
10:37 - 01/02/2019
Tôi đã chọn cuốn sách về Nguyễn Hiến Lê
Tác phẩm Nguyễn Hiến Lê, con người và tác phẩm in xong vào tháng 8.2018, nhưng ngày 19/1/2019, sách mới được phát hành.
Khác với những bộ sách “con người và tác phẩm” thường thấy, ở Nguyễn Hiến Lê, con người và tác phẩm là bài viết của 16 tác giả, trong đó có những người “tự coi mình là học trò” đối với người thầy đã dạy họ bằng văn chương chữ nghĩa từ những tác phẩm của ông. Cụ từng viết: “Soạn sách, tôi chỉ nhắm mục đích: tự học và giúp người khác tự học. Tôi nghĩ đến cái lợi của độc giả trước hết, chẳng hề tự cho mình có “sứ mạng” gì cả, mà cũng không hề mong được nổi tiếng” (Hồi ký, tr.399).
Trong bài Người xưa đường mới (tr.22), tác giả Dũ Lan Lê Anh Dũng đã viết: “Cuộc đời của cụ cũng có ba năm đi dạy, nhưng khi về Sài Gòn, được một số trường mời đến dạy, ông cương quyết từ chối, vì muốn dành hết thời giờ cho việc tự học, biên khảo, dịch thuật, nghiên cứu…” Cho tới năm 1975, theo tác giả Dũ Lan, cụ Nguyễn Hiến Lê đã xuất bản được một trăm tác phẩm. “Từ năm 1975 tới ngày ông mất, thêm hai mươi hai công trình nữa, viết khoảng hai trăm năm mươi bài báo…, đề tựa cho hai mươi ba tác phẩm về biên khảo, thơ, tùy bút…”, dẫn theo tác giả Dũ Lan.
Các tác giả có bài trong cuốn sách này, hầu hết theo gương tự học của cụ Lê mà tự học từ những cuốn sách do ông viết ra, dịch thuật và biên soạn. Có tác giả như BS Nguyễn Chấn Hùng viết rằng: “Lần đầu tiên viết sách cho mọi người cùng hiểu (thay vì những tập nghiên cứu khoa học khô khan đầy tính học thuật), là bởi sự thách thức của thầy: “từ lâu biết bác sĩ có uy tín, có đông thân chủ, tôi rất mến, phải có sách như thế này mới hay; nhưng viết cho mọi người hiểu được bệnh ung thư thì có lợi cho bà con lắm, bác sĩ làm nổi không?” BS.Hùng thú nhận rằng, quả là viết cho công chúng khó gấp nhiều lần. Sau sáu tháng tìm tòi, đọc thêm cách viết từ các nhà văn miền Nam, lắng nghe từng tiếng nói của ngôn ngữ bình dân, ông Hùng đã hoàn tất cuốn sách mỏng về bệnh ung thư. Nhờ sự khuyến khích của cụ mà gần đây, năm nào ông Hùng đều ra sách.
BS Đỗ Hồng Ngọc cũng có ba bài viết về cụ trong tập sách này. Dù là học trò, nhưng BS. Ngọc được cụ coi là tâm giao qua những bức thư, những dòng chữ với ước muốn về lại quê xưa: “Cháu làm tôi nhớ hồi trẻ tôi học ở trường Bưởi ngoài đó quá. Cháu có xem Hồ Tây, chùa Quan Thánh, đường Cổ Ngư không? Trường Bưởi bên bờ Hồ Tây đấy. Mà trường Yên Phụ (tiểu học) của tôi ở trên bờ hồ Trúc Bạch trông ra đường Cổ Ngư đấy…” Nhưng ước muốn của ông không thành, vì vài lý do,cụ không thể trở lại quê nhà lần nào nữa.
Bài viết của các cây bút khác như Quách Tấn, Lê Ký Thương, Trần Huiền Ân, Trần Văn Chánh, Trần Duy Chính, Lê Anh Minh, Nguyễn Ngu Í… ngoài sự khâm phục, còn chỉ ra chính cuộc đời và những trang sách của cụ đã dẫn lối cho họ nên người. Như lời của Dũ Lan: “Đời ông bảy mươi ba năm, từ ấu thơ cho đến khi quay lưng đi vào cõi vĩnh hằng, đã kinh qua biết bao nỗi thăng trầm bi tráng của lịch sử một đất nước chiến tranh ly loạn triền miên. Nhưng ông đã tự chọn cho mình một con đường tu thân, tu đức, trau dồi học vấn không ngừng. Ông miệt mài đem trí tuệ mẫn tiệp, sức học uyên bác, lương tri và tâm huyết… để bằng nghị lực phi thường lướt qua những bệnh tật đeo đẳng tấm thân mảnh khảnh, đã lặng lẽ nuốt nỗi khổ riêng vào tận đáy lòng, để cho những dòng chữ mãi mãi tinh tuyền hương thơm vị ngọt và vẻ mỹ miều của một tình yêu quê hương đằm thắm và một lòng nhân ái kín đáo”.
Ngân Hà (theo TGTT)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này