
15:27 - 02/08/2018
TP.HCM: rộ nạn lừa đặt cọc đất nền
Tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp đang rộ lên ở các quận, huyện vùng ven TP.HCM, với thủ đoạn liều lĩnh hơn.

Đi dọc các cung đường ở xã Bình Mỹ và một số xã khác trên địa bàn huyện Củ Chi (TP.HCM) dễ dàng nhìn thấy những tấm bảng rao bán đất nền. Nhưng chính quyền từ xã đến huyện đều cho rằng đó là đất nông nghiệp, đâu được phân lô bán nền.
Không chỉ phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp, nhiều đối tượng còn phân lô, bán nền trên đất quy hoạch, thậm chí rao bán cả đất của người khác. Đáng nói, những đối tượng này hoạt động bất chấp những đợt kiểm tra của lực lượng chức năng từ quận, huyện đến phường, xã.
Bán đất trong quy hoạch
Những ngày này, đi dọc các cung đường ở xã Bình Mỹ và một số xã khác trên địa bàn huyện Củ Chi (TP.HCM), dễ dàng nhìn thấy những tấm bảng từ bằng vải đến nhôm sắt ghi nội dung bán đất nền với đủ mọi giá, nhưng nhiều nhất là giá tầm 200 – 500 triệu đồng/mảnh. Tấp vào hỏi, nhận được câu trả lời chắc nịch: “đất có sổ từng lô, từng nền đàng hoàng, cứ đặt cọc xong là có”. Vậy mà, khi liên hệ với chính quyền từ xã đến huyện, chúng tôi nhận được câu trả lời đó là đất nông nghiệp, đâu được phân lô bán nền. Đặc biệt, qua thông tin tìm hiểu từ lãnh đạo huyện Củ Chi, nhiều lô đất ở xã Bình Mỹ được các công ty môi giới rao bán là đất đã bị huyện cấm mua bán.“Đã có rất nhiều người vướng bẫy.Chúng tôi đã khuyến cáo nhưng các công ty môi giới ngày càng liều”, một lãnh đạo của huyện Củ Chi, nói.
Tương tự, khu đất trên đường Dương Thị Mười (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12) cũng bị một nhóm người lạ mặt rao bán công khai trên mạng internet với số tiền hàng chục triệu đồng/m2. Sau khi liên hệ với nhân viên môi giới, chúng tôi liên tục nhận được lời nhắn muốn họ dẫn xem đất, phải đặt cọc vài trăm ngàn đồng làm tin, vì đất này là đất rẻ ở mức “có một không hai” nên họ sợ dẫn nhằm phải “cò”. Thấy chúng tôi cương quyết không đặt cọc mà yêu cầu cứ dẫn đi coi đất và coi sơ đồ phân lô, nếu được sẽ đặt cọc giữ chỗ luôn, một nam thanh niên xưng là chủ lô đất chấp nhận dẫn đi. Thế nhưng đến nơi xem đất thì mới biết khu đất cỏ vẫn mọc xanh tốt, chưa được phân lô, nền rõ ràng. Đổi lại cho sự thất vọng của chúng tôi, “chủ đất” trấn an: cứ yên tâm đi, thủ tục phân lô nền đã xong rồi, chỉ cần đặt cọc vài chục triệu đồng giữ chỗ, sẽ giao sổ sau 60 ngày.
Qua tìm hiểu thông tin từ người dân sống xung quanh khu đất trên, mới biết đó là chiêu trò của những kẻ lừa đảo, vì đây là khu đất nằm trong quy hoạch một công trình công cộng và là hành lang an toàn lưới điện. Đặc biệt, chính quyền điạ phương còn khẳng định chưa có cơ quan chức năng nào phê duyệt hoặc thoả thuận cho bất kỳ dự án nào tồn tại trên khu đất trên.
Bán luôn đất người khác
Trường hợp đối tượng liều lĩnh nhất có lẽ xảy ra ở khu đất nằm đối diện UBND P. Đông Hưng Thuận (quận 12). Theo cư dân nơi đây, cách đây không lâu, toàn bộ cư dân khu này bất ngờ khi thấy một nhóm người đến phát tờ rơi, quảng cáo “hô biến” khu đất gần nhà họ thành dự án Royal Gold Land, với nền lô như có thật để rao bán. Quá hiểu rõ pháp lý lô đất nên người dân nơi đây tin rằng đây là hành vi lừa đảo để trục lợi, nên liền báo chính quyền. Sau đó, chính quyền đã mời khoảng 20 đối tượng lên làm việc, chưa thể xử lý hành vi lừa đảo, vì tại thời điểm trên chưa nhận cọc giữ chỗ của bất kỳ khách hàng nào.
Sau khi nhắc nhở những đối tượng trên, chính quyền Q.12 và P. Đông Hưng thuận đã treo băng-rôn cảnh báo tại khu đất với nội dung khu đất này theo quy hoạch được duyệt từ năm 2008, là đất quy hoạch cây xanh nên việc phân lô, bán nền là lừa đảo.
Vậy mà, giữa tháng 7/2018, theo ghi nhận của TGTT cũng như phản ánh của bà con quanh khu đất trên, thi thoảng vẫn có những đối tượng dẫn khách đến chỉ trỏ vào khu đất theo kiểu mình là chủ. Khi khách mua thấy băng-rôn cảnh báo của chính quyền, hỏi ngược lại, những kẻ môi giới lại nói chính quyền “hù”, chứ họ không có lừa gạt ai! “Thỉnh thoảng tôi lại tiếp một vị khách hỏi về pháp lý lô đất”, bà H., cư dân gần khu đất nói, và cho biết thêm, chủ đất thực sự không hề rao bán đất.
Vẫn chỉ “cảnh báo và tuyên truyền”
Dư luận đặt câu hỏi: phải chăng chính quyền bó tay với nạn phân lô, bán nền theo những hình thức lừa đảo nhận tiền đặt cọc rồi xù như trên? Trả lời câu hỏi này, lãnh đạo các phường, xã đều có chung câu trả lời rằng: phường, xã chỉ có thể phát thông báo rộng rãi để cảnh báo người dân tránh bị lừa là chính. Riêng lãnh đạo các quận, huyện, nói: sau khi nhận được phản ánh của dân, các ban ngành của quận, huyện tiến hành xác minh. Thế nhưng, vụ việc luôn gặp khó, vì khi tiến hành kiểm tra, xác minh tại hiện trường chỉ thấy dán một số thông báo rao bán đất. Lần theo thông tin trên thông báo, gần như bó tay vì họ tắt máy, đó là chưa kể nhiều khi có “tay trong” thông báo.
Ngoài ra, chính quyền nhiều địa phương còn áp dụng biện pháp đăng tải thông tin những khu đất có dấu hiệu bị rao bán để trục lợi tiền đặt cọc, để người dân cảnh báo kịp thời cho người mua. Riêng lãnh đạo huyện Củ Chi cho rằng, cách xử lý hiện nay của huyện là tăng cường kiểm tra, xử lý việc rao bán của các nhà môi giới với mức xử lý hình sự những trường hợp táo tợn, chiếm đoạt số tiền lớn từ những hành vi gian lận trong mua bán đất!
Lãnh đạo huyện Củ Chi cho biết, cách xử lý hiện nay của huyện là tăng cường kiểm tra, xử lý việc rao bán của các nhà môi giới với mức xử lý hình sự những trường hợp táo tợn, chiếm đoạt số tiền lớn từ những hành vi gian lận trong mua bán đất!
Giang Thanh – Đằng Giang (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này