22:07 - 11/11/2016
Sử dụng quyền lực để làm hại người khác
Giáo viên dùng quyền lực để mắng học sinh là ngu dốt rồi cấm học sinh trong lớp không được chơi với học sinh đó – đó là bạo lực học đường.
Trong bài nghiên cứu về định nghĩa bạo lực học đường đăng trên niên báo viện Chính trị và khoa học xã hội Mỹ xuất bản năm 2000, giáo sư Stuart Henry đề nghị chúng ta phải mở rộng và đào sâu khái niệm bạo lực học đường chứ không chỉ giới hạn về các hành vi đánh nhau.
Theo giáo sư Stuart Henry, bạo lực là “sự sử dụng quyền lực để hại người khác”. Xin chú ý ở đây, chữ lực (force) được thay bằng quyền lực (power).
Quan trọng nhất trong định nghĩa này là khái niệm làm hại được giáo sư Henry mở rộng để bao gồm nhiều lãnh vực khác nhau. Ngoài tổn thương thể xác, người bị hại còn bị tổn thương tinh thần như tâm lý hay cảm xúc; vật chất như vật sở hữu hay điều kiện tài chánh kinh tế; xã hội hay quan hệ xã hội và bản sắc; đạo đức và luân lý, v.v.
Và người gây hại có thể dùng quyền lực để tước đoạt hay trấn áp một trong những sở hữu của người bị hại trong các lãnh vực trên.
Chẳng hạn, khi một giáo viên dùng quyền lực gọi một em học sinh là ngu dốt hay lười biếng rồi cấm những em trong lớp không được chơi với em đó, thì đó là một hiện tượng của bạo lực học đường.
Giáo viên trong thí dụ không làm tổn thương thân xác của em học sinh nhưng đã tước đoạt phẩm giá của em, tước đoạt sự an lành trong tâm trí của em, tước đoạt vị trí xã hội của em ít nhất là trong lớp học, và trấn áp các quan hệ xã hội của em. Đó là một hành động vi phạm quyền lợi của trẻ em.
Trong trường hợp giáo viên hay nhà trường không thông báo hay con em mình sợ hãi mà giấu giếm chuyện bị tấn công tại trường, có những dấu hiệu phụ huynh có thể quan sát để xem con em mình có thể đã bị bắt nạt hay đánh đập tại trường. (xem box)
Trong việc tìm ra một giải pháp hoặc một phương cách để phòng ngừa, ngăn chặn và chấm dứt bạo lực học đường, chúng ta không thể chỉ đổ lỗi cho một nguyên nhân độc nhất nào đó.
Con người và môi trường là một thể thống nhất, là một hệ thống nằm trong hệ thống. Nếu thân thể con người là một hệ thống sinh điện và hoá, thì xã hội là một hệ thống thông tin, tâm lý, v.v.
Những nguy cơ từ các phía
Với sự hiểu biết mới về tương quan hệ thống, các nhà nghiên cứu về bạo lực học đường dùng khái niệm những “yếu tố nguy cơ” (risk factors) để khảo sát những yếu tố nào trong hệ thống phần nào gây ra bạo lực học đường, cụ thể là nguy cơ xuất hiện những đứa trẻ dùng bạo lực để trấn áp người khác. Những yếu tố nguy cơ được chia ra thành bốn nhóm cùng có nghĩa là bốn hệ thống giao thoa lẫn nhau:
Thứ nhất là nguy cơ nội tại của những học sinh thường dùng bạo lực để trấn áp người khác. Nó thường xảy ra ở những đứa trẻ mang khuyết tật nhẹ về trí năng, học tập, cảm xúc, hành vi; những trẻ từng là nạn nhân của những bạo hành trong gia đình, học đường hay khu phố thôn xóm; những trẻ lạm dụng ma tuý hay rượu chè; những đứa trẻ thiếu tự tin, thường xuyên sống trong căng thẳng có thể là vì áp lực phải đóng vai học giỏi trò ngoan một cách quá mức.
Nhóm yếu tố nguy cơ thứ hai thuộc về gia đình. Trong các gia đình nếu vai trò, trách nhiệm, sinh hoạt của những thành viên bị rối loạn hay xơ cứng, khả năng tạo điều kiện hình thành những đứa trẻ có hành vi bạo lực rất cao.
Chẳng hạn, nếu cha mẹ quá khắc nghiệt, quá buông thả, hay không nhất quán trong việc kỷ luật con cái trong gia đình. Họ xem con cái như tài sản, là nô lệ, đối xử quá độc tài và áp bức. Ngược lại, nguy cơ còn xảy ra khi cha mẹ lơ là lạnh nhạt, không biết cách giám sát hành vi con cái đúng mực; hoặc cha mẹ nghiện ngập rượu chè, ma tuý.
Những nguy cơ từ nhà trường gồm có việc không có nhân viên giám sát sân chơi trong giờ ra chơi và tại cổng trường khi tan học và vào học.
Việc giám sát này còn phải bao gồm phòng ăn trưa, trong hành lang, phòng thay quần áo tập thể dục, và ngay cả trước cửa phòng vệ sinh.
Về giáo viên, thì bạo lực trong học đường sẽ xảy ra và được dung dưỡng khi giáo viên hay học sinh của trường dửng dưng hay có thái độ chấp nhận những hành vi bắt nạt, hay thậm chí có hành vi sử dụng bạo lực đối với nhau và đối với học sinh.
Về ban giám hiệu thì khi họ áp dụng các hình thức kỷ luật không đồng đều, quá khắc nghiệt, không chứng cứ, lạm quyền, và quan trọng nhất là khi định chế giáo dục và văn hoá thiếu tính nhân văn và nhân bản.
Những nguy cơ từ phía bạn bè thì trẻ có khả năng dùng bạo lực trong quan hệ thường là có nhiều bạn bè là thành phần tội phạm, băng đảng, học kém; bạn bè không thích đi học, trốn học, không thấy ý nghĩa trong chuyện học; hoặc ngược lại là bị bạn bè tẩy chay, không chơi cùng.
Sau đây là một danh sách các dấu hiệu xếp theo sáu lãnh vực cần chú ý vì có thể con em của mình đã bị bắt nạt hay đánh đập tại trường.
— Đồ dùng: áo quần, sách vở, đồ dùng, đồ chơi của các em bị rách, vỡ, mất, hay bị huỷ hoại khi đi học về.
— Thân thể: trên người các em vết cắt, cào, bầm không giải thích được. Các em thường xuyên than nhức đầu, đau bụng hay các triệu chứng bệnh khác không có nguyên do.
— Hành vi: các em lộ vẻ sợ đi học, sợ đi bộ đến trường và về nhà, sợ tham gia các sinh hoạt tại trường với bạn bè, thường đi đường vòng để đến trường hay về nhà.
— Cảm xúc: các em lộ vẻ ảm đạm, buồn rầu, vui buồn bất thường, khóc, hay trầm cảm; lộ vẻ lo lắng và giảm lòng tự tin.
— Sinh hoạt: các em trở nên khó ngủ và thường xuyên bị ác mộng, ăn không ngon, bám lấy cha mẹ hay các anh chị lớn, trẻ nhỏ ở tiểu học có khi bị đái dầm.
— Học tập: các em không còn hứng thú làm bài hoặc kết quả học tập đột nhiên kém đi.
Lê Nguyên Phương
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này