
16:23 - 07/04/2016
Lối nhỏ của ShipS: Mỗi người nhàn rỗi là một ‘người vận chuyển’
ShipS, theo định nghĩa của nhóm khởi nghiệp là “dịch vụ giao hàng Secure (an toàn) – Saving (tiết kiệm) và Speed (tốc độ) trên toàn lãnh thổ hình chữ S của Việt Nam”.
Trong tháng 4/2016, ShipS sẽ có mặt tại TPHCM với văn phòng đại diện chỉ chừng vài chục mét vuông trên đường Tô Hiến Thành (quận 10).
Dù trên thị trường đã có rất nhiều nhà vận chuyển đã thành danh như Giao hàng nhanh, Ahamove…, nhưng Nguyễn Tuấn Minh và ba người bạn (đang làm công ăn lương ở các công ty khác) quyết định góp vốn, ước chừng 1 tỷ đồng, để phát triển dịch vụ giao hàng ShipS với những lối đi riêng, tránh đối đầu với những “ông lớn” như lời Minh chia sẻ với Thế Giới Tiếp Thị.
Cách làm riêng
Lấy ý tưởng mỗi người nhàn rỗi có thể là một người vận chuyển hàng, tạm gọi là shipper, cuối tháng 12/2015, nhóm khởi nghiệp ShipS đã hoàn tất ứng dụng giao hàng ShipS Shop (bao gồm phiên bản Ships – Shop dành cho chủ cửa hàng và ShipS – Shipper dành cho người giao hàng), chạy trên hai hệ điều hành Android và iOS.
Giữa tháng 2/2015, mô hình ShipS thử nghiệm tại địa bàn Hà Nội. “Đến đầu tháng 3, ShipS Hà Nội đã có hơn 1.200 shipper và hơn 200 cửa hàng tham gia, dự kiến trong tháng 4 này sẽ áp dụng mô hình ShipS tại TP.HCM”, giám đốc điều hành ShipS Nguyễn Tuấn Minh cho biết.
Theo lời Minh, ShipS là dịch vụ giao hàng từ người bán (cá nhân, các cửa hàng, siêu thị…) đến tận tay người mua. “Nhưng điểm khác biệt của ShipS là không giữ tiền của người mua như các dịch vụ giao hàng khác. Sau khi nhận được thông tin giao hàng trên ứng dụng ShipS Shop, shipper sẽ ứng tiền trước cho người mua đúng với giá trị đơn hàng để nhận hàng.
Khi giao hàng đến tận tay người mua, shipper sẽ thu lại số tiền trên và chi phí vận chuyển. Hiện nay, ShipS không thu phí của chủ shop hoặc shipper. Tháng 7/2016, ShipS sẽ thu phí là 1.000 đồng cho một lần giao dịch thành công giữa chủ shop và shipper”, Tuấn Minh giải thích.
Ước mơ lớn
Theo số liệu của ShipS, hiện Hà Nội và Sài Gòn có khoảng 1,2 triệu cửa hàng nhỏ. “Chỉ cần 10% số cửa hàng này tham gia ShipS là thành công. Vì chi phí khởi nghiệp có hạn nên nhóm khởi nghiệp ShipS sẽ chia nhau nói chuyện trực tiếp về ứng dụng này với các bác xe ôm tự do hoặc các bạn sinh viên”, Tuấn Minh bộc bạch.
Để trở thành một shipper của ShipS, phải có đủ bản sao bốn loại giấy tờ: chứng minh nhân dân, hộ khẩu (hoặc giấy tạm trú), cà vẹt và bằng lái. Ngoài ra, mỗi shipper phải ký gởi cho ShipS số tiền là 5 triệu đồng như là một cam kết hoạt động lâu dài với ShipS.
Trả lời câu hỏi của Thế Giới Tiếp Thị về việc những đơn hàng có giá trị lớn, hơn 1 triệu đồng, liệu các shipper có sẵn tiền mặt để trả cho các shop, ông Tuấn Minh cho biết, khảo sát trong số đơn hàng thời gian qua, hơn 90% giá trị đơn hàng dưới 2 triệu đồng.
“Giá trị hàng hoá thấp nên các shipper sẽ có đủ tiền để trả cho các shop. Trong trường hợp vận chuyển, nếu có sơ sót xảy ra, hai bên sẽ có hướng giải quyết phù hợp như là chia sẻ trách nhiệm hoặc là ShipS sẽ bù cho giá trị đơn hàng đó”, ông Minh nói thêm.
Cũng theo vị giám đốc này, có những đơn hàng có giá trị lớn, từ 5 – 10 triệu đồng, tuỳ theo uy tín của shipper mà ShipS sẽ ứng tiền cho đơn hàng đó.
“Shipper có uy tín ít nhất đã tham gia trên 300 đơn hàng, cộng với tiêu chí đánh dấu tốt trong thời gian tham gia cùng chúng tôi”, Tuấn Minh giải thích.
Hiện nay, chi phí vận chuyển một đơn hàng từ shop đến tay người mua, tối thiểu là 20.000 đồng. Chỉ cần mỗi ngày có từ mười đơn hàng trở lên, trừ chi phí nhiên liệu, cũng là khoản thu không nhỏ cho các shipper.
Không dừng lại ở đó, tham vọng của nhóm khởi nghiệp ShipS là phát triển mạng lưới shipper tại các tỉnh, để giúp người bán và người mua nhận hàng chỉ trong 1 – 2 tiếng.
Khát vọng của nhóm khởi nghiệp ShipS đã được cộng đồng ghi nhận, nhưng mức độ thành công và sự cay nghiệt của thực tế là những thử thách còn ở phía trước…
Song Minh
Thế Giới Tiếp Thị
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này