22:33 - 25/09/2018
Tầm nhìn Toyota về xe tự lái (P.2): ‘Tôi cần Guardian can thiệp’
Leonard ước mơ Toyota nhận được thư từ chủ sở hữu xe nói rằng, “Đứa con trẻ của tôi đang tập và làm quen với việc lái xe; e rằng nó sẽ làm điều gì đó ngu ngốc. Tôi cần Guardian can thiệp.”
Vào một buổi sáng mùa xuân lạnh lẽo, chiếc xe bốn bánh kích thước bằng một chú chó con chạy dọc theo vỉa hè trên khuôn viên MIT, cố gắng né tránh các sinh viên trên đường di chuyển.
Trên nóc chiếc xe là một chiếc hộp bạc chứa cảm biến xoay để giúp chiếc xe phát hiện ra sinh viên, cây xanh và những vật thể khác trên đường đi. Phía trước chía xe là một một dãy camera stereo (một loại camera có hai hoặc nhiều ống kính có bộ cảm biến hình ảnh riêng biệt. Điều này cho phép camera mô phỏng tầm nhìn hai mắt của con người, và do đó cho phép nó khả năng chụp ảnh ba chiều).
Chiếc xe mini trên, còn gọi là minicar, tự vận hành trong khi những ứng dụng được cài đặt sẵn trong nó thu thập dữ liệu và tạo tạo ra một bản đồ có độ phân giải cao về môi trường xung quanh. Trong khi những chiếc minicar di chuyển, Stephen McGill, một nhà khoa học của TRI, theo sau với một cần điều khiển trong tay và sẵn sàng điều chỉnh can thiệp khi chiếc xe đe dọa chạm vào sinh viên trên đường. Các sinh viên hầu như chẳng để ý như thể những chiếc minicar – phiên bản thu nhỏ của xe tự lái – di chuyển ở khuôn viên trường là chuyện thường ngày.
Minicar được cài đặt phần mềm và đang cố gắng học để hiểu những hành vi không đoán trước được của con người dựa trên tương tác của họ ở môi trường xung quanh, ví dụ như tư thế, cử chỉ và cách con người quan sát. McGill sẽ tải lên dữ liệu về tương tác của ô tô với môi trường, sau đó tinh chỉnh phần mềm để dần dần chiếc ôtô có thể di chuyển an toàn hơn. Trong tương lai, dữ liệu này sẽ được sử dụng bởi những chiếc xe lớn hơn, ví như chiếc Lexus thử nghiệm trong nhà xe nơi Leonard thường lui tới.
Một ngày gần đây, chiếc minicar được giới thiệu trong lớp học của sếp của McGill, ông Leonard, hiện đang dạy các môn học quản lý kinh doanh về điện tử. Leonard, dành 20% thời gian làm việc cho MIT và phần còn lại cho viện nghiên cứu. Hôm đó, Leonard giới thiệu ngắn gọn về cách chiếc xe hoạt động; sau đó thăm dò ý kiến của sinh viên về tương lai của các phương tiện giao thông tự lái. Ba phần tư trong số sinh viên hy vọng sẽ sử dụng chúng thường xuyên vào năm 2030. Tuy vậy, Leonard nghĩ rằng họ có thể sẽ thất vọng.
Không dễ để những chiếc xe tự lái hoạt động trơn tru trên đường. Tháng ba vừa qua tại Arizona, một trong những chiếc xe tự lái của Uber đã tông chết một người đi bộ. Các đô thị náo nhiệt luôn hiện ra những chướng ngại trần tục và phiền toái. Khói xe từ ống bô có thể phút chốc biến thành những khối vật liệu rắn trong tình trạng mùa đông lạnh lẽo ở Boston. Hay như một chiếc xe tải của FedEx chặn một nửa con đường hai làn xe và khi đó, không dễ để chiếc xe tự lái có thể vượt qua. “Điều này thực sự, thực sự khó khăn”, Leonard nói.
