
09:42 - 30/08/2019
‘Trụ trì’ vườn rau hữu cơ Hội An
Ông là kẻ say mê rau hữu cơ và là bậc thầy rau hữu cơ ở xứ Hội An này. Từng đi “thỉnh giảng” ở nhiều nơi, đến cả Ấn Độ thuyết pháp về rau hữu cơ, tên ông là Phạm Mèo, nhưng bà con thường gọi là ông Ba Mèo.
Tuần thứ hai tháng 11/2017, đoàn PGS Việt Nam tham dự hội nghị INOFO (Liên minh các tổ chức nông nghiệp thế giới) và OWC (Đại hội hữu cơ thế giới) lần thứ 19 tại Ấn Độ. Đại hội có hơn 50 quốc gia đến từ châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh tham dự. Ông Ba Mèo đại diện nông dân nông nghiệp hữu cơ miền Trung đi dự đại hội. Nói về PGS, cũng cần giải thích thêm: PGS là Hệ thống đảm bảo có sự tham gia (Participatory Guarantee System), hiện đang được áp dụng rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới…
“Thước phim ngắn” về vườn rau hữu cơ Thanh Đông
Năm đó “ông tha mà bà chẳng tha”, Hội An không qua cây lụt 23/10. (1) Cô Hằng, thành viên của trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị, một tổ chức phi lợi nhuận gọi tắt là ACCD, phải bơi ghe lên tận vườn rau hữu cơ Thanh Đông (xã Cẩm Thanh, TP Hội An), vì e ngại nước lụt, ông Ba Mèo nản lòng không đi. Nước tại vườn rau ngập lên đến tám tấc. Ông Ba Mèo nói: “Cổ sợ tôi không đi, vì nước ở đây ngập tới mặt bàn này”. Nhưng vốn say mê rau hữu cơ và muốn phát biểu với thế giới về rau hữu cơ, ông Ba quyết định đi. Ông được mời trả lời phỏng vấn trên truyền hình Ấn Độ, sau khi nghe bài phát biểu của ông tại đại hội.Là một nông dân ít học, nhưng lại say mê nông nghiệp hữu cơ, ông Ba đã gây được sự chú ý tại đại hội.Ông đã nhấn mạnh đến việc muốn phát triển hữu cơ, cần phát triển con người là chính. Ngay từ nhỏ, các học sinh cần được nhận thức về cái lợi của hữu cơ. Vườn rau của ông đã đón nhiều đoàn sinh viên, học sinh trong và ngoài nước đến tìm hiểu.Những người trẻ được mấy ông nông dân mộc mạc chia sẻ kinh nghiệm về trồng rau hữu cơ.
Ngoài ông, còn có thêm đại biểu Thái Lan được mời trả lời phỏng vấn. Ông kể, Thái Lan họ muốn tiến đến 100% nông nghiệp hữu cơ. Nay họ đã đạt 2/3. Trong khi ở Hội An từ năm 2014 đến nay đã năm năm, chỉ có đúng 1ha ở Thanh Đông trồng rau hữu cơ, được cấp chứng nhận PGS hàng năm.
Mỗi năm, Thanh Đông phải trải qua hai kỳ kiểm tra đạt tiêu chuẩn hay không, sáu tháng một lần, gồm: nhật ký đồng ruộng, bờ bao vùng trồng, phân bón và thuốc thảo mộc, vệ sinh vườn tược tốt. Mười hộ của vườn rau nếu làm tốt, sau kỳ kiểm tra sáu tháng đầu năm, được cấp chứng nhận sản xuất cả năm. Đến sáu tháng cuối năm, kiểm tra không đạt bị thu hồi giấy chứng nhận.
