
16:10 - 25/08/2016
Sống xanh trái ngược với sống đen
ThS Trần Văn Hùng – cựu giám đốc IBM tại Việt Nam, cuối tuần qua, trong một chuyến công tác vào Sài Gòn theo lời mời của hội quán Các bà mẹ, anh đã có những buổi nói chuyện ngắn với các em nhỏ xoay quanh chủ để “Sống xanh”.

Sống xanh trái ngược với sống đen. Trong hình: Beyonce Knowles cùng với Ed Sheern tại festival Công dân toàn cầu năm 2015. Ảnh: TL
Khái niệm Sống xanh được anh lý giải đơn giản: nó khác với sống đen. Xã hội xanh khác với xã hội đen. Môi trường thiên nhiên xanh và môi trường xã hội xanh sẽ là mặt trái của môi trường đen.
Anh Hùng đã mô tả trái đất như một ngôi làng và 7 tỷ người đứng xung quanh trái đất, khoảng cách mỗi người 1m thì sẽ được khoảng 158 vòng.
Lúc đó ngôi làng trái đất có: 57 người châu Á, 21 người châu Âu, 14 người châu Mỹ, tám người châu Phi, 52 đàn bà, 48 đàn ông, 70 da màu, 30 da trắng, 80% giới tính bình thường, 11% lưỡng giới, 9% đồng tính…
Vậy chúng ta là ai trong làng này?
Nếu sáng nay thức dậy khoẻ mạnh, bạn hạnh phúc hơn 1 triệu người (họ không sống đến tuần sau). Nếu bạn chưa phải trải qua chiến tranh và nỗi cô độc trong tù bạn cũng may mắn hơn nửa tỉ người trên trái đất.
Nếu trong nhà bạn có dự trữ thức ăn một chút, bạn được ăn mặc tử tế, có một mái nhà và một chiếc giường êm ấm, bạn đã giàu có hơn 75% nhân loại.
Nếu bạn đã đủ ăn, và lại có một ít tiền lẻ trong túi tiêu vặt thì bạn thuộc vào 8% no đủ của nhân loại. Bạn đã hạnh phúc hai lần vì bạn không cô độc và không nằm trong 1 tỷ người mù chữ.
Bạn là ai, công dân thế giới?
Khi được hỏi năm em nhỏ ngẫu nhiên tại buổi trò chuyện: con có là công dân thế giới không? Một em trả lời: không, một em nói: con không biết, một em nói: con là công dân Mỹ, và một em trả lời: có.
Khái niệm công dân toàn cầu hiện nay ở Việt Nam, trong vấn đề giáo dục, cho thấy vẫn chưa thực sự đầy đủ để giúp các em nhận ra vai trò và vị thế của mình trong một “ngôi làng thế giới”.
Nó vẫn giống như cách đây gần 40 năm về trước, thời đói nghèo nhất của Việt Nam sau khi thống nhất năm 1975 như ông Hùng kể: “Thời của tôi ở Hà Nội, thập niên 1980 thấy da trắng bảo là Liên Xô, thấy da đen nói là Cuba, thấy da vàng nói là Trung Quốc, hoàn toàn không biết mình cũng là công dân thế giới vì không biết gì hơn ngoài Việt Nam và những người ở nước đó”.
“Và hiện nay, chỉ từ khi có internet, chúng ta phá vỡ khái niệm biên giới, chỉ còn biên giới địa lý, về tất cả các mặt khác chúng ta đã hội nhập toàn cầu, bây giờ, với tư cách là công dân toàn cầu, là công dân của “làng thế giới”, ông giải thích.
Cách đây năm năm, có 500 nhà khoa học thế giới nghiên cứu về vấn đề cứu môi trường, ở Việt Nam có TS Nguyễn Hữu Năm. Và, các nhà bác học đã gửi bức thư từ tương lai (năm 2070) với nội dung: “Chúng tôi đang ở vào năm 2070. Tôi vừa bước sang tuổi 50, nhưng trông như đã 85. Tôi đang bị bệnh nặng về thận vì uống quá ít nước. Tôi nghĩ rằng mình không còn sống được bao lâu nữa”.
“Hiện nay tôi thuộc về số người già nhất còn sống trong xã hội này. Tôi nhớ lúc tôi năm tuổi. Mọi sự khác xa bây giờ. Có rất nhiều cây cối trong công viên, nhà cửa có vườn xanh chung quanh, tôi có thể tắm thật lâu tuỳ thích và đứng dưới vòi sen nước cả tiếng:.
“Hiện nay, chúng tôi phải lau mình với khăn thấm dầu khoáng chất. Trước đây phụ nữ hãnh diện vì mái tóc đẹp của mình. Bây giờ chúng tôi phải cạo trọc để giữ cho đầu sạch mà không phải dùng nước. Trước đây, cha tôi thường rửa xe với tia nước tuôn ra từ vòi”.
“Hiện nay, trẻ em khó tin rằng người ta có thể phí phạm nước vào một việc như thế. Tôi nhớ những lời cảnh báo thời đó: hãy tiết kiệm nước. Nhưng chẳng ai buồn để ý. Người ta nghĩ rằng nguồn nước là vô tận. Ngày nay, sông, đập, vịnh và nước ngầm hoặc đã ô nhiễm tồi tệ hoặc đã khô cạn rồi…”
Chân Khanh
Theo TGTT
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này