09:09 - 23/08/2019
Startup Elsa của cô gái Việt giúp Nhật và Indonesia học tiếng Anh
Hồng Vũ đã ra mắt một ứng dụng học tiếng Anh tại Việt Nam vào năm 2016, dự định lập văn phòng đại diện tại Nhật, Ấn Độ và Indonesia, để khai thác dân số học tiếng Anh khổng lồ ở châu Á.
Văn Đinh Hồng Vũ, CEO Elsa, một startup đang nổi lên trong lĩnh vực edtech – từ viết tắt của education technology, nghĩa là công nghệ giáo dục, nói với phóng viên Nikkei Asia Review
hồi đầu tháng 8/2019: “Ngay lúc này, chúng tôi muốn tập trung vào khu vực châu Á. Châu Á rộng lớn, thậm chí nếu chỉ tính riêng Đông Nam Á, cũng đã rộng lớn rồi”.
Nhận dạng giọng nói
Esla có trụ sở tại Silicon Valley. Sự mở rộng mạnh mẽ của startup này làm tăng thêm xu hướng startup giáo dục của châu Á, nơi mà các dịch vụ dựa vào công nghệ đang làm thay đổi cách mọi người học, và giúp đáp ứng các nhu cầu về giáo dục.
Với công nghệ “nhận dạng” giọng nói độc đáo, dịch vụ của Elsa tập trung vào việc phát âm tiếng Anh của người dùng.Họ học các bài học cá nhân dựa trên trình độ phát âm của họ. Nhận dạng giọng nói được thiết kế để xác định các lỗi học viên mắc phải khi họ nói tiếng Anh, chứ không hiểu những gì người bản ngữ nói.Elsa có gần 5 triệu người dùng trên khắp thế giới, Hồng Vũ cho biết, trong số đó Việt Nam chiếm 1/3.
Công ty của Hồng Vũ có kế hoạch sớm thành lập các đội ngũ địa phương ở Nhật, sau đó là Ấn Độ và Indonesia, vì ứng dụng này được tải xuống nhiều lần tại thị trường này, cô nói với phóng viên Nikkei Asian Review trong một cuộc phỏng vấn hồi đầu tháng 8, ở Singapore. “Ngay khi chúng tôi có người dùng bên Nhật, chúng tôi sẽ xúc tiến mở văn phòng, hy vọng là chừng hai tháng nữa”, Hồng Vũ nói. “Chúng tôi muốn thuê văn phòng ở Indonesia và Ấn Độ”.
Công ty hiện có khoảng 40 nhân viên, chừng một nửa trong số đó làm việc ở văn phòng TP.HCM.Ở Việt Nam, Elsa cũng có chừng 30 khách hàng gồm các trường học và các công ty. Elsa sẽ tuỳ chỉnh chương trình giảng dạy cho một quốc gia hoặc lĩnh vực kinh doanh cụ thể, chẳng hạn như những bài học hội thoại tiếng Anh dành cho các ngân hàng, Hồng Vũ cho biết.
Hồng Vũ, tốt nghiệp đại học Stanford, thành lập công ty cách đây bốn năm tại Mỹ. Elsa đã huy động được tổng cộng 12 triệu USD vốn từ các nhà đầu tư, trong đó có quỹ Gradient Ventures tập trung vào AI của Google, quỹ 500 startup và tổ chức Monk’s Hill Ventures đóng trụ sở tại Singapore.
Học tiếng Anh là một lĩnh vực chính của ngành kinh doanh giáo dục ở châu Á. Elsa sẽ tiếp tục tập trung vào khâu nói tiếng Anh, Hồng Vũ cho biết, vì nghiên cứu của công ty của cô cho thấy 90% học viên nghĩ rằng, nói là một lĩnh vực mà họ cần có nhiều trợ giúp hơn.
Nhiều đối thủ
Các startup giáo dục, điển hình là dịch vụ học trực tuyến, đang tăng ở châu Á, do các thách thức như thiếu giảng viên và trường lớp ở các vùng nông thôn. Một tầng lớp trung lưu đang phát triển – với các phụ huynh không ngại chi tiêu cho giáo dục con cái – và sự thâm nhập của hạ tầng internet và smartphone, cũng góp phần vào xu hướng này.
Các chính phủ ở các nước châu Á cũng nắm một vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ sự tăng trưởng của thị trường, Gervasius Samosir, đối tác của công ty tư vấn tập trung vào châu Á YCP Solidiance ở Jakarta, nói. “Một số quốc gia Đông Nam Á đã xây dựng quy hoạch tổng thể, để nắm lấy công nghệ giáo dục trong hệ thống của họ”, ông nói và lưu ý rằng, Indonesia muốn 270.000 nhà trường nối kết với internet, nhằm mở đường cho công nghệ giáo dục.
“Thị trường edtech tại Ấn Độ đang có mục tiêu xem công nghệ là một giải pháp thay thế cho việc đào tạo lại một lần nữa”, Pavan Kumar Madamsetty, đối tác của YCP Solidiance tại New Delhi, cho hay. “Với chỉ một số rất ít sinh viên đang học lên đến giáo dục cao hơn, còn một phần rất lớn còn lại của thế hệ tiếp theo bị chìm vào bóng tối của sự thiếu hiểu biết”, ông nói. “Mặt khác, những người tiến được vào hàng ngũ học vấn cao, lại có trình độ tồi tệ cần đào tạo lại”.
Các công ty Trung Quốc dẫn đầu không gian edtech ở châu Á, với các startup huy động đến 4,3 tỷ USD năm 2018, gần gấp đôi con số năm 2017, theo công ty dữ liệu startup Crunchbase. Ấn Độ và các nước Đông Nam Á đang theo sau, với các startup giáo dục tại các thị trường này huy động 1,3 tỷ USD năm ngoái, tăng gấp ba so năm 2017.
Trong số các công ty thu hút đầu tư lớn gần đây là kỳ lân học tập điện tử Byju’s của Ấn Độ, đã huy động 150 triệu USD hồi tháng 7, và hiện đang được đánh giá hơn 5 tỷ USD. Công ty giáo dục trực tuyến của Việt Nam Topica Edtech Group huy động 50 triệu USD ở vòng series D, do công ty mạo hiểm Northstar Group của Singapore đứng đầu. Peng T. Ong, đối tác quản lý của Monk’s Hill Ventures, cho biết công ty ông lạc quan về sự tăng trưởng liên tục của edtech ở Đông Nam Á.
Khởi Thức (theo TGHN)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này