
09:44 - 14/05/2018
Tranh chấp thương mại Mỹ-Trung: Nhôm – thép chỉ là bề nổi, công nghệ mới là cuộc chiến thực sự
Tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc với các mặt hàng nhôm, thép hay nông sản chỉ là bề nổi, thực tế cuộc chiến thực sự sâu rộng và nan giải hơn nhiều là cuộc cạnh tranh về công nghệ và kỹ thuật.
Cuộc đàm phán hồi cuối tuần qua giữa phái đoàn thương mại Mỹ do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin dẫn đầu và phái đoàn Trung Quốc do Phó Thủ tướng Lưu Hạc dẫn đầu mặc dù được đánh giá là thành công, song 2 bên đều thừa nhận vẫn còn những bất đồng tương đối lớn trong một số nội dung.
Trong đó, đáng chú ý là Mỹ yêu cầu Trung Quốc lập tức cắt giảm thặng dư thương mại với Mỹ khoảng 200 tỷ USD trước năm 2020, chấm dứt trợ giá cho mặt hàng công nghệ tiên tiến và ngừng đáp trả những biện pháp trừng phạt mà Mỹ đang áp đặt đối với nước này.
Theo nhận định của chuyên gia, cuộc tranh chấp thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc với các mặt hàng nhôm, thép hay nông sản chỉ là bề nổi, thực tế cuộc chiến thực sự sâu rộng và nan giải hơn nhiều, đó là cuộc cạnh tranh giành vị trí hàng đầu về công nghệ và kỹ thuật trong tương lai. Cuộc chiến này đang phủ bóng đen lên các ngành công nghệ của Trung Quốc.
Mục Tiêu điểm trên trang web của hãng tin Reuters đăng bài phân tích cho biết Phòng thí nghiệm công nghệ cao của Tập đoàn Công nghệ sinh học Beike (Beike Biotech) của Trung Quốc, có trụ sở tại Thâm Quyến, chuyên nghiên cứu, phát triển dòng robot y tế có thể giúp điều trị bệnh ung thư. Kế hoạch đầy tham vọng của Tập đoàn Beike Biotech là xuất khẩu sản phẩm robot này sang thị trường đầy tiềm năng Mỹ.
Tuy nhiên, kế hoạch này hiện đang phải đối mặt với các mối đe dọa khi các cuộc đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ tiếp tục căng thẳng. Loại robot này bị liệt kê trong danh sách các sản phẩm chịu thuế suất cao theo chính sách áp thuế mới của Mỹ đối với các sản phẩm Trung Quốc. Hu Xiang- người sáng lập và là người đứng đầu chi nhánh Beike Biotech ở Thâm Quyến – nói: “Các biện pháp trừng phạt thương mại lẫn nhau giữa Trung Quốc và Mỹ chắc chắn sẽ có tác động rất lớn đối với chúng tôi”.
Mỹ đe dọa áp đặt mức thuế 25% đối với hơn 1.300 sản phẩm của Trung Quốc, bao gồm các sản phẩm thiết bị y tế, robot và máy may trị giá khoảng 50 tỷ USD. Trước đó, Mỹ đã công bố áp thuế đối với thép và nhôm của Trung Quốc. Beike Biotech không phải là trường hợp duy nhất. Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp thiết bị y tế, may mặc, thép và in ấn của Trung Quốc đều đối mặt với tác động to lớn từ cuộc chiến tranh thương mại. Một số công ty đã phải chuyển hướng bán hàng sang các khu vực khác. Một số phải hủy kế hoạch mở rộng nhà máy vì các đơn đặt hàng từ Mỹ đã giảm mạnh.
Tập đoàn Hebei Huayang Steel Pipe Co., Ltd., của tỉnh Hà Bắc, chuyên sản xuất ống kim loại để vận chuyển dầu, khí đốt và nước, vì lo ngại chính sách thuế quan mới của Mỹ sẽ được thực hiện nên đã phải xem xét điều chỉnh quy hoạch thị trường của họ, trong khi họ đã có kế hoạch mở rộng kinh doanh tại Mỹ trong năm nay.
Theo ông Steven Yue – Giám đốc kinh doanh của Hebei Huayang Steel Pipe- khách hàng Mỹ vẫn có thể mua được sản phẩm này. Tuy nhiên, họ sẽ phải mất thêm chi phí. Để tránh bị áp thuế cao, sản phẩm được bán cho người trung gian ở các nước thứ 3 và sau đó được chuyển đến Mỹ. Trong khi đó, Tập đoàn sản xuất máy in và nhuộm vải Ningbo Haishu Colorido Digital Technology Co., Ltd., ở tỉnh Chiết Giang, nơi bán 40% số máy nhuộm vải được sản xuất để bán cho khách hàng Mỹ, nay bị khách hàng ép giảm giá sản phẩm, khiến công ty này phải tính đến khả năng từ bỏ thị trường Mỹ.
Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc. Theo số liệu thương mại của Mỹ, năm 2017, nước này nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc trị giá 506 tỷ USD. Thặng dư thương mại lớn của Trung Quốc với Mỹ là một phần lý do gây ra những căng thẳng gần đây. Hơn nữa, Mỹ thực sự lo ngại chính sách công nghiệp mà Trung Quốc gọi là chiến lược “Made in China 2025”. Với chính sách này, Bắc Kinh có tham vọng trở thành một siêu cường công nghệ, có thể cạnh tranh với Mỹ, Hàn Quốc hay Nhật Bản. Mục tiêu của kế hoạch “Made in China 2025” là Trung Quốc có thể “tự cung tự cấp” ít nhất 70% các nguyên vật liệu, phụ kiện cơ bản cho các ngành công nghiệp, giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung ứng bên ngoài như hiện nay khi nước này phải nhập khẩu đến 80% chip điện tử, chủ yếu là từ Mỹ.
Ngoài ra, Chính phủ Trung Quốc còn hỗ trợ các công ty của họ trong những lĩnh vực như khoa học người máy, chất bán dẫn, hàng không và phương tiện sử dụng năng lượng mới. Bắc Kinh cũng yêu cầu các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ nếu muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc. Chính sách này vốn bị Mỹ chỉ trích là đánh cắp bí mật thương mại, khiến các công ty Mỹ thiệt hại hàng trăm tỷ USD.
Theo TTXVN/Reuters
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này