi chan nước mắm vào. Mấy đứa em tôi chưa bao giờ được ăn chút gì beo béo nên cứ thay nhau khen ngon. Ăn cả bữa mà chỉ chấm đầu đũa vào nước mắm rồi tấm tắc. Chỉ có một con cá mà ăn đến bốn ngày vẫn còn nguyên.
Nhà tôi, cuối những năm cuối 1980 khó khăn đến thế. Tôi như cây hoang, cứ lừng lững hút nước mà lớn lên, cứ tình cờ dư một tí mà vượt qua lớp này lớp khác, người nọ người kia, thi nớ thi tê.
Chỉ đến khi bước vào đại học, tôi mới đứng trước rắc rối: ngoài tiền học phí, mẹ chỉ lo cho tôi được khoảng 200.000 đồng/tháng. Và cũng chỉ được cho một thời gian đầu. Mà thằng nhóc quê như tôi ngu ngơ lắm, chắc gì đã bươn chải nổi ở Sài thành. Ngẫm nghĩ mất mấy tuần rồi mẹ quyết định nói chuyện với bố để tôi về chỗ ông ở! Tôi cản mãi, nhưng mẹ rất cương quyết. Tôi lại nợ mẹ lần nữa.
Mãi sau này, khi dần lớn hơn, tôi mới dần hiểu hơn về mẹ. Bà mạnh mẽ gạt nước mắt, ương ngạnh cương cường đấu với trời với đất cũng vì mấy đứa chúng tôi. Suốt cuộc đời bà, bà chưa từng thua kém một người phụ nữ nào quanh mình. Thậm chí, cũng không chịu thua kém bất kỳ một người đàn ông nào trong mọi việc.
Thế nhưng, bà sẵn lòng bỏ lòng tự trọng của mình trước người đàn ông mà bà hận nhất. Người đã lừa bà xa mẹ xa quê, bỏ bà bơ vơ nơi đất khách không một đồng trong túi với ba đứa con thơ. Tất cả, cũng chỉ vì tương lai mấy đứa con.
Có lần giao lưu bạn trẻ hỏi tôi về mẫu hình một người đàn ông lý tưởng mà tôi phấn đấu hướng tới. Tôi lặng đi một hồi rồi nói: ước gì tôi được như mẹ mình.
Trần Bằng Việt (*)
Theo TGTT
(*) CEO Đông A Solutions, chủ tịch liên đoàn Các nhà lãnh đạo toàn cầu (JCI) tại Việt Nam.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này