17:18 - 27/09/2016
Tiếp tục bàn giải pháp tái cơ cấu nông nghiệp ĐBSCL
Đây là hội nghị thứ tư trong hơn hai tháng qua được tổ chức tại vùng ĐBSCL nhằm giải quyết những vấn đề về kinh tế-xã hội đang nổi lên trong vùng.
Sáng 27/9, tại tỉnh Đồng Tháp, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức hội nghị về tái cơ cấu nông nghiệp gắn với việc sử dụng đất, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, liên kết sản xuất nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị vùng ĐBSCL và kế hoạch hợp tác liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì hội nghị. Đây là hội nghị thứ tư trong hơn hai tháng qua được tổ chức tại vùng ĐBSCL nhằm giải quyết những vấn đề về kinh tế-xã hội đang nổi lên trong vùng.
Phó Thủ tướng cho biết, hội nghị này không chỉ giải quyết những vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nông nghiệp của vùng, mà còn đánh giá lại 3 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, góp phần hoàn thiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 mà Chính phủ đang soạn thảo, trình các cấp có thẩm quyền quyết định trong năm nay.
Kết quả mới là bước đầu
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng, sau 3 năm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, toàn vùng đã chuyển hơn 78.000 ha đất sang trồng cây ăn trái như dưa hấu, mè, ngô, thanh long, đậu tương, rau, mầu với nhiều diện tích chuyển đổi cho hiệu quả kinh tế tăng 20-30% so với trồng lúa.
ĐBSCL đã hình thành 1.200 HTX nông nghiệp và khoảng 16.000 tổ hợp tác, trong đó tổ hợp tác phát triển mạnh trong trồng trọt và thủy sản.
Ông Hoàng Văn Thắng cho biết, tổ hợp tác có vai trò quan trọng để tái cơ cấu ngành, là yêu cầu mang tính đột phá của tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trước mắt là phát triển các mô hình chăn nuôi giỏi ở ĐBSCL.
Đối với việc hình thành mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp, vụ Hè Thu 2015 toàn vùng có 101 doanh nghiệp ký hợp đồng sản xuất và bao tiêu lúa gạo cho nông dân với diện tích 77.420 ha, tăng 15% diện tích so với vụ Hè Thu 2014. Tuy nhiên, hợp đồng thành công mới chỉ là 42.605 ha, đạt 55%.
Đối với các doanh nghiệp được Bộ NN&PTNT chỉ định liên kết thu mua 12.000 ha lúa gạo của nông dân, thì doanh nghiệp mới bao tiêu được 80% diện tích với hai hình thức phổ biến là thông qua HTX/tổ hợp tác và liên kết trực tiếp giữa doanh nghiệp và nông dân.
Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cho rằng, kết quả tái cơ cấu nông nghiệp mới chỉ là bước đầu, chưa tạo được chuyển biến rõ rệt, tăng trưởng ngành nông nghiệp cả nước và của vùng ĐBSCL chưa vững chắc.
Nguyên nhân là do biến đổi khí hậu tới nhanh và mạnh hơn so với dự báo, thiên tai ngày càng khắc nghiệt; sự chuyển biến về nhận thức còn chưa theo kịp thực tiễn, thậm chí còn lúng túng, vướng mắc trong ban hành chính sách.
Thảo luận tại hội nghị, các đại biểu là lãnh đạo các địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tạo quyết tâm cao thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới; tăng cường năng lực dự báo thị trường, cụ thể hóa các lĩnh vực tái cơ cấu theo lĩnh vực ngành, điều chỉnh kế hoạch phát triển sản xuất nông sản gắn với chế biến, liên kết sản xuất; tăng cường chuyển giao và ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; tổ chức lại sản xuất, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất trong tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp…
Các ý kiến cũng thống nhất việc thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của toàn vùng ĐBSCL, hay của mỗi tỉnh, thành phố phải phù hợp với điều kiện của từng tiểu vùng với những điều kiện thổ nhưỡng, nhiệt độ, khí hậu khác nhau, nhằm khai thác tối đa lợi thế của vùng, giảm đến mức tối thiểu sự cạnh tranh trong các sản phẩm nông nghiệp.
“Vẽ” lại bản đồ đất lúa của ĐBSCL
Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủy lợi là vấn đề cấp bách với ĐBSCL trước những thách thức của biến đổi khí hậu và năng lực phát triển nông nghiệp của vùng đã “tới hạn”.