Toyota đang xây dựng một hệ thống mà họ gọi là Guardian, tức Người bảo vệ. Guardian sẽ khai thác khả năng của các cảm biến và trí tuệ nhân tạo để trở thành một hệ thống phần mềm hoàn hảo về mặt lý thuyết cho xe tự lái. Theo đó, Guardian, khi được tích hợp vào xe hơi hoặc xe tải, có thể những chiếc xe này nhìn xa hơn về phía trước và phía sau, trên nhiều làn đường, hơn bất kỳ con người nào, và sẽ giỏi hơn trong việc dự đoán hành vi của những chiếc xe và người đi bộ khác trên đường giao thông. Trên thực tế, khi đó, con người vẫn trực tiếp lái và phanh xe nhưng nhưng khi Guardian phát hiện nguy hiểm tiềm ẩn, nó sẽ đảm đương kiểm soát, thực hiện các hành động cần thiết như lách, giảm tốc, dừng … để tránh vấn đề.
Một video do Viện nghiên cứu Toyota tạo ra cho thấy Ryan Eustice, Phó chủ tịch cấp cao của Viện đang lái xe thử nghiệm với hệ thống Gaurdian tích hợp kèm theo. Eustice cho phép chiếc xe trôi đi khi anh giả vờ ngủ thiếp đi. Lúc đó một camera phát hiện đầu của Eustice gục xuống và mắt nhắm lại. Ngay lập tức, Guardian tiếp quản và đưa chiếc xe trở lại làn đường của mình. Khi Eustice ngóc đầu lên, anh ta được yêu cầu bấm phanh để tiếp tục lái xe.
Đây là những gì kích thích Leonard, ít nhất là vì con trai tuổi teen của ông gần đây đã học lái xe. Ông nói: “Việc giảm số lượng tử vong ở mức độ lớn hoàn toàn khả thi về mặt kỹ thuật”. Thay vì 40.000 ca tử vong giao thông mỗi năm, Hoa Kỳ có thể giảm xuống còn 4.000 người.
“Hãy tưởng tượng nếu bạn có tài xế thận trọng và được huấn luyện tốt nhất trên thế giới có thể tiếp quản trong một tình huống mà một thiếu niên lái xe ôm cua quá nhanh. Mười năm nữa kể từ bây giờ, tôi ước mơ Toyota nhận được thư từ chủ sở hữu xe nói rằng, “Đứa con trẻ của tôi đang tập và làm quen với việc lái xe; e rằng nó sẽ làm điều gì đó ngu ngốc. Tôi cần Guardian can thiệp. Cảm ơn bạn.”
Zack Hicks là một trong những giám đốc điều hành của Toyota, nhận xét rằng công nghệ xe hơi tự lái chắc chắn đang đến gần. Nhưng điểm khác biệt không nằm ở việc nó trở nên phổ biến và ai cũng có thể có. Điểm khác biệt nằm ở chỗ chúng ta sử dụng dữ liệu và cách chúng ta kết nối chiếc xe với thương mại và các loại phương tiện giao thông khác.
Hicks và đội ngũ lập trình viên trẻ tuổi của anh trong chương trình thí nghiệm Connected (Kế nối) đang cố gắng tạo ra một trình duyệt web siêu thông minh trên xe. Trình duyệt này có thể tải lên dữ liệu từ 500 cảm biến trên mỗi chiếc xe trong số hàng triệu chiếc xe có kết nối Internet của Toyota sau mỗi 200 mili giây — với tổng số hơn 7 triệu điểm dữ liệu mỗi ngày từ mỗi chiếc xe. Các cảm biến đo tốc độ, vị trí, áp suất phanh, góc lái, mức nhiên liệu, áp suất lốp và hàng trăm số liệu khác chỉ ra, ví dụ, liệu người lái xe có xu hướng phanh mạnh hơn bình thường hay không.
Từ dữ liệu có thể xử lý thành thông tin. Thông tin có thể giúp Toyota bán xe thêm thuận lợi bằng cách làm cho chúng an toàn hơn và nâng cao trải nghiệm của khách hàng. Ví dụ, chiếc Camry của bạn thông báo rằng bạn đã quên điện thoại di động và hỏi xem bạn có muốn quay lại để lấy không. Hoặc như bạn đã trễ cuộc họp, và chiếc RAV4 chủ động kết nối Skype (dĩ nhiên là sau khi bạn đậu xe). Bạn nhận được một cảnh báo từ điện thoại di động rằng lốp xe phía sau bên trái của chiếc Corolla bị non hơi, kèm theo đó là một bản đồ thể hiện các trạm dịch vụ gần nhất. Toyota đang cá cược rằng các tính năng như vậy sẽ làm cho cho người tiêu dùng tiếp tục mua xe.
