09:18 - 16/08/2016
Thịt sạch khó ra thị trường vì bị các tiểu thương o ép
Nhu cầu về thực phẩm sạch của người dân rất lớn, song, hiện nay có một nghịch lý là việc tiêu thụ sản phẩm sạch tại các chợ truyền thống lại gặp phải nhiều khó khăn, trong đó có lý do xuất phát từ chính các tiểu thương.
Bắt đầu từ tháng 10/2015, Công ty TNHH Dịch vụ An Hạ, huyện Củ Chi, TP HCM mở 2 sạp chuyên bán thịt heo sạch đầu tiên theo tiêu chuẩn “thực hành chăn nuôi tốt” (VietGap) tại chợ Hòa Bình (Quận 5).
Thịt heo bày bán tại đây được lấy nguồn từ 646 hộ chăn nuôi tại huyện Hóc Môn và Củ Chi, được chứng nhận đạt chuẩn VietGap.
Giá bán thịt heo ở đây chỉ ngang bằng với giá bán tại các sạp thịt khác trong chợ nên được người tiêu dùng hưởng ứng nhiệt tình.
Thế nhưng chỉ sau một thời gian ngắn hoạt động, sản phẩm thịt heo của Công ty An Hạ lại bị các tiểu thương trong chợ cạnh tranh không lành mạnh, gây sức ép buộc doanh nghiệp phải tháo gỡ băng rôn có liên quan đến chữ “thịt sạch” dán trên quầy sạp, bảng giá cũng buộc phải làm nhỏ lại.
Bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty An Hạ cho biết: “Bởi vì người tiêu dùng quay sang ủng hộ heo VietGap thì các tiểu thương không ủng hộ, o ép đủ thứ. Vì vậy Công ty quyết định không bán trong chợ mà bán bên ngoài để tránh áp lực từ phía tiểu thương, mà vẫn đáp ứng được cho người tiêu dùng”.
Bà Nguyễn Hồng Thắm còn cho biết thêm: Không chỉ phải đối mặt với việc o ép của các tiểu thương, mà Công ty An Hạ còn gặp khó khăn đó là tình trạng các tiểu thương không bán thịt heo VietGap của Công ty nhưng vẫn mạo nhận để bán cho khách hàng, trà trộn thịt sạch và thịt bẩn với nhau.
Điều này đã gây nên tâm lý e ngại của người tiêu dùng vì bỏ tiền ra mua thịt heo sạch nhưng không biết là có đúng hay không.
Sau một thời gian, với sự vào cuộc của chính quyền, ban quản lý chợ cũng như việc Công ty thông tin rộng rãi cho người tiêu dùng biết các điểm bán thịt heo an toàn, đến nay, sản phẩm của An Hạ có mặt tại 9 điểm bán, tại chợ Hòa Bình (Quận 5) và một số nơi gần các chợ ở quận Gò Vấp, Quận Bình Thạnh, Quận 1 và Quận 3.
Tuy nhiên, số lượng thịt bán lẻ tại điểm bán lẻ của Công ty An Hạ chỉ là một phần nhỏ trong hơn 20 tấn thịt sạch mà Công ty này cung cấp cho các cơ sở nhà hàng, khách sạn lớn hằng ngày.
Là đơn vị chủ lực trong việc cung ứng thịt heo VietGap của TP HCM, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan cho biết: Toàn bộ nguồn heo do Vissan giết mổ đều được sự kiểm soát chặt chẽ của đơn vị chức năng.
Ngoài ra, Công ty còn đầu tư riêng bộ kiểm tra nhanh các chất cấm trong chăn nuôi và kiểm soát nghiêm ngặt lượng heo thu mua trước sự giám sát của cơ quan thú y.
Tính đến thời điểm này, Công ty Vissan cũng đã cung cấp sản phẩm heo sạch Vietgap tại 32 chợ và 146 sạp hàng tại chợ truyền thống với số lượng khoảng 70 tấn/ngày.
Song ông Văn Đức Mười cũng thừa nhận, Vissan tự bán hàng là chủ yếu mà không liên kết với đơn vị nào khác để bán các sản phẩm của mình vì sợ họ trà trộn các sản phẩm khác vào.
Cũng như thịt heo, hiện nay, nhiều cơ sở kinh doanh rau sạch ở TPHCM không mặn mà lắm với việc đưa rau sạch đến các chợ truyền thống. Nguyên nhân nguồn hàng bán chỉ vừa đủ ở các chi nhánh, cửa hàng trong thành phố.
Thêm nữa, đa phần các tiểu thương trong chợ truyền thống đều không muốn lấy sản phẩm rau VietGap về bán vì giá cả thường đắt gấp đôi rau thường mà chủng loại không đa dạng và nhìn không bắt mắt bằng các loại rau được bày bán ở chợ.
Bà Trần Thị Thái Thanh – Phó Trưởng ban quản lý chợ Phạm Văn Hai cũng cho biết: Những điểm bán rau sạch, thịt sạch của chợ do mở sau nên thường nằm ở những vị trí không đắc địa, cộng với việc giá cả cũng cao hơn dẫn đến việc tiêu thụ bị chậm.
Chính vì vậy mà chỉ sau một thời gian mở ra, các cửa hàng này phải ngưng hoạt động vì kinh doanh không hiệu quả.
Bên cạnh một số đơn vị chủ lực vẫn đang nỗ lực đưa thực phẩm sạch đến với chợ truyền thống thì theo ghi nhận thực tế, những chương trình đưa rau sạch, thịt sạch vào các chợ truyền thống của thành phố vẫn còn gặp không ít khó khăn.
Thời gian qua, TP HCM cũng đã đề ra rất nhiều chương trình đưa thực phẩm sạch vào thị trường tiêu thụ, trong đó có việc đưa rau sạch, thịt sạch sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap vào các chợ truyền thống.
Tuy nhiên, làm thế nào để người dân được dùng các thực phẩm sạch vẫn là còn bài toán nan giải và cần có thêm thời gian nhiều hơn nữa mới có thể giải quyết được.
Bà Huỳnh Thị Kim Cúc – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM cho biết: “Sở tổ chức các đoàn đi giới thiệu thực phẩm sạch đến với tiểu thương và thậm chí đưa các tiểu thương đi thăm. Vấn đề này nằm ở một phần từ tiểu thương và một phần là người tiêu dùng. Vì vậy, sắp tới sẽ phải tăng cường tuyên truyền hơn nữa”.
“Chúng tôi cũng đề nghị đối với sản phẩm tiêu thụ trong nước, chúng ta nên đưa một quy chuẩn duy nhất để sản phẩm đưa ra là an toàn và người tiêu dùng sẽ chỉ sử dụng một sản phẩm”.
Như vậy, có thể thấy chỉ khi nào có được sự đồng thuận của các bên, từ các hộ sản xuất, doanh nghiệp đến các tiểu thương, người tiêu dùng và sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phía Nhà nước trong các chương trình xúc tiến tiêu thụ thì đường đến với chợ truyền thống nói riêng và các kênh phân phối nói chung của thực phẩm sạch mới thực sự thông thoáng.
Khi ấy, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm sạch của người dân mới được đáp ứng về cơ bản.
Theo VOV.vn
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này