Nêu dẫn chứng sau hơn 2 năm Đồng Tháp thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, lao động trong khu vực này đã giảm từ 69% (năm 2012) xuống còn 50%, diện tích cây ăn trái, hoa màu tăng lên, thu nhập bình quân người nông dân năm 2015 là 29 triệu đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2012, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh chủ trương thay đổi sản xuất nền nông nghiệp là việc cần phải thực hiện.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cho rằng, cần phải tiếp tục nhận diện, đánh giá về cách làm của Đồng Tháp để làm sao tái cơ cấu nông nghiệp đạt được mục tiêu quan trọng hơn là gia tăng giá trị cây trồng vật nuôi đi liền với nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích canh tác, bảo đảm cuộc sống người nông dân phát triển bền vững, xóa cảnh “được mùa mất giá”.
Trong đó, một nội dung của tái cơ cấu nông nghiệp là chuyển đổi đất trồng lúa (cho hiệu quả thấp) sang trồng cây, con khác, Phó Thủ tướng nhận định, diện tích chuyển đổi này của toàn vùng còn ít so với kế hoạch (mới chuyển được 78.000 ha so với 1,8 triệu ha đất lúa cần phải chuyển đổi) và nhiều địa phương cũng không “mặn mà” với việc này vì liên quan tới thị trường.
“Ta chuyển từ lúa sang trồng đậu tương, đậu bắp, nhưng năng suất tương ứng của hai loại này mới chỉ bằng 30% và 60% so với thế giới, thì sau này hội nhập kinh tế, loại hàng hóa này sẽ ồ ạt nhập khẩu vào trong nước, sẽ bóp chết sản xuất trong nước”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.
Do đó, lãnh đạo Chính phủ yêu cầu các địa phương trong vùng, cùng với các bộ, ngành cần xác định lại bản đồ sử dụng đất lúa sát với thực tiễn của ĐBSCL, gắn với việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ, các giải pháp hỗ trợ về vốn, chính sách, cơ chế của Nhà nước cho doanh nghiệp và cộng đồng dân cư.
“Tính toán chuyển sang cây, con gì thì phải làm kỹ lưỡng. Chuyển đổi bao nhiêu diện tích, chuyển sang loại gì và làm sớm, để vài ba năm mới xong thì mọi việc sẽ trôi đi. Phải coi đây là việc quan trọng trong 5 năm tới”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu.
Đi liền với đó, các địa phương cần lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực, bảo đảm không chồng chéo, cạnh tranh với nhau và phát triển sản xuất theo chuỗi, xây dựng thương hiệu bằng chương trình, đề án cụ thể như tỉnh Đồng Tháp đã làm. Bộ NN&PTNT cần hỗ trợ địa phương trong phát triển các sản phẩm chủ lực này.
Qua hội nghị, Phó Thủ tướng nhận định rằng: “Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là quan trọng đối với cộng đồng dân cư, tới từng hộ gia đình. Còn khu nông nghiệp công nghệ cao nên đóng vai trò vườn ươm, chứ thu hút các chủ thể vào đầu tư, sản xuất tại các khu này thì Bộ NN&PTNT phải cân nhắc, nghiên cứu kỹ lưỡng, không khéo sẽ lãng phí rất nhiều nguồn lực của Nhà nước và xã hội”.
Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành cập nhật kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ TN&MT, trên cơ sở đó Bộ KH&ĐT rà soát, hoàn thiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội vùng ĐBSCL; Bộ NN&PTNT sớm có quy hoạch sản xuất cho vùng gắn chặt với đặc điểm từng tiểu vùng, hay đặc điểm tài nguyên nước của vùng để triển khai.
Các địa phương cũng phải rà soát, cập nhật quy hoạch, chủ động thực hiện liên kết vùng, liên kết tiểu vùng trong cả quy hoạch, xây dựng cơ sở hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp để tránh lãng phí, tập trung hiệu quả nguồn lực kinh tế.
Chứng kiến lễ ký kết thực hiện kế hoạch liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười của 3 tỉnh Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ yêu cầu các địa phương trong các tiểu vùng khác cũng cần thực hiện phương thức này nhằm phát huy lợi thế về tự nhiên, tập quán canh tác gắn với ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp của mỗi địa phương, cũng như của toàn vùng.
“Nói liên kết sản xuất từ trước nay vẫn thấy bao la, mênh mông, nhưng cần phải xác định rõ ràng như kế hoạch liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.
Theo Chinhphu.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này