09:21 - 04/10/2019
Thủ lĩnh HTX kiểu dám nghĩ dám làm
Năm xã cù lao Tây thuộc huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp, có “ba cây đại thụ” làm nghề nông là Ngô Khuê, Bảy Lâu (Phan Minh Chính) và Phương Minh. Một người từng ra nước ngoài dạy nông dân Philippines canh tác lúa, hai người còn lại đều giỏi nghề cơ khí.
Làm khác kiểu cũ
Ông Bảy Lâu từng sống từ thời tập đoàn sản xuất, sau đó lên hợp tác xã (HTX), nên hiểu nông dân ngán HTX kiểu cũ đến mức nào. Năm 2003, xã Tân Bình có ba HTX, mỗi HTX làm một kiểu, chỉ có HTX của ông Bảy là khá hơn cả nhờ đưa máy móc vô đồng, hiểu kỹ thuật và biết cách làm lợi cho xã viên.
Hồi sau, xã Tân Bình sáp nhập ba HTX thành một, người ở HTX ông Bảy Lâu đang ngon trớn nên họ không hài lòng, còn người từ HTX yếu kém lại vui, bởi họ được dựa hơi hưởng lợi. Ông Bảy Lâu nhớ lại, hồi đó việc chọn ra một thủ lĩnh đứng đầu khi gom ba HTX thành một khá phức tạp, nhưng cuối cùng với năng lực đổi mới, dám nghĩ dám làm nên ông vẫn được chọn làm chủ nhiệm. Đến năm 2012, khi có luật HTX mới, ông từ vai chủ nhiệm trở thành giám đốc. Khi đó, khó khăn lại ập đến, đó là vốn sản xuất. Ông xoay bằng cách thuyết phục ba thành viên hội đồng quản trị về “năn nỉ” bà xã cho mượn sổ đỏ vay vốn ngân hàng về cho thành viên HTX mượn. Cách này, theo ông đã lấy được lòng tin của tất cả dân trong xã yên tâm góp vốn, yên tâm thực hiện kế hoạch của HTX đề ra.
HTX có quy mô toàn xã nên việc tập hợp được ý dân là điều không đơn giản, bởi chín người mười ý. Xã có trên 1.000 gia đình, ông Bảy biết lợi thế của mình rành cơ khí nên đã tập trung cơ giới hoá. Tới nay, từ khâu làm đất tới khâu gặt đều do máy móc. Chỉ có khâu tỉa giặm và làm cỏ là thủ công, chứ không xịt thuốc.
“Nhờ làm bài bản quy trình SRP (Sustainable Rice Platform – nền tảng lúa gạo bền vững), nhiều dự án quốc tế giúp HTX lò sấy, kho lúa nên chúng tôi yên tâm sản xuất lúa chất lượng”, ông Bảy Lâu tâm sự. Để có thêm nguồn vốn đầu tư, ông Bảy Lâu còn thuyết phục được thành viên HTX cho phép lỗ trong thời gian đầu, miễn sao mang lại lợi ích chung, lâu bền cho HTX nên nguồn thu có dư đều được sử dụng vào việc mua đất của thành viên làm công trình giao thông, mương nước bê tông, trang ủi đồng ruộng bằng công nghệ laser…
“Nếu có 100 đồng lời thì HTX để vô quỹ 40 đồng, trong đó phát triển sản xuất 27 đồng, dự phòng 5 đồng, phúc lợi khen thưởng 5 đồng, đào tạo 3 đồng. Còn lại 60 đồng thì 35 đồng chia cho sử dụng dịch vụ, 25 đồng chia theo vốn góp. Bây giờ mà nói nông dân vác lúa từ ruộng về họ không làm đâu, nên mình phải đầu tư cơ giới hoá mọi khâu”, ông Bảy nói: thấy trước chuyện này nên HTX mua đất của thành viên làm đường bê tông kết hợp mương nước tưới tiêu, nông dân lái xe gắn máy ra tới ruộng làm xong việc, lên xe chạy cái vèo về nhà”.
Thật lòng mới quan trọng
“Chẳng có việc gì khó ở HTX Tân Bình. Cái khó là các dự án hỗ trợ kèm theo gợi ý, đã làm tới nước này mà không chuyển sang hướng làm gạo sạch, hữu cơ thì quá uổng”, ông Bảy Lâu nói, hiện nay trong 713ha, chỉ mới có 60ha theo đuổi chuẩn hữu cơ, còn lại chỉ mới đạt sản xuất G.A.P.
Xã viên ở HTX Tân Bình nói, mấy năm nay may mắn nhờ trồng 80% diện tích lúa nếp CK92, năm nào cũng được mùa, được giá; trừ hết chi phí, lợi nhuận còn trên 60 – 70%, nên HTX có thêm điều kiện làm đê bao, cân đối lại nguồn nước, đồng thời ngăn vùng trồng ớt và trồng lúa cách biệt, để tăng diện tích lúa an toàn.
Theo sổ sách kế toán, HTX Tân Bình đang có lời 500 – 700 triệu đồng/năm nhờ làm tám loại dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào, đầu ra, cung cấp nước sạch. Nhưng ông Bảy Lâu lại bảo, có lần những người anh em cũng làm HTX ở Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ qua cù lao Tây tham quan, họ đặt vấn đề với ban giám đốc Tân Bình, rằng: với số vốn cố định 24 tỷ, còn 4 tỷ làm vốn lưu động, nhưng lời chừng ấy thì thành viên có chịu không? Ông liền trả lời thiệt tình: “Nếu nói 100% xã viên hài lòng với mức lợi nhuận đó là nói không thật, nhưng ít nhất HTX làm được mấy chuyện: nhờ có công ăn việc làm ổn định, nên không còn tình trạng dân di cư đi Bình Dương làm công nhân. Hồi trước cứ mười người làm nông thì bảy thất bại, nên phải đi Bình Dương, nay họ có thể yên tâm làm ở HTX, được hưởng lương hàng tháng, lương khoán, và có khi nguồn thu nhập của họ còn gắn với hiệu quả làm dịch vụ. Có lao động đang nhận lương 7 – 8 triệu đồng/tháng, như thợ lái máy gặt, hay 3 triệu như sinh viên về HTX (bên cạnh lương theo chính sách còn được trợ cấp 1,5 triệu đồng/tháng). Tất cả đều công khai…
Liên kết đầu ra
Ông Lê Văn Phương, giám đốc công ty Phương Minh, đối tác bỏ 50% vốn vô HTX Tân Bình để liên kết lo khâu đầu ra cho HTX này, nhận xét trong khi nhiều HTX coi việc liên kết đầu vào quan trọng hơn cả (mua được vật tư, các dịch vụ tận gốc để giảm giá thành), thì ở Tân Bình lại xem liên kết đầu ra mới là lối thoát. “Liên kết đầu vào, doanh nghiệp muốn mình xài vật tư của họ, cho dù không đúng quy trình hữu cơ, vậy đâu được! Trong khi liên kết đầu ra phức tạp hơn nhiều, vì người dùng cuối cùng muốn hữu cơ, nhưng phân khúc đó bù đắp được công sức”, ông Phương nói: “Bản thân tôi làm 150ha lúa theo chuẩn hữu cơ để làm mẫu, phía sau nhà đây thôi”.
“Thực ra làm gạo hữu cơ, gạo màu, năng suất 3 – 4 tấn/ha, giá cao nhưng chưa có lời, nhưng phải làm vì đại lý muốn. Họ hỏi sao mình làm gạo Jasmine, Đài thơm, OM 5451… mà làm gạo đen, gạo đỏ không được? Chẳng lẽ mua bán 5 – 7 tấn/tháng lâu nay vậy mà họ phải lấy gạo mối khác?”, ông Phương nói.
Liên kết với HTX lo đầu ra, kiểu nhà máy 6 tấn/giờ như công ty Phương Minh, ngay từ đầu ông Phương phải tính toán bán được nguồn cám và trấu để tăng thêm thu nhập. Cám từ nhà máy xay ra được cung cấp cho vùng nuôi cá bên kia cù lao, trấu cho hơn 100 lò nấu rượu ở năm xã, rồi tấm cho thị trường bình dân huyện Thanh Bình, gạo thường đưa lên Sài Gòn bán cho quận 8, Bình Chánh; gạo ngon cho nhà hàng ở quận 1, khu Chợ Lớn, gạo IR 50404 cho khu của dân di cư, gạo chức năng cho người trị bệnh. Có những loại, không lời cũng phải làm để giữ mối.
Chuỗi giá trị lúa gạo ở HTX Tân Bình đang tạo dựng một vùng lúa sản xuất theo hướng G.A.P. và hữu cơ, cho phép phát triển nghề cá tăng thu nhập từ diện tích mặt nước, nhưng điều đó là tiềm năng để dành, giá trị mới chính là lòng tin, đồng thuận khi chi phí, lợi ích được công khai, minh bạch; và sự liên kết thực chất đã tạo được lòng tin nội bộ, bảo đảm cho sợi dây kết nối với người tiêu dùng cuối cùng.
“Đối với những người từng lấy 5 – 6 tấn gạo mỗi tháng, họ sẵn sàng lấy mẫu đem đi thử”, ông Phương nói và cho hay bây giờ bán gạo không dễ nữa đâu, phải ngửa mặt lên trời thề đi. Thề không để lúa ướt, thề không bán gạo pha, chết cũng không trộn, chết cũng không xịt thuốc… Gạo phải có đủ nhãn mác, giấy tờ họ mới mua. Người mua thích đựng thùng giấy có sẵn cái lon trong đó, chứ không thích túi nhựa, đóng bao 25kg bị chê, nên phải đóng bao 10kg, vì bao lớn đại lý không thích. Do đó, nếu bán gạo mà cứ nay vầy mai khác, đại lý sẽ nói bán kiều đó mai mốt đừng bán nữa nghen.
bài và ảnh Hoàng Lan (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này