
11:20 - 15/04/2018
TS Bùi Trinh: Đừng so sánh với các nước!
Dường như mỗi lần đưa ra chính sách mới dễ gây phản ứng, cơ quan quản lý thường đưa chính sách của các nước ra để so sánh và áp dụng mức “tương đương”.
Nhưng thực tế điều kiện, hoàn cảnh sống của người dân Việt Nam rất khác. Chẳng hạn, các nước không sử dụng trên 70% tổng chi để chi thường xuyên; không lấy tiền thuế để xây cổng chào trăm tỷ, tượng đài ngàn tỷ; không lấy tiền thuế để đầu tư công gây lãng phí và các nước cũng không có những doanh nghiệp nhà nước thua lỗ như Vinashin, Vinalines… Do đó, đừng so sánh với các nước!
Trong khi đó, theo dự thảo Luật Thuế tài sản, người dân có căn nhà đầu tiên từ 700 triệu đồng trở lên sẽ phải đóng thuế là đánh vào phần lớn những người nghèo! Có khi dành dụm cả đời mới mua được căn nhà và nay phải đóng thuế. Chính sách thuế đánh vào căn nhà đầu tiên đã ưu ái cho người giàu (vì căn nhà thứ 2-3 sẽ không phải đóng thuế (!?).
Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng, thuế nhập khẩu giảm nhưng nhà nước không thể chuyển sang đánh thuế các loại tài sản khác, gây bức xúc cho người dân. Thông thường, theo lý thuyết chung của kinh tế thì thuế là “kẻ thù” của tăng trưởng GDP và mỗi lần điều chỉnh chính sách thuế cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng tác động ảnh hưởng đến người dân. Các thống kê cho thấy tổng thu nhập của người dân hiện chỉ bằng khoảng 94% tổng tiêu dùng, phản ánh mức thu nhập của phần lớn người dân hiện không đủ sống.
Thuế là một trong những chính sách quan trọng của kinh tế vĩ mô và chính sách công nên cần hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế và an ninh xã hội. Vừa qua, hàng loạt chính sách thuế được dự kiến sẽ áp dụng thêm như tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, tăng thuế thu nhập doanh nghiệp, nếu áp quá nhiều chính sách thuế sẽ “bào mòn” sức dân.
Một trong những câu hỏi quan trọng trong kinh tế vĩ mô và tài chính công là làm thế nào thay đổi trong chính sách thuế để ảnh hưởng tốt đến hoạt động kinh tế và phúc lợi xã hội. Trong lý thuyết, người ta thường cho rằng các loại thuế có mối tương quan âm với tăng trưởng – thuế cao hơn nghĩa là tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn. Điều này được giải thích với thực tế là thuế đưa ra sự biến dạng đối với nền kinh tế, nghĩa là chúng không có tính trung lập, (Marina Kesner – Škreb; 1999); điều này có nghĩa khi thuế cao hơn thì sự biến dạng méo mó của nền kinh tế cũng tăng.
TS Bùi Trinh (theo Người Lao Động)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này