Công ty đang tìm cách chuyển dữ liệu thành tiền mặt. Vào tháng 3, Toyota đã bán được 10.000 chiếc xe có kết nối web được thiết kế cho Avis Budget Group Inc, tập đoàn chuyên cho thuê xe nổi tiếng trên thế giới. Dữ liệu về mức nhiên liệu và chỉ số đo lưu lượng, cũng như những thông số khác giúp Avis tiết kiệm chi phí trong vận hành. Ví dụ như thay vì có nhân viên Avis đi bộ đến bãi đậu xe để kiểm tra tồn kho thì thông qua hệ thống Connected của Toyota, Avis có thể lấy ngay số liệu cần thiết. Các dự đoán bảo dưỡng thường xuyên gửi về giúp Avis đưa ra bảo trì sớm, và có thể chỉ mất 4 đô la Mỹ thay vì phải chi 40 USD nếu không bảo trì sớm hơn. Ngoài tiền xe bán cho Avis, Toyota thu một khoản phí hàng tháng cho dịch vụ Connected.
Tại Honolulu, Connected đã hợp tác với Servco Pacific Inc., chủ sở hữu của Toyota, Lexus, và các đại lý Subaru trên khắp quần đảo Hawaii, để thử nghiệm dịch vụ chia sẻ xe hơi gọi là Hui. Servco cung cấp phương tiện, trong khi Connected cung cấp các ứng dụng cho phép khách hàng mở khóa xe bằng điện thoại di động của họ. Dữ liệu người dùng, tất nhiên, được gửi đến The Connected. Bắt đầu từ 9,95 đô la một giờ hoặc 79,60 đô la một ngày, khách hàng có thể lấy xe tại một trong 25 trạm đỗ xe bằng thẻ tín dụng và điện thoại thông minh. Servco trả cho Toyota một khoản phí hàng tháng.
Những doanh nghiệp nhỏ kể trên sẽ phát triển, hoặc không, tùy thuộc vào mức độ hấp dẫn người tiêu dùng với quyền sở hữu xe tư nhân. Mỗi nhà sản xuất ôtô lớn trên thế giới hiện nay đều đang nghiên cứu công nghệ tương tự, yếu tố tạo nên ngành công nghiệp có tên gọi dịch vụ di động (mobility as a service). Theo McKinsey đã dự đoán, thị trường di động toàn cầu có thể lên đến 750 tỷ đô la vào năm 2030. Sự xuất hiện của ngành công nghiệp dịch vụ di động kéo theo sự thay đổi về mô hình kinh doanh. Thay vì tập trung vào những “khối thép di động”, người ta quan tâm nhiều hơn đến việc tìm kiếm lợi nhuận cao nhất có thể trên mỗi chuyến đi.
Toyota có thể thiết lập một cỗ máy sinh lợi với công nghệ Guardian không chỉ áp dụng cho các phương tiện do con người điều khiển mà còn cho các đội xe robo-taxi được điều hành bởi chính Toyota và các đối tác như Uber. Với nhiều năm thử nghiệm xe tự lái và tuyên bố sẵn sàng chia sẻ công nghệ, Uber có thể tăng cường sức mạnh đáng kể cho Toyota. Không chỉ có vậy, Tomoyama còn đi xa hơn khi tự hào rằng có công nghệ tự lái của Uber gần như chắc chắn sẽ làm ra những chiếc xe tự lái an toàn nhất thế giới.
Tuy nhiên, trước tiên, Toyota phải thuyết phục không chỉ chính bản thân họ mà còn cả các nhà cung cấp và đại lý truyền thống của họ rằng nếu chỉ đơn giản sản xuất xe hơi thôi là không đủ. Tomoyama nói: “Chúng tôi không thể từ bỏ mảng kinh doanh chính của mình, nhưng chúng tôi cũng không thể chỉ tiếp tục làm xe một cách mơ hồ. Để tất cả mọi người chia sẻ cảm giác khủng hoảng này thật sự vẫn là một thách thức”.
Đức Tâm (theo MTG)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này