09:47 - 15/02/2019
Startup: Việt Nam thiếu vắng Kỳ lân thời hậu VNG
Trở thành startup Kỳ lân là mục tiêu vươn tới của mọi công ty khởi nghiệp nhưng tại Việt Nam, 15 năm trở lại đây ngoài cái tên VNG chưa có thêm startup nào đạt tới đỉnh cao này.
Điều gì đang thực sự diễn ra với “giới startup Việt”?
Từ những ruộng lúa vàng ươm ở Đồng bằng sông Cửu Long cho đến các bờ biển ở Singapore dường như đang được tiếp thêm sức mạnh từ những “Kỳ lân” – nhóm các startup có giá trị tối thiểu 1 tỷ USD. Họ đang tự tin tiến về phía trước và hứa hẹn sẽ làm thay đổi hoàn toàn bức tranh công nghệ của khu vực.
Đông Nam Á với 650 triệu người tiêu dùng năng động, cùng tốc độ phát triển công nghệ nhanh chóng mặt, đã và đang cho thấy sức bật ngày một lớn hơn, thoát khỏi mác “vùng nông nghiệp”, nhất là khi các quốc gia thành viên đã có tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong những năm gần đây.
Theo một báo cáo của công ty tư vấn kinh tế McKinsey&Co công bố hồi tháng 9 vừa qua, thì 8 nền kinh tế Đông Nam Á trong đó có Việt Nam nằm trong số 18 nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới trong 50 năm qua, và có thể tăng gấp đôi GDP lên thành 5 nghìn tỷ USD trong 10 năm tới.
Đông Nam Á cũng là khu vực có làn sóng khởi nghiệp diễn ra mạnh mẽ. Theo Tech in Asia, năm 2017, các startup ở Đông Nam Á đã nhận được khoản đầu tư 7,86 tỷ USD, tăng 75% so với năm 2016 và là mức cao nhất kể từ năm 2013. Singapore và Indonesia thu hút được nhiều vốn đầu tư nhất. Các startup nhận được nhiều vốn đầu tư phải kể đến Grab (4,8 tỷ USD), Lazada (3 tỷ USD), Sea (2 tỷ USD), Tokopedia (1,1 tỷ USD).
Tech in Asia thống kê, năm ngoái Việt Nam thu hút được 61,5 triệu USD đầu tư cho các startup. Nhưng theo báo cáo thường niên của Topica Founder Institute, số tiền đầu tư vào startup Việt Nam lớn hơn rất nhiều, đạt gần 300 triệu USD, tăng 42% so với năm 2016.
Mục tiêu hóa “Kỳ lân”
“Kỳ lân” là một thuật ngữ lần đầu tiên xuất hiện vào năm 2013 bởi Aileen Lee – một nhà đầu tư. Khi liệt kê một danh sách các công ty khởi nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian ngắn, được định giá trên 1 tỷ USD, Lee đã sử dụng thuật ngữ Unicorn (Kỳ lân) để mô tả sự hiếm có của các công ty này.
Từ đó về sau, Kỳ lân được sử dụng để nói đến các startup có giá trị trên 1 tỷ USD. Do vậy, trở thành startup Kỳ lân là mục tiêu vươn tới của mọi công ty khởi nghiệp. Thế nhưng, thực tế là ít có startup nào được đón sinh nhật lần thứ hai. Theo một thống kê không chính thức thì có 90% các startup phá sản ngay sau năm đầu tiên khởi nghiệp.
Tại Đông Nam Á, Singapore có 9 startup Kỳ lân và Indonesia có 4. Đại diện duy nhất của Việt Nam là VNG chạm ngưỡng tỷ USD vào năm 2014. Và trong 15 năm trở lại đây, ngoài cái tên VNG chưa có thêm startup nào đạt tới đỉnh cao này.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy – Giám đốc điều hành ESP Capital trong một cuộc phỏng vấn gần đây từng cho biết, có 4 lý do khiến các startup Việt Nam chưa thể hóa Kỳ lân thời hậu VNG, đó là hạn chế về tầm nhìn của doanh nghiệp khởi nghiệp, vấn đề xây dựng và vận hành sản phẩm chưa thực sự tốt, và cuối cùng là thiếu sự bứt phá.
Chưa kể, nhiều chuyên gia cho rằng, rào cản đối với các startup Việt Nam còn là nguồn vốn đầu tư. Ông Phạm Kim Hùng – CEO & nhà sáng lập Base.vn cho rằng: “Tại Việt Nam, số lượng quỹ đầu tư không nhiều, và họ cũng thường kỳ vọng startup phát triển đến một mức nhất định rồi mới đổ tiền vào. Nếu ở Mỹ, startup chứng minh bằng ý tưởng thì ở Việt Nam, startup phải chứng minh bằng con số”.
Bên cạnh đó, hạ tầng công nghệ và chính sách cho startup ở Việt Nam vẫn chưa thực sự thuận lợi. Nhiều trường hợp startup Việt chọn Singapore hay Silicon Valley là nơi đặt trụ sở. Chẳng hạn, các startup thành công như Kyber Network của CEO Lợi Lưu, hay Abivin của Phạm Nam Long và Nguyễn Hoàng Anh đều đặt trụ sở ở Singapore, Got It! Của Trần Việt Hùng đặt ở Silicon Valley, Mỹ.
Những trận đánh mới
Báo cáo e-Conomy SEA 2018 từ Google và Temasek đã chỉ ra, nền kinh tế Internet đang là trọng tâm của khu vực Đông Nam Á. Mặc dù không nằm trong top 4 quốc gia có lượng người dùng Internet đông đảo nhất, nhưng Việt Nam vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng với nền kinh tế Internet đang bùng nổ.
Xét về quy mô, nền kinh tế số ở Việt Nam ước tính giá trị 9 tỷ USD, dự kiến tới năm 2025 sẽ chạm ngưỡng 33 tỷ USD, tăng trưởng 33%/năm.
Hiện tại, trong lĩnh vực thương mại điện tử, quy mô thị trường Việt Nam hiện đạt 2,8 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng mỗi năm đạt 87%. Sân chơi này ngoài những đối thủ ngoại hùng mạnh như: Lazada, Shopee, thì Tiki và Sendo hiện đang là 2 cái tên của Việt Nam được đặt kì vọng nhiều nhất.
Ngay đầu năm 2018, Tiki đã nhận thêm tiền từ tập đoàn JD, bổ sung vào khoảng đầu tư 44 triệu USD đã nhận trong năm 2017. Đến tháng 9/2018, công ty này tiếp tục nhận thêm 122 tỷ đồng từ VNG. Còn Sendo cũng kêu gọi được tổng cộng 51 triệu USD từ SBI Holdings (Nhật Bản) và một số công ty khác trong năm 2018.
Hay như lĩnh vực du lịch trực tuyến tại Việt Nam – nơi quy tụ những ông lớn hàng đầu trong hoạt động đặt phòng, cho thuê khách sạn, homestay, hay đặt vé máy bay, tour du lịch, nghỉ dưỡng được Google và Temasek ước tính lên tới 3,5 tỷ USD tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng 15% mỗi năm.
Bên cạnh những cái tên: Booking, Agoda, Traveloka, thì VnTrip và Luxstay là 2 đại diện nổi bật tới từ Việt Nam. Năm 2018, VnTrip gọi vốn thành công từ quỹ IHAG Holdings – Thụy Sĩ, thông qua đó, công ty được định giá ở mức 45 triệu USD, tương đương hơn 1.000 tỷ đồng.
Còn Luxstay với mạng lưới với gần 10.000 chỗ ở trên khắp cả nước, là nền tảng cho thuê nhà ngắn hạn đáp ứng nhu cầu tốt nhất dành cho thị trường Việt Nam, đang tiếp tục huy động những vòng gọi tiếp theo với quy mô trên 10 triệu USD. Đầu năm 2019, công ty này nhận 3 triệu USD từ các quỹ CyberAgent Ventures, Y1 Ventures…
Và không thể không nhắc tới một lĩnh vực khá mới mẻ tại Việt Nam là: gọi xe. Báo cáo của Google và Temasek cho rằng, lĩnh vực gọi xe gồm 2 hoạt động chính là: gọi xe để đi lại, di chuyển, và gọi xe để giao nhận đồ ăn. Với quy mô của thị trường đạt tới 500 triệu USD, hoạt động gọi xe tại Việt Nam liên tục thu hút các ông lớn quốc tế lẫn trong nước như Grab, Go-Viet, FastGo hay Foody, Lozi… tham gia.
Theo TheLeader
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này