Sự khai sinh vườn rau này là nỗ lực rất lớn của chính quyền và nông dân. Từ năm 2013, lãnh đạo Hội An đi tham quan nông nghiệp hữu cơ tại Hà Nội. Ở đây đã làm dự án rau hữu cơ thành công tại huyện Sóc Sơn. Quá trình của dự án phải mất đến ba năm. Sau chuyến đi, lãnh đạo Hội An đề xuất bên ACCD hỗ trợ dự án. Cuối năm 2013, Hội An chọn Cẩm Thanh là xuất phát điểm. Cẩm Thanh sau cùng đã giới thiệu lô đất rộng 6.368m2 hiện đang là vườn rau hữu cơ Thanh Đông.Cuối năm 2013, nông dân tham gia chuẩn bị bờ bao, trồng phân xanh và ủ đất.Từ tháng 3.2014, họ được chuyên gia mời từ Hà Nội vào hướng dẫn, vừa học vừa làm. Lúc đầu do trình độ có hạn, người dân tiếp thu khoa học còn kém, làm không hiệu quả. Phải đúc kết các loại cây thích nghi theo thời tiết. Dù khó khăn, nhưng bù lại họ được xã hỗ trợ vật chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, ban điều phối dự án còn phải đi quảng bá cho người dân, mời họ tới “làm chứng” quá trình trồng rau hữu cơ, để họ sẽ trở thành người tiêu dùng tiềm năng sau khi chứng kiến cách làm của nông dân. Cả năm 2014 coi như là một thứ “bài tập”. Sang đến năm 2015 mới sản xuất được 850kg rau củ. Năm 2016 lên đến 1.200kg, sau khi có thêm hộ tham gia với 4.000m2 và cũng đáp ứng theo nhu cầu địa phương về rau hữu cơ. Người tiêu dùng rau hữu cơ hầu hết là người dân Hội An. Tại đây có 3 – 4 quầy bán sản phẩm của Thanh Đông.Đà Nẵng có hai quầy, nhưng mỗi tuần chỉ lấy rau hai lần; thảng hoặc rau dư, Thanh Đông gọi ra họ mới vào lấy thêm.
Mùa đông 2017, gặp lụt lớn, Thanh Đông mất trắng ba tháng và một tháng phải cải tạo đất sau lụt, bằng vôi nông nghiệp, và tu sửa bờ bao. Người bán đến chứng kiến cảnh đó, đã kêu gọi người tiêu dùng chung tay góp tiền và giống giúp đỡ Thanh Đông gây dựng lại cơ đồ. Nông dân người được giúp một cân nửa ký giống; năm, ba ngàn tiền mua vôi.
Doanh thu không chỉ từ bán rau
Linh hồn của Thanh Đông là ông Ba Mèo. Trong ban điều phối, đại diện cho các hộ tham gia, ông là thành viên cùng với các thành viên đại diện ban ngành khác, và quan trọng nhất là thành viên ACCD. Ông có nhiệm vụ điều hành sản xuất rau, điều hành tour và điều hành thuyền thúng.
Để có thêm thu nhập cho vườn rau, nơi đây còn có dịch vụ bán vé tham quan và học tập cách trồng rau hữu cơ. Ngay sau khi Thanh Đông được cấp giấy chứng nhận PGS, những nhà làm tour du lịch đã dự báo được cơ hội đưa khách đến tham quan mảnh vườn rau hữu cơ ít ỏi của Hội An. Đi tới đây, khách được đài thọ 50.000 đồng để trang trải chi phí tiền vé. Mỗi nông dân hướng dẫn khách trồng tỉa, kể chuyện vui buồn nghề trồng rau sạch, được nhà tour trả 50.000 đồng. Toàn bộ tiền vé được sung vào quỹ dùng để tu sửa bờ bao, điện đài, thăm thành viên ốm đau. Năm nào nhiều thì chia thêm cho nông dân từ 3 – 5 triệu đồng để trang trải ngày tết. Ông Ba nói: “Năm ngoái tiền vé được 50 triệu đồng. Năm nay sáu tháng đầu năm đã hơn 50 triệu. Năm nào nhiều chia cho mỗi người năm ba triệu ăn ba ngày tết”.
Sau khi “làm lụng” cùng nông dân, khách đi tour vào chòi nghỉ để ăn sáng. Kiểu như người nông dân xưa đi cày sớm, xong buổi cày mới lên bờ ăn củ khoai, trái bắp. Bây giờ khách đi tour nghỉ, không có khoai, họ ăn cái bánh ít lá gai. Bánh ít lá gai ở Hội An rất đúng nghĩa của nó: thiệt là ít, chỉ cần một lủm. Sau đó khách được đi tour thuyền thúng trên con sông không xa vườn rau. Họ được tưởng thưởng cái không khí trong lành của vườn rau, vì không có mùi thuốc trừ sâu, cái gió sông mơn man, cái nước sông trong xanh, nên họ ngày càng đến thêm đông. Xã Cẩm Thanh cho dân vườn rau hưởng trọn dịch vụ này.
Ông Ba nói: “Mình không làm ai làm? Hy sinh một phần kinh tế giúp cho mấy người khác.Làm tổ trưởng không có lương đâu.Tổ chỉ hỗ trợ 300.000 đồng mỗi tháng tiền điện thoại, mà thực tế mình đã phải trả cả triệu”.Ông bày tỏ niềm đam mê nông nghiệp hữu cơ, muốn làm một điều gì đó cho địa phương, cho thành phố.
Quả thật, vườn rau Thanh Đông bây giờ có lẽ cũng giống như một “giảng đường” rao giảng rau hữu cơ. Và năm năm nay, Hội An chỉ có chừng đó. Thành phố này đã vận động làng rau nổi tiếng Trà Quế làm rau hữu cơ. Đã mời “thầy” Phạm Mèo sang giảng bài. Có chừng tám, chín hộ nghe theo trong số khoảng 160 hộ. Các hộ theo hữu cơ lại không liền lạc với nhau, nên “cuộc chiến chống thuốc hoá học” thất thủ từ sớm.
So đo lợi ích rau thường và hữu cơ
Ông Ba kể lại cuộc đối thoại của ông với hai cha con một hộ trồng rau ở Trà Quế:
– Rau tui làm 12 ngày tui bán. Phải xịt thuốc kích thích rễ và lá mới có mà bán.
– Cha con chú làm rồi có ăn rau đó không?
– Tui làm riêng rau tui ăn. Còn rau kia tui chỉ bán ra thị trường.
– Ngoài thị trường cũng có bà con của chú phải tính vô chớ!
– Thôi tui không nói với ông nữa.
Con trai người nông dân sừng sộ: chú tham quan mà chú hỏi lung tung quá.
Bài toán về rau hữu cơ và rau thường cũng được ông Ba thuật lại:
Một nông dân làng Trà Quế cho biết: cứ 1m2 trong vòng 12 ngày làm ra 2kg rau, bán 24.000 đồng một ký. Ông Ba tính với họ: 1m2 rau hữu cơ làm mất 20 ngày ra 2kg rau bán 48.000. Ông hỏi người nông dân: cái nào hơn. Và không có câu trả lời. Ông Ba từng nói với dân Trà Quế: nếu 100% Trà Quế làm rau hữu cơ, làng rau Thanh Đông mừng lắm. Người dân Trà Quế nói ông nói dóc, vì cho rằng trồng nhiều thì cạnh tranh tăng lên. Ông Ba lập luận: tui thì tui nghĩ lúc đó thị trường chỉ có một thứ để mà mua: rau hữu cơ.
Ông kể lại hồi mới nghe vận động trồng rau hữu cơ, ông nhớ lại ngày xưa cha ông trồng rau chỉ bằng phân trâu bò mục mà rau tốt thật tốt.“Rau lúc đó tốt mú.Có hoá học chút nào đâu.Bây giờ còn hơn ở chỗ ủ phân có phân xanh, phân động vật, vật liệu nâu (2), chế phẩm vi sinh vật”, ông nói. “Lúc đó tui mới hỏi mấy người làm dự án: sao không đưa sớm hơn cho tui làm?”
Sự ra đời của PGS
Tháng 12/2006, bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam (MARD) đã ban hành bộ Tiêu chuẩn quốc gia cho sản xuất và chế biến các sản phẩm hữu cơ tại Việt Nam (10TCN 602-2006). Tuy nhiên, những thủ tục hướng dẫn chi tiết để cấp chứng nhận cho các sản phẩm hữu cơ không được miêu tả trong bộ tiêu chuẩn này, và hiện vẫn chưa có tổ chức hoặc cơ quan nào của Việt Nam cấp chứng nhận cho các sản phẩm hữu cơ. Vì vậy, dự án Phát triển nông nghiệp hữu cơ ADDA – VNFU đã giới thiệu ý tưởng PGS cho một loạt các nhà sản xuất, thương lái, người tiêu dùng mà dự án đang cùng làm việc, cũng như với một số nhà nghiên cứu và các tổ chức phi chính phủ tại địa phương. Các đối tác đã đồng thuận chấp nhận thực hiện hệ thống PGS, làm hệ thống đảm bảo cho sản phẩm hữu cơ của họ vào tháng 10/2008.
PGS dựa vào sự tham gia của các cơ quan, tổ chức và con người có liên quan trực tiếp vào chuỗi cung cấp hữu cơ, khuyến khích hoặc thậm chí yêu cầu sự tham gia trực tiếp của người nông dân và người tiêu dùng, vào quá trình cấp chứng nhận.
Công Khanh (theo TGHN)
——————–
(1) Tục ngữ Việt Nam: “Ông tha mà bà chẳng tha, không qua cái lụt 23/10”
(2) Rơm, rạ, thân cây bắp, v.v.
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này