
15:15 - 19/01/2017
Thực phẩm bẩn ra đi, và tình yêu… ở lại?
Con gái tôi lấy chồng đã gần 15 năm. Tuy nhiên, sau năm đầu tiên mặn nồng, con gái tôi đã nhận ra chồng nó đầy nhược điểm, lớn nhất là vì tốt bụng quá, nó không nỡ từ chối mọi lời chèo kéo của bạn bè sau giờ làm việc
Và cùng với cái chán ấy, tình yêu của chúng cũng mòn dần đi. Con gái tôi chuyện gì cũng làm một mình, thậm chí đi đẻ, cũng chẳng buồn gọi chồng nữa. Tôi gọi, và đương nhiên chàng rể tốt bụng của tôi bỏ cả việc cơ quan mà lao vào với vợ. Trong lúc chờ vợ đẻ, lắng nghe tiếng la hét của các sản phụ mà không thể phân biệt đâu là tiếng của vợ đâu là tiếng của thiên hạ… nó khóc.
Tình yêu của chúng nó dường như hồi sinh. Trong suốt một tháng, ngày nào chồng cũng nhăm nhăm tìm mọi cơ hội chạy về với vợ con. Mỗi buổi sáng, anh chồng dậy sớm lo nấu cháo cho vợ, rồi chiều đến, bữa cơm gia đình được dọn ra, vợ ngồi một bên, chồng ngồi một bên, vừa ăn vừa ngắm nhau say đắm và nói đủ thứ chuyện trên trời dưới bể. Chàng rể hùng hổ thề sẽ không bao giờ để vợ phải một mình, trừ khi… đi làm. Con gái tôi hài lòng lắm. Còn tôi phát hiện trong lúc cúi xuống hôn con, chúng nó cũng tranh thủ hôn nhau. À, cuộc đời vẫn đẹp sao…
Nhưng mà chỉ được một tháng. Khi con gái tôi đem con về nhà mẹ đẻ, thì… mọi sự lại như cũ. Chồng nó, sau khi hết sợ vì nỗi đau đớn của các bà đẻ mà nó mục sở thị, thì bắt đầu sinh chứng tinh tướng vì đã đẻ được con trai đầu lòng. Các buổi chiều, thay vì về ăn cơm với vợ, nó phải đi đãi bạn vì nhiều thằng bạn đòi khao quá. Con gái tôi lúc đầu phát khùng, sau thì… phát chán. Tôi nhìn thấy cái niềm hạnh phúc từng lấp lánh trong mắt nó một tháng qua đã tắt lụi. Thay vào đó là sự dửng dưng. Cứ như thế, và cái bàn ăn của con gái tôi trong cái tổ ấm xinh xinh trên tầng 15 của nó giống như một sân khấu đã hạ màn, bếp cũng chẳng mấy khi đỏ lửa.
Trong lúc nỗi tuyệt vọng lạnh lẽo chế ngự cái gia đình nhỏ xíu của con tôi, thì một tia sáng loé lên. Đó là… một buổi tối, chàng con rể của tôi được bạn chở về nhà bằng… taxi, vào lúc 12 giờ đêm. Hoá ra chúng nó vừa nhậu xong thì lần lượt ôm bụng chạy vào toilet nhà hàng. Ngộ độc thực phẩm. Nghe nói khi cả lũ được đưa vào bệnh viện rồi thì nhân viên quản lý thị trường và thanh tra y tế cũng đến. Một vị khách còn khá tỉnh táo đã gọi cho thanh tra y tế, và người ta nhanh chóng tìm ra thứ khiến cả nhà hàng náo loạn là món rau cần được ngâm cái gì ấy khiến nó dài ngoằng chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Cả lũ bợm nhậu ăn món lẩu đều xơi thứ rau ấy như bò ăn cỏ, và chuyện ngộ độc chỉ là hệ quả tất yếu. Hỏi sao ngày nào cũng nhậu thứ rau ấy mà không sao, giờ lại bị, thì được trả lời: chắc lần này nhà hàng đông khách quá, không kịp rửa kỹ. Tất nhiên ai cũng biết, nghĩa là thứ rau ấy vẫn được ngâm như thế hàng ngày. Mà cũng chả phải nhà hàng ngâm, mà là từ ở người cung ứng rau.
Vài hôm sau, lại phát hiện cả thịt bò của món lẩu ấy cũng là thịt rởm nốt. Đó là thịt lợn sề được tẩm ướp sao đó khiến nó giống thịt bò. Rồi mỗi ngày, thông tin về thực phẩm bẩn tràn ngập trên các phương tiện truyền thông… Vợ chồng con tôi cãi nhau. Lần này không phải vì chuyện thằng chồng đi ăn nhậu quá đà, mà là làm thế nào để phân biệt thực phẩm sạch, thực phẩm bẩn, để bảo vệ báu vật của chúng khỏi ngộ độc như bố nó.
Bỗng một ngày con gái tôi hớn hở chở về nhà một lô thùng xốp, đặt san sát ngoài ban công, nơi nó từng để rất nhiều chậu hoa cảnh. Nó trồng rau. Và đặt mua các loại thịt sạch, rau sạch từ một cô bạn có mẹ già ở quê vẫn tự trồng rau, chăn nuôi và gửi thực phẩm sạch ra cho con. Chồng chăm chỉ về nhà nấu cơm, ăn cơm cùng với vợ. Cái bàn ăn xinh xắn trong bếp của con tôi lại giống như sân khấu sáng đèn mỗi buổi chiều tối.
Đâm phân vân. Thời của thực phẩm bẩn, bên cạnh nỗi sợ cho sức khoẻ của mọi người và của chính mình, dường như sự gắn kết gia đình cũng trở lại.
Trịnh Thanh Nhã
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này