09:56 - 02/12/2018
Triển lãm Ủ: Niềm say đắm bất tận
Đến với triển lãm Ủ của Hiền Nguyễn, người xem sẽ có dịp nhìn ngắm một trong những hành trình đi cùng sơn mài đương đại Việt Nam.
Hành trình đó vừa rất ý chí, vừa nữ tính, vừa hàn lâm, nhưng ngẫu hứng, lãng mạn.Triển lãm Ủ sẽ diễn ra tại bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM từ ngày 4 – 10/1/2019.
Sơn mài được coi là “nữ hoàng” của các loại chất liệu mỹ thuật Việt Nam.Rất nhiều thành tựu sơn mài đã được mỹ thuật hiện đại Việt Nam ghi nhận. Nữ hoạ sĩ Hiền Nguyễn (Nguyễn Thị Thu Hiền) là một trong số đó. Hiền Nguyễn mê vẽ từ nhỏ, nhưng khi trưởng thành, gia đình lại thuyết phục thi vào ĐH Thuỷ lợi. Học đến năm thứ 3, bà quay lại với cảm hứng nghệ thuật chưa bao giờ tắt: thi vào
ĐH Mỹ thuật công nghiệp, học khoa Đồ hoạ.
Cảm hứng bất chợt
Là nhà thiết kế cho thương hiệu trẻ của công ty may Việt Tiến, trong show diễn thời trang tại Đài Bắc, bà mạnh dạn dùng nguyên liệu sơn mài: sơn, son, bạc… vẽ lên trang phục. Thành công bất ngờ của thử nghiệm táo bạo này làm bà dạt dào cảm hứng với sơn mài. Con đường nghề của bà có thêm bước ngoặt: bỏ thiết kế để vẽ tranh sơn mài (trước đó bà đã học kỹ thuật vẽ tranh sơn mài tại trường mỹ nghệ Hà Đông). Bà là người đầu tiên đề xuất ngôi trường này dạy các kỹ thuật kiểu nghệ nhân cho nghệ sĩ. Sau Hiền Nguyễn, có khá nhiều hoạ sĩ từng tốt nghiệp mỹ thuật trong Nam ngoài Bắc, thậm chí cả Việt kiều, theo học lớp nghề kỳ lạ, có vẻ trái khoáy, mà rất thực chất này.
Nghịch hướng
Hướng thuận của tranh sơn mài thường là vẽ trên cơ sở tạo hình có mảng-miếng và đậm nhạt mạnh. Đa số tuyệt phẩm sơn mài hiện đại Việt Nam đều cho thấy tạo hình gần với hiện thực, vừa phân minh vừa biến ảo. Rất ít người phiêu lưu vào lối tạo hình kiểu không hình (non-figuratif), mà trong đó Hiền Nguyễn là hoạ sĩ kiên trì bậc nhất.
Thực ra lúc khởi đầu và hiện nay, bà đã có một số tranh diễn hình hiện thực: cầu Long Biên, cánh đồng hoa, quán cà phê, thác nước… Nhưng rồi để thoả mãn sự thôi thúc của cảm hứng, bà đã dần bỏ hết hình hài. Với nữ tính mạnh và táo bạo, chỉ chưa đầy 15 năm, bà đã vẽ hàng trăm tranh sơn mài theo nhiều khổ lớn nhỏ khác nhau. Không phụ thuộc vào hình, tranh của bà là cuộc chơi đầy cảm hứng với màu sắc, từ bàng bạc tới rực rỡ, vẻ mơ mộng đầy phiêu lãng, khi trầm mặc như đêm tối, hoặc bềnh bồng như ánh trăng, khi lại bừng sáng như nắng hè…
Thêm một tác động đáng kể đã làm Hiền Nguyễn kiên định khai phá con đường riêng: hoạ sĩ đã sống được bằng tranh! Không sa đà vào bản năng, bà tự định hướng vẽ loạt tranh có chủ đề, như Giao mùa,Bốn mùa, Hoá thân, Tình yêu cuộc sống… Tác phẩm của Hiền Nguyễn còn phải vượt qua nhiều thử thách khác, nhưng tôi tin bà đủ bản lĩnh.
Nguyễn Đức Hoà (hoạ sĩ)
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này