
11:55 - 27/10/2019
Thế giới mạng và trầm cảm ở người trẻ
Thời trung học không chỉ là giai đoạn vui khoẻ nhất của tuổi trẻ với những chân trời và tiềm năng mới rộng mở, mà còn là giai đoạn khó khăn nhất của đời người trong hành trình tìm kiếm bản sắc xã hội, và đôi khi cả tâm linh của chính mình.
Những câu hỏi về mục đích, và, căn bản nhất, ý nghĩa của sự hiện hữu của mình trong cuộc sống này là nỗi ám ảnh mạnh mẽ, nếu không là thường xuyên của tuổi vị thành niên. Tuy đó là những câu hỏi “quay vào trong,” chúng không thể xuất hiện nếu không có những tương quan với các quan hệ xã hội mới hình thành, như một nhóm bạn “ruột”, hay việc làm sau ngày ra trường…
Nỗi lo lỡ dịp
Đây là lứa tuổi mà “cái tôi” đặt nặng nhất, đến mức nó trở thành một thiên kiến [egocentric bias]. Ví dụ, khi một em không chịu đến trường hôm nay chỉ vì một cái mụn mới mọc trên mặt, áo quần chưa tươm tất hay tóc tai chưa gọn gàng… theo ý các em – như thể cả trường sẽ chú ý đến việc đó. Một thí nghiệm của Thomas Gilovich cho thấy một em học sinh bước vào lớp với một chiếc áo phông xấu xí sẽ tưởng rằng tất cả bạn trong phòng chú ý, thì thực ra chỉ có 20% thực sự để ý đến điều đó. Càng duy ngã thì lại càng sợ bị cô lập và cô độc, sợ mình chỉ là kẻ đứng ngoài lề của vòng thân hữu, mọi cuộc chơi, và mọi sự kiện.
Một số nghiên cứu đã chỉ ra sự tương quan giữa việc sử dụng điện thoại thông minh và việc cảm nhận sự cô lập xã hội [Perceived Social Isolation – PSI]. Một nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi GS Brian Primack tại đại học Pittsburgh bang Pennsylvania, Hoa Kỳ trong năm 2017 đã phát hiện ra có một tương quan giữa hai yếu tố nói trên, khi khảo sát một mẫu toàn quốc trong độ tuổi 19 – 32. Mặc dầu các tác giả chưa thể xác định biến số nào là nhân và biến số nào là quả, và nếu ngay khi cả vì thời gian sử dụng điện thoại quá nhiều dẫn đến cảm giác cô lập, thì cũng khó xác định có phải cảm giác cô lập đó là hậu quả của việc giảm các giao tiếp xã hội đích thực mặt đối mặt hay không, thì một hiện tượng tâm lý tiêu cực cũng hiện diện, đó là hiện tượng FOMO (fear of missing out), nỗi lo lỡ dịp. Với nỗi lo lỡ một tin nhắn hay một bài đăng, chúng ta phải kiểm tra mạng xã hội mỗi… 2 phút. Nhưng chính nỗi lo “kết nối mạng ảo” đấy lại là nguyên nhân khiến chúng ta đánh mất thời gian “kết nối đời thực”, loại kết nối tương tác giúp chúng ta cảm thấy gần gũi với người chung quanh và mang lại nhiều phần thưởng cho tình cảm và cảm xúc hơn.
Để lắng nghe nỗi niềm thầm kín của con tim
Một câu hỏi cần phải đặt ra ở đây là giới trẻ có thể bị nghiện mạng xã hội nói riêng và internet nói chung hay không? Vẫn còn nhiều tranh cãi về vấn đề này. Mặc dầu một nghiên cứu về việc ứng dụng thang đo nghiện cờ bạc vào nghiện game online của tác giả bài này và đồng nghiệp vào năm 2012, cho thấy sự đáng tin cậy của thang đo mới này và Rối loạn nghiện game cũng đã được đưa vào cuốn cẩm nang nêu trên trong lần tái bản thứ 5 vào năm 2013, đây cũng chỉ là một đề xuất cần nhiều nghiên cứu, vì chưa đủ chứng cứ. Muốn được xem như một hình thái nghiện ngập, hành vi nghiện đấy phải biểu hiện cực độ, ảnh hưởng đến toàn bộ sinh hoạt trong đời sống của một cá nhân, kể cả nhu cầu thể lý cơ bản nhất. Vì thế, chúng ta chưa thể kết luận gì về nguy cơ nghiện mạng xã hội nói riêng và nghiện internet nói chung, và để tiến đến kết luận trầm cảm là một sản phẩm của nghiện mạng xã hội hay nguy cơ bị trầm cảm cao, vì giới trẻ có thể bị rối loạn nghiện mạng xã hội.
Thế nhưng, kết quả của những nghiên cứu về tương quan của việc sử dụng mạng xã hội, dù chưa có thể gọi là nghiện, với các triệu chứng khác nhau của trầm cảm vẫn rất thuyết phục. Bên cạnh những lý do sinh học kể trên, chúng ta phải kể đến những giả thuyết khác về tương quan này như việc mất lòng tự tin, đặc biệt ở thiếu nữ khi chúng liên tục so sánh hình dáng, dung mạo, hoạt động, và số lượng bạn bè của mình với những bức ảnh và thông tin đã được biên tập để người đăng tin luôn có vẻ xinh đẹp hơn, mảnh mai hơn, có nhiều hoạt động thú vị hơn, và nhiều bạn bè giàu, xinh, giỏi hơn. Tiêu thụ loại thông tin này không chỉ làm cho giới trẻ kém tự tin, mà còn khiến chúng có một cái nhìn sai lệch về cuộc sống của chúng, cứ tưởng cuộc đời phải luôn hoàn hảo với những chuyến du lịch, những buổi party, trận cười thâu đêm, niềm vui bất tận. Dán mắt vào điện thoại di động còn khiến giới trẻ mất đi thời gian tập luyện thân thể, xây dựng khả năng vượt khó và lòng tự tín, và cả những nhu cầu thể lý căn bản của con người, quên ăn và thiếu ngủ. Tất cả những yếu tố thân tâm đều có tương quan với nhau, và sự bỏ bê bất cứ yếu tố nào cũng có thể gây nguy hại cho toàn hệ thống.
Có lẽ, cũng như một lời cầu xin, tôi mong giới trẻ, và tất cả chúng ta, hãy bỏ chiếc điện thoại thông minh hay máy tính bảng xuống để ngồi lại bên nhau. Như đoạn thơ 24 của thi hào Rabindranath Tagore trong tập thơ Người làm vườn mà tôi đã dịch:
“Này em, chớ giữ riêng mình, những điều thầm kín.
Hãy bí mật kể riêng anh nghe, với nụ cười dịu dàng,
lời thì thầm nhẹ nhàng,
Anh sẽ nghe em bằng cả trái tim.
Đêm đã khuya, căn nhà tĩnh lặng, chim đang giấc nồng,
ngủ say trong tổ
Qua nụ cười run rẩy, giọt lệ ngập ngừng,
với ngọt ngào nỗi đau cùng tủi hổ,
hãy kể anh nghe, những nỗi niềm thầm kín của tim em”.
Nổi tiếng nhất trong những nghiên cứu về tương quan giữa điện thoại thông minh, mạng xã hội, và trầm cảm là giáo sư tâm lý học Jean Twenge, đại học San Diego State. Kể từ khi điện thoại thông minh được giới thiệu với công chúng từ năm 2007, đến năm 2015, đã có 92% các bạn trẻ sở hữu một cái. Facebook đã ra mắt đầu tiên và cho phép tất cả ai trên 13 tuổi có một tài khoản vào tháng 9/2006. Đến năm 2012, Facebook đã có trên 1 tỷ người dùng trên khắp thế giới và trong số đó hơn phân nửa sử dụng nó mỗi ngày. Tương tự, sau khi bắt đầu vào năm 2010, Instagram đã đạt được con số 1 triệu người dùng trong hai tháng đầu, 10 triệu trong năm đầu, và 1 tỷ vào tháng 5.2019. Một nghiên cứu năm 2017 với trên nửa triệu em là học sinh từ lớp 8 – 12 cho thấy tỷ lệ trầm cảm của các em tăng 33% trong khoảng năm năm, từ 2010 – 2015. Dữ liệu này được thu thập từ con số trẻ đến phòng tham vấn tại các trung tâm đại học vì trầm cảm hay lo âu. Tỷ lệ này tỷ lệ thuận với việc sử dụng điện thoại thông minh của tuổi teen, kể cả khi đo tỷ lệ tương ứng từng năm.
Lê Nguyên Phương (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này