08:49 - 17/09/2018
Sách hay 2018: Tìm bản lai diện mục của Sài Gòn và con người thần thánh
Hai cuốn sách đạt giải Phát hiện mới năm nay có thể nói là đã tìm “bản lai diện mục của Sài Gòn” (sách viết trong nước) và “con người thần thánh” (sách dịch).
Với chủ đề “Khuyến đọc sách hay”, Giải Sách hay năm nay, ban tuyển chọn gồm những học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn và các chuyên gia uy tín, sau 5 tháng và 3 vòng tuyển chọn, ban tuyển chọn giải Sách hay đã chọn được 14 tựa sách hay 2018 với các thể loại: Nghiên cứu, Giáo Dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, văn học Thiếu Nhi và Phát hiện mới để trao giải, nhằm hướng đến bạn đọc một cách lựa chọn sách có chọn lọc hơn.
Giải Phát hiện mới năm nay với sách viết trong nước chính là bộ sách “Văn chương Sài Gòn 1881-1924”, biên khảo của Trần Nhật Vy do NXB Văn hóa – Văn nghệ ấn hành năm 2017.
Nhà nghiên cứu Triết học Bùi Văn Nam Sơn – người công bố giải thưởng nói: “Thi sĩ Tô Đông Pha có câu: “Bất thức nhân dư chân diện mục/ Chỉ duyên thân tại thử sơn trung” – nghĩa là nếu ta không giữ khoảng cách với ngọn núi thì sẽ không nhận thấy hết chân diện của nó…
Công trình “Văn chương Sài Gòn 1881-1924 của nhà biên khảo Trần Nhật Vy, là một tác giả hết sức yêu Sài Gòn đã cố công tìm kiếm bản lai diện mục của Sài Gòn bằng tất cả những gì mà ông đã bỏ thời gian biên soạn trên hàng ngàn trang tài liệu.
“Bạn đọc muốn coi thì hãy mua nhật trình mà coi” trong cuốn sách này – câu nói dễ thương nhất tiêu biểu cho Sài Gòn, để ta thấy sự song sinh và sự nương tựa vào nhau. Hy vọng sắp tới VHVN sẽ được viết chính xác hơn, chân thực hơn”.
Với cuốn sách dịch ở hạng mục Phát hiện mới, nhà nghiên cứu Bùi Văn Nam Sơn cũng đã chia sẻ những gì ông đã đọc ở cuốn sách này, đó là cuốn Homo Dues – Lược sử tương lai – tác giả Yuval Noah Harari do Dương Ngọc Trà dịch, công ty Nhã Nam và NXB Thế Giới ấn hành năm 2018.
Ông nhận định: “Homo Dues: Con người trở thành thần thánh. Hầu như nhà sử học nào cũng có một tham vọng thông thạo cổ kim, quá khứ và tương lai. Chỉ có điều, thành thật mà nói rằng, nhan đề ấy, mong mỏi ấy luôn vượt quá sức bất cứ một sử gia nào.
Chưa thể gọi công trình này là một công trình sử học đúng nghĩa, cũng khó có thể bảo đó là một công trình của một triết gia về lịch sử hay của một nhà nhân học văn hóa. Nhưng với kiến thức chuyên môn tương đối vững vàng và đặc biệt bởi phong cách báo chí tiêu biểu cho loại sách best seller, cuốn sách của Harari đã trở thành một hiện tượng vừa khoa học, vừa văn học, vừa giải trí… với nhiều thông tin, nhiều nhận định độc đáo.
Tuy ông không phải là tiền phong trong việc phát hiện những vấn đề ấy. Ví dụ việc phát hiện rằng sở dĩ loài người có những bước phát triển đột biến để xây dựng nền văn minh hiện đại – ở đây, theo nghĩa là khác với các giống loài khác, mà ông gọi là bước ngoặt nhận thức mà cách đây mấy mươi ngàn năm các các nhà nghiên cứu khác từ vai trò của ngôn ngữ đã được Aristotle nhận thấy, vai trò của tưởng tượng đã được I.Kant chỉ ra.
Đặc biệt ở thời hiện đại, những nhà nhân học cũng đã nhấn mạnh yếu tố rằng con người là một sinh vật rất yếu đuối, bất toàn vì thế phải đưa vào những định chế để có thể đứng vững và phát triển được. Để giải thích vai trò độc đáo của con người trên quả đất này, xét về phương diện quá khứ, khi ta biết rằng vào thế kỷ thứ 17, 18 thì hình ảnh của Homo hay Dues in Terra – tức là một ông trời con trên mặt đất mà con người đang trở thành, đã khống chế cả một nền văn minh.
Cuốn sách này, Harari nói về tương lai, đưa ra nhiều dự đoán ở phương diện rất chuyên môn nói về vai trò thống trị của dữ liệu, công nghệ thông tin, AI… Cái hay của ông kết hợp các vấn đề này và viết rất hấp dẫn và lôi cuốn để nêu bật cái vừa độc đáo vừa khá kinh dị của tương lai khi trí thông minh tách rời khỏi con người bằng người máy hay trí tuệ nhân tạo.
Mặt khác, điểm quan trọng mà Harari nhấn mạnh đó là sự khống chế của các thế lực làm chủ các hệ thống công nghệ trên thế giới. Và chính họ, chứ không ai khác sẽ trở thành những “thần linh đích thực” trên mặt đất này. Bởi họ có quyền lực khống chế được bộ não của con người, và đồng thời con người cũng “mất mạng” với nghĩa đen (của Internet) và nghĩa bóng của đời sống con người. Cảnh báo này cho thấy sự khống chế độc đáo của các nguồn thông tin và từ đó cho thấy các tập đoàn tài phiệt liên quốc gia sẽ thiết lập bộ máy cai trị độc quyền thực hiện…
Tác giả có thể bi quan khi nhận định đầy lo lắng về tương lai mà có nhiều triết gia và nhà xã hội học cũng đã băn khoăn. Nhưng tôi xin chia sẻ một chút lạc quan với tác giả rằng: Kỳ cùng robot thì không biết yêu. Nó có thể tài tình, thậm chí thay thế nhiều chức năng của con người, nhưng nó sẽ không biết yêu. Tôi hy vọng rằng dự báo ấy sẽ còn đúng, nếu ngược lại thì không biết ra sao”.
Hạng mục nghiên cứu
Bộ sách đoạt giải là “Đời sống xã hội Việt Nam đương đại”. Bộ sách được biên soạn để nhằm trả lời câu hỏi lớn: Đời sống XH VN đương đại hôm nay là gì? Trong 4 năm tập trung nghiên cứu và soạn thảo cùng với 20 nhà nghiên cứu trẻ tuổi, năng động và cần mẫn, bộ sách đã ra đời và tiếp tục sẽ còn thêm những cuốn sách khác. Đại diện cho nhóm nghiên cứu, Thạc sĩ Lê Anh Vũ đã chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục con đường này để tiếp nối những truyền thống về nghiên cứu mà những người đi trước đã lựa chọn và thúc đẩy chúng tôi”.
Ở thể loại sách dịch, từ 53 cuốn sách do bạn đọc tuyển chọn, BTC cuối cùng cũng đã chọn vào vòng chung kết 5 cuốn sách, trong đó cuốn sách “Xã hội cổ đại hay Nghiên cứu các con đường đi lên của loài người từ mông muội qua dã man đến văn minh” của tác giả L.H.Morgan- NXB GDVN 2002 đã được sự thống nhất của các thành viên đi đến quyết định trao giải Sách hay năm nay.
Ngân Hà lược thuật (theo MTG)
Ý kiến của bạn về bài viết
Không có chức năng bình luận cho bài